Ám ảnh tuổi thơ nghèo khó ảnh hưởng đến tôi thế nào?
Tôi lớn lên trong gia đình nghèo đông đúc có 7 thành viên, nên việc chia sẻ hầu hết mọi thứ với người thân từ phòng tắm cho đến phòng ngủ là điều bình thường.
Cha mẹ luôn hứa rằng, sẽ cung cấp đầy đủ mọi thứ cho các con. Thế nhưng kể từ khi học lớp 8, tôi không còn muốn xin cha mẹ ít tiền lẻ để tiêu vặt qua ngày nữa. Tôi còn nhớ, đã không ít lần mình giấu sự ghen tị thầm kín khi nhìn tủ quần áo đầy ắp của bạn bè, hay nỗi niềm thất vọng bước chân đến các cửa hàng ăn uống mà chỉ có vài nghìn đồng trong tay.
Một ngày, khi con đường học tập của tôi đang rất tốt, mẹ buộc phải ở nhà do căn bệnh tự miễn phát triển. Điều này khiến kinh tế của gia đình tôi ngày càng bất ổn. Thời điểm đó, tôi đã phải học cách viện đủ lý do để không đi cùng bạn bè đến các khu trung tâm mua sắm đắt đỏ nữa. Khi tiền thuê nhà gia tăng, chúng tôi buộc phải di chuyển đến căn hộ với mức giá rẻ hơn, kéo theo điều kiện sinh hoạt xuống cấp.
Bước vào những năm cuối trung học, tôi “điên cuồng” nộp đơn xin việc song song với ôn thi Đại học. Sau nhiều lần đối diện với thất bại, cuối cùng tôi được nhận vào 2 vị trí: Nhân viên cửa hàng tạp hoá và nhân viên chăm sóc khách hàng.
Sẽ là lời nói dối nếu tôi chia sẻ rằng bản thân không thường xuyên rơi vào trạng thái kiệt sức. Tuy nhiên, đánh đổi là niềm hạnh phúc khi tôi cùng mẹ đến ngân hàng để mở tài khoản đầu tiên trong đời. Tài khoản đó dần được lấp đầy bởi tiền lương của tôi. Tôi hiểu rằng nhờ làm việc chăm chỉ, tôi đã kiếm được tiền và làm theo những gì mình mong muốn.
Ảnh minh hoạ
Dẫu vậy qua thời gian, tôi lớn lên với sự hiểu biết hạn chế về tài chính. Điều này đã khiến tôi có những cách hành xử sai lệch với tiền bạc. Đó là khi tôi cho phép mình bội chi, dùng tiền để mang lại cảm giác thoả mãn trong nhất thời.
Thói quen tiêu tiền không kiểm soát bắt đầu từ chuyện ăn uống bình thường. Chẳng bao lâu sau, từ việc đổ tiền rất nhiều cho thực phẩm đã kéo theo thói quen mua sắm trực tuyến 2 lần/tuần. Khi đó, tôi nhận thức bản thân còn trẻ và không gặp gánh nặng phải chăm sóc hay nuôi nấng ai đó. Nhưng điều đó cũng khiến tôi không có trách nhiệm với đồng tiền kiếm ra, thường xuyên chi tiêu lớn hơn số tiền mình kiếm được.
Một ngày, bố hỏi rằng tôi còn bao nhiêu tiền trong tài khoản ngân hàng. Khi tôi thành thật trả lời bố, ông bắt đầu giảng giải về tầm quan trọng của việc tiết kiệm tiền. Cuộc nói chuyện đó đã khiến tôi thấy xấu hổ, hiểu rằng bản thân đã không có trách nhiệm với đồng tiền thế nào.
Tôi nhận ra, không biết từ bao giờ, tôi bắt đầu hình thành mối quan hệ không lành mạnh với tiền. Và tôi đã để mối quan hệ đó điều khiển mình. Quá trình trưởng thành cô độc và không có ai bên cạnh định hướng, đã khiến tôi không tận dụng được sức mạnh của tuổi trẻ trong việc tích luỹ tiền bạc. Giờ đây, tôi cần thay đổi chúng.
Cú sốc thay đổi tài chính năm 22 tuổi
Tôi nhận ra, nếu còn tiếp tục tiêu xài tiền hoang phí, tôi sẽ không còn được đi học Đại học vì không thể đóng nổi học phí, trả tiền cho các dụng cụ đắt đỏ như giáo trình, tập bút,… Nghĩ vậy, tôi bắt đầu dành hàng giờ trên các nền tảng mạng xã hội để học về mẹo quản lý tiền bạc và các kỹ năng kiểm soát tài chính. Sau đó, bố mẹ còn giúp tôi lập thêm một tài khoản tiết kiệm để cất tiền tích luỹ cho nghỉ hưu.
Cuối cùng, cách tôi sử dụng đồng tiền đã có sự cân bằng lành mạnh. Tôi không còn cảm thấy tội lỗi khi chiêu đãi bản thân bằng 1 bữa tối thịnh soạn hay thỉnh thoảng mua đôi giày mới.
Ảnh minh hoạ
Bây giờ, ở tuổi 22, tôi không nghĩ mình đã giải mã được toàn bộ quy tắc về quản lý chi tiêu, tận dụng tốt nhất từng đồng tiền kiếm ra. Tôi vẫn còn nhiều pha tiêu tiền vô ích, nhưng giờ tôi đã biết dùng tiền để đối xử tử tế với bản thân. Khi càng trưởng thành, tôi lại càng muốn gia tăng cảm giác an toàn trong tất cả thói quen tài chính của mình.
Tôi không còn sợ hãi khi nói về tiền, cũng như hiểu được giá trị đích thực của chúng. Tôi hiểu rằng, tiền đã giảm bớt được hầu hết những lo lắng về tài chính của bố mẹ khi tôi lớn lên. Tiền đã cứu được tôi khỏi cảm giác tự ti khi ở cạnh những người bạn giàu có. Chưa hết, giờ đây tôi còn biết ơn những bài học bản thân nhận được mà có liên quan đến tiền bạc. Quan trọng nhất, tôi đã có thể tận hưởng niềm vui của điều nhỏ nhặt trong cuộc sống mà không còn thấy tội lỗi vì hết tiền hay lỡ chi tiêu quá tay.
* Trên đây là lời chia sẻ của Faith Petrie đăng trên Business Insider:
Nguồn: BI
Theo Nhịp sống thị trường
https://markettimes.vn/dien-cuong-tieu-het-tien-do-am-anh-tuoi-tho-ngheo-kho-va-cu-soc-khien-toi-thay-doi-nam-22-tuoi-56220.html