“Chưa bao giờ mình gặp khủng hoảng tài chính như hiện tại. Mình nhận ra, đã là công ăn lương thì dù có làm tốt đến đâu, bạn vẫn có thể bị sa thải như thường.
Mình nghĩ chúng ta không biết ngày mai ra sao, do đó khi còn có thu nhập ổn định, bạn cần học cách tiết kiệm, hoặc mua tài sản tích trữ như cổ phiếu và vàng. Để sau này nếu có lỡ rơi vào cảnh thất nghiệp, bạn vẫn có thể chi tiêu thoải mái và không dựa dẫm vào bố mẹ, bạn bè” – Đây là bài học mà Hoài Thương (SN 1999, Hà Nội) rút ra được sau khi bị sa thải từ tháng 8 năm ngoái.
Khủng hoảng tài chính đầu tiên
Từ năm 18 tuổi, Hoài Thương chuyển lên Hà Nội và bắt đầu đi làm từ sớm. Cô bạn đã thử qua nhiều nghề, từ bồi bàn, gia sư cho đến nhân viên văn phòng. Bạn bè từng nhận xét, chưa bao giờ thấy Hoài Thương không làm một công việc nào cả, bên cạnh chuyện học hành trên trường lớp. Mức thu nhập hàng tháng của Hoài Thương cũng tăng dần, từ 4 triệu đồng cho công việc bồi bàn đến 30 triệu đồng cho công việc văn phòng gần nhất.
Tuy nhiên, đến tháng 8/2023, Hoài Thương chính thức rơi vào làn sóng sa thải do công ty làm ăn thua lỗ dẫn đến phòng ban của cô phải cắt giảm nhân sự.
“Như bao người khác, mình cũng bất ngờ khi nhận được tuyên bố phòng mình tạm dừng hoạt động. Điều này có nghĩa, một là mình nghỉ việc, hai là chuyển sang bộ phận khác. Tuy nhiên, do nhận thấy chuyển sang bộ phận khác thì mức lương giảm, môi trường không cho nhiều cơ hội thăng tiến và bản thân không hợp với cấp trên ở đó, nên mình quyết định nghỉ luôn ở công ty. Ngoài ra, mình cũng muốn nghỉ việc để cho bản thân được nghỉ ngơi một thời gian và thực hiện một số dự án khác”, Hoài Thương tâm sự.
Ảnh minh hoạ
Dù đi làm từ sớm, nhưng kỹ năng quản lý tài chính của Hoài Thương tỷ lệ nghịch với kinh nghiệm làm việc. Cô bạn chia sẻ: “Từ năm 3 Đại học mình đã có công việc ổn định và mức lương ổn so với bạn bè đồng trang lứa. Điều này vô tình hình thành ở mình ‘bẫy chi tiêu’. Với suy nghĩ lương cao mà nên cứ tiêu tiền đi khiến mình không ý thức được phải tiết kiệm hay cần hoạch định rõ ràng kế hoạch tài chính cho các mục tiêu lớn hơn như mua nhà, mua xe.
Cũng vì thế, khi thất nghiệp, mình chỉ có một ít tiền trong tài khoản ngân hàng, cùng với tài khoản tiết kiệm chờ đáo hạn. Mình hoàn toàn không có quỹ dự phòng cho tình huống khẩn cấp xảy ra”.
Hoài Thương cho biết thêm, không chỉ tình hình tài chính mà tinh thần của cô cũng bị ảnh hưởng rất nhiều sau lần sa thải này. “Bởi vì mình chưa chuẩn bị cho tình huống này. Mình không có quỹ dự phòng, không có công việc tay trái hay kế hoạch gì mới cho tương lai. Mất khoảng 5 tháng đầu sau nghỉ việc, mình vẫn chi tiêu với mức sống khi còn làm dân văn phòng. Tuy nhiên, khi thấy tài khoản ngân hàng dần vơi đi, mình buộc phải đứng dậy. Vì nếu cứ duy trì ở mức sống này, một đứa 25 tuổi như mình sẽ cần ngửa tay xin tiền bố mẹ”.
Chỉ tiêu 2 triệu đồng/tháng trong thời gian thất nghiệp
Đây là một con số chi tiêu hàng tháng mà “phiên bản” Hoài Thương còn đi làm cũng phải thấy bất ngờ. Cô bạn liệt kê các khoản chi tiêu hàng tháng như sau:
– Tiền nhà: 0 đồng. Bởi lẽ Hoài Thương đang ở cùng nhà với gia đình, do đó không cần tốn chi phí nào cho mức tiêu dùng này.
– Tiền ăn uống: 900 ngàn đồng.
Hoài Thương đang tận dụng quãng thời gian nghỉ việc để giảm cân, do đó số tiền chi cho ăn uống của cô bạn cũng được giảm tối đa. Mỗi ngày, cô bạn chỉ tốn 30 ngàn đồng cho chi phí ăn uống. Để tiết kiệm chi phí, Hoài Thương tự nấu ăn tại nhà, kết hợp tận dụng “nhà có gì thì ăn nấy”.
– Tiền cafe và trà chanh thư giãn cùng bạn bè: 300 ngàn đồng.
– Tiền đổ xăng: 300 ngàn đồng.
– Các khoản chi còn lại (mua đồ mỹ phẩm, đồ tiêu dùng hàng ngày, đi đám cưới và hỏi thăm họ hàng…): 500 ngàn đồng.
Ảnh minh hoạ
Hoài Thương cho biết: “Ở thời điểm thất nghiệp mình cắt bỏ hoàn toàn những khoản chi tiêu tốn kém sau đây: Mua quần áo mới – Đi du lịch dài ngày – Các khoản đăng ký hàng tháng như Spotify, Netflix,…
Nếu như ngày trước, mình là người chủ động rủ rê bạn bè tham gia các buổi ăn uống và liên hoan tốn kém, thì giờ đây mình luôn kêu họ đến những nơi có mức giá rẻ hơn, chỉ khoảng 50 – 100 ngàn đồng/bữa, chứ không còn là ăn uống 300 – 500 ngàn đồng/bữa như trước. Một điều đặc biệt là hiện giờ nhóm bạn mình cũng có nhiều người rơi vào bão sa thải, do đó dễ dàng để chúng mình rủ nhau tiết kiệm hơn”.
Ở thời điểm hiện tại, Hoài Thương đã tìm được việc làm chính thức, chấm dứt khoảng thời gian thất nghiệp. Tuy nhiên, do vẫn đang thử việc ở môi trường mới nên cô bạn chi tiêu hết sức tiết kiệm, không dám phung phí như giai đoạn trước.
Nhớ lại quãng thời gian chỉ tiêu 2 triệu đồng/tháng khi thất nghiệp, ở khía cạnh tích cực thì Hoài Thương vẫn thầm cảm ơn lần sa thải đột ngột đó.
Cô nàng bày tỏ: “Đầu tiên, mình thấy biết ơn vì nhờ đó, mình mới học được cách chi tiêu tiết kiệm. Chưa bao giờ mình thấy bản thân ‘rỗng ví’ như trải nghiệm này. Nhờ đó, mình biết học cách đa dạng thu nhập, trích tiền lương hàng tháng để đầu tư và gửi tiết kiệm.
Ngoài ra, quả thật trước khi thất nghiệp, mình vẫn còn suy nghĩ mơ hồ về tương lai. Mình luôn nghĩ, mình sẽ chỉ cố gắng làm một công việc văn phòng với mức lương 30-40 triệu đồng/tháng. Sau đó, mình cưới chồng và cả hai cùng cố gắng mua căn nhà ở Hà Nội, thế là có cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, mình nhận ra kể cả khi bạn đã nỗ lực làm việc thì vẫn có thể xuất hiện một biến số khiến kế hoạch cuộc đời chệch hướng hoàn toàn.
Và nếu không có lần sa thải đó, có lẽ cả cuộc đời này mình sẽ chỉ làm nhân viên văn phòng. Và rồi mình không dám thoát ra khỏi vòng an toàn mà chính mình xây dựng nên. Chỉ khi rỗng túi và có quãng thời gian đi chậm lại để nhìn mọi thứ xung quanh, mình mới mong muốn khởi nghiệp để tự làm chủ một lần hơn bao giờ hết. Vì lúc đó, mình không chỉ có cơ hội tự làm giàu, mà còn làm chủ cuộc đời mình, chứ không phụ thuộc vào ý kiến hay sự đồng ý hay không của bất kỳ ai”.
Theo Nhịp sống thị trường
https://markettimes.vn/that-nghiep-thay-doi-toi-hoan-toan-luong-30-trieu-nhung-cu-tieu-tien-khong-co-muc-tieu-mua-nha-mua-xe-thi-ngay-xin-tien-bo-me-se-den-rat-gan-54888.html