Ở một góc thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) nhộn nhịp, có một cặp vợ chồng già đã hơn 70 tuổi sống nương tựa vào nhau. Người ngoài nhìn vào sẽ thấy họ có một khoản lương hưu đáng ghen tị – hơn 10.000 NDT/tháng (tương đương 35 triệu đồng). Có thể nói, số tiền này đủ để hai người tận hưởng tuổi già và sống một cuộc sống thoải mái. Tuy nhiên, thực tế lại khác xa với những gì mà mọi người tưởng tượng.
Ông Lý là một giáo sư đại học đã nghỉ hưu. Ông đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục và đã được đặt chân đến nhiều nơi trên khắp thế giới. Vợ của ông họ Trương, bà là y tá trưởng của một bệnh viện huyện. Bà là người hiền lành, tốt bụng, được bệnh nhân và đồng nghiệp vô cùng yêu mến. Hai người đã ở bên nhau hàng chục năm và cùng nhau trải qua những thăng trầm của cuộc sống. Tuy nhiên, chẳng ai có thể thắng nổi thời gian. Càng có tuổi, cơ thể của ông Lý và và Trương dần yếu đi. Cùng với đó, áp lực cuộc sống ngày càng nặng nề hơn.
Tổng số tiền lương hưu của ông Lý và bà Trương là hơn 10.000 NDT. Tuy nhiên, họ gặp rất nhiều khó khăn. Trước hết, khi già đi, thể trạng của hai ông bà ngày càng yếu đi. Họ phải thường xuyên đến bệnh viện để khám bệnh và mua thuốc. Mặc dù một số chi phí có thể được hoàn trả thông qua bảo hiểm y tế nhưng phần còn lại vẫn là một khoản tiền đáng kể. Ngoài ra, ông bà cũng cần mua nhiều loại thực phẩm chức năng để bảo vệ sức khỏe tuổi xế chiều.
Ngoài tiền thuốc men, chi phí sinh hoạt của họ cũng ngày càng tăng. Khi có tuổi, nhu cầu ăn uống của họ thay đổi và họ cần tập trung nhiều hơn vào dinh dưỡng và sự an toàn. Điều này có nghĩa là họ cần mua thực phẩm chất lượng cao hơn và thường có giá cao hơn. Bên cạnh đó, ông Lý và bà Trương còn phải chi trả các khoản phí sinh hoạt khác nhau như tiền nước, điện, dịch vụ chung cư…
Điều khiến ông Lý và bà Zhang càng bất lực hơn là con cái không có nhiều thời gian để bầu bạn, chăm sóc. Con cái của họ đều đi làm xa, thường bận rộn với sự nghiệp và gia đình riêng nên hiếm khi có thời gian về nhà thăm bố mẹ. Dù thỉnh thoảng, các con có về nhà, nhưng họ cũng chỉ ăn với ông bà một bữa rồi vội vã rời đi. Đôi vợ chồng già khao khát được gần gũi con cái nhưng thực tế khiến họ cảm thấy cô đơn và bất lực. Rõ ràng, tình thân dù có bao nhiêu tiền cũng không thể mua được.
Đối mặt với áp lực và sự cô đơn, trạng thái tinh thần của ông Lý và bà Trương cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Họ thường cảm thấy lo lắng, chán nản và bất lực, luôn trong tình trạng sợ hãi và bất an về tương lai. Hai người lo lắng rằng tình trạng thể chất của mình sẽ ngày càng xấu đi, tiền thuốc men sẽ tiếp tục tăng. Thậm chí, ông bà còn nghĩ tới cảnh một ngày nào đó mình sẽ ra đi mà không có con cái ở bên cạnh.
Có lẽ nhiều người đều nghĩ rằng, chỉ cần nửa đời trước nỗ lực làm lụng kiếm tiền, để dành tiết kiệm, có nhà có xe, thì về già có thể an tâm, vô lo vô nghĩ. Nhưng khi có tuổi, bất cứ ai cũng muốn được sum vầy bên cháu con, được sống trong sự chăm sóc yêu thương mà an hưởng tuổi già.
Càng gần với tuổi già thì con người ta càng yếu đuối, yếu đuối cả về thể xác lẫn tinh thần. Sự muộn phiền do cô đơn mang tới, những đe dọa của bệnh tật, nỗi sợ về cái chết là ba điều lớn mà người già phải đối mặt. Đối với họ, sự quan tâm, chăm sóc trở thành thứ cứu cánh, an ủi họ vào những năm tháng cuối đời.
Để giúp người già thoát khỏi cảm giác cô độc, bị bỏ rơi, hay trở thành gánh nặng cho con cái, việc phát triển những dịch vụ về chăm sóc sức khỏe, tâm sự, xoa dịu tâm hồn cho người già là thật sự cần thiết. Hơn hết, con cái có thể dành nhiều thời gian ở bên chia sẻ, trò chuyện, quan tâm bố mẹ sẽ giúp họ lạc quan, vui vẻ hơn rất nhiều trong những năm xế chiều.
Theo Sohu
Theo ĐSPL
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/vo-chong-70-tuoi-luong-huu-35-trieu-thang-van-than-tho-cuoc-song-chat-vat-tien-khong-mua-uoc-tat-ca-a418657.html