Tại Trung Quốc, có rất nhiều di tích văn hóa được tìm thấy trong quá trình sinh hoạt, lao động của người dân địa phương. Ví dụ tiêu biểu nhất phải kể đến sự kiện xảy ra vào năm 1974, khi người dân ở tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) đào được những bức tượng bằng đất, giúp chính quyền khai quật lăng mộ của Tần Thủy Hoàng. Và còn rất nhiều những phát hiện ngẫu nhiên khác xảy ra sau đó, trực tiếp hỗ trợ quá trình khai phá khảo cổ học của Trung Quốc.
Vào tháng 6 năm 2001, cái nóng gay gắt của mùa hè khiến người dân trong làng Hoàng Tài, huyện Ninh Hương không thể chịu nổi. Cậu bé Tô Học Minh lúc đó 6 tuổi, cùng bố và 3 bạn học là Trầm Lôi, Tằng Gia Kì và Khương Kiện rủ nhau ra sông tắm để giải tỏa cơn nóng. Khi đang bơi, chân của Học Minh bị hút vào thứ gì đó giống như miệng hang. Vật thể này có độ cứng nhất định, cũng không quá sâu nên cậu bé có thể rút chân ra ngay.
Học Minh gọi các bạn lại gần để xem thứ mình vừa chạm vào là gì. Vì vật thể này nằm cách mặt nước khoảng 1,5m và bị vùi một mặt xuống dưới cát nên 4 đứa trẻ không thể nhấc lên. Lúc này, Học Minh quyết định chạy đi gọi cha đến giúp.
Nhờ có 3 người lớn hỗ trợ nên vật thể dưới sông đã được vớt lên trên bờ. Lúc này, mọi người quanh đó đều ngỡ ngàng khi thấy trước mắt mình là một chiếc chum lớn bằng đồng bám đầy rêu. Cha của Học Minh quan sát một hồi rồi nhận ra bên ngoài chum có nhiều họa tiết hoa văn in nổi. Ông cho rằng đây có thể là một món cổ vật nào đó nên quyết định bê chiếc chum về nhà để vệ sinh.
Chẳng bao lâu, thông tin cha con Học Minh tìm được chiếc chum đồng lan ra khắp làng, rồi sang đến các tỉnh lân cận. Ngày nọ, một thương gia đến nhà Học Minh đề xuất mua chiếc chum với giá 1 triệu NDT (khoảng 3 tỷ đồng). Nghe vậy, cha Học Minh vui mừng khôn xiết nhưng vẫn tìm đến trưởng thôn để tham khảo ý kiến.
Lúc này, tin tức chiếc chum bằng đồng được rao bán với giá 1 triệu NDT mới được chính quyền biết đến. Một nhóm chuyên gia văn hóa được điều đến nhà Học Minh để xem xét món đồ này. Sau quá trình khám xét, các chuyên gia xác định đây là một di tích văn hóa bằng đồng nhưng chưa rõ thuộc thời đại nào.
Để bảo tồn di tích, chính quyền điều 3 viên cảnh sát đến nhà Học Minh để canh gác nhằm ngăn cản hoạt động mua bán hay phá hủy chiếc chum bằng đồng. Trong thời gian này, gia đình Học Minh cũng không được phép ra ngoài. Mọi hoạt động đều diễn ra trong căn nhà nhỏ để phục vụ quá trình điều tra của chính quyền.
Vài ngày sau, nhân viên phòng quản lý di tích văn hóa huyện và chuyên gia khảo cổ học Hà Giới Quân được điều đến nhà Học Minh để làm công tác tư tưởng, thuyết phục gia đình cậu bé giao lại di vật cho chính quyền. Sau đó, chiếc chum được cảnh sát di chuyển đến Văn phòng Quản lý Di tích Văn hóa thành phố Ninh Hương, tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) để nghiên cứu.
Ảnh: Toutiao
Các chuyên gia khảo cổ học khẳng định chiếc chum này là di vật lịch sử trong giai đoạn cuối thời nhà Thương đến đầu thời Tây Chu, ước tính cách đây 2500 năm. Chiếc chum được xác định là di tích văn hóa hạng I của Trung Quốc dựa trên hoa văn được trạm trổ bên ngoài mặt chum. Theo đó, đây cũng là chiếc chum đồng lớn nhất được phát hiện ở Trung Quốc tính đến thời điểm hiện tại, do đó nó được gọi là “Vua chum đồng”.
Sau quá trình thẩm định, chiếc chum đồng tiếp tục được gửi đến Văn phòng Quản lý Di tích Văn hóa tỉnh Ninh Hương để bảo quản. Năm 2016, chiếc chum chính thức được trưng bày ở Bảo tàng Văn hóa Đồ đồng. Về phía gia đình Học Minh, chính quyền quyết định khen thưởng 2 cha con này vì đã tìm ra di tích lịch sử và đồng ý giao lại cho cơ quan có thẩm quyền.
Theo Toutiao
Theo ĐSPL
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/i-tam-song-voi-bo-be-trai-6-tuoi-bi-cuon-chan-vao-hang-ong-la-co-vat-2-500-nam-uoc-tim-thay-chinh-quyen-cam-tuc-ca-gia-inh-a414240.html