Anh Trương là giám đốc bộ phận của một công ty, anh vừa tham dự buổi họp mặt kỷ niệm 20 năm tốt nghiệp cấp 3 do lớp anh tổ chức vào tuần trước. Tuy nhiên, chính lần họp lớp này đã khiến anh chán nản bấy lâu.
Dưới đây là câu chuyện của anh được chia sẻ trên Toutiao thu hút được sự chú ý của mọi người.
***
Năm 19 tuổi, tôi tốt nghiệp THPT. Lúc đó nhờ có thành tích khá tốt nên đã được nhận vào một trường đại học danh giá. Sau khi ra trường, tôi làm việc ở một công ty, bằng nỗ lực của mình, tôi đã từng bước đi từ cấp cơ sở đến vị trí giám đốc như hiện tại.
Năm nay đánh dấu kỷ niệm 20 năm tốt nghiệp cấp 3 của tôi. Hai tuần trước, lớp trường đề nghị tổ chức tiệc họp lớp để bạn bè có cơ hội gặp nhau. Dù sao đã rất nhiều năm cả lớp chưa gặp mặt, tình hình cuộc sống hiện tại ra sao cũng không được thấu hiểu kỹ càng.
Vì vậy dưới sự tổ chức của lớp trưởng, mọi người đồng ý dùng bữa tối tại một nhà hàng nào đó vào thứ bảy. Để đảm bảo buổi tiệc diễn ra suôn sẻ nhất có thể, lớp trưởng cũng nhiều lần nhấn mạnh trong nhóm rằng: Các bạn chỉ nên chia sẻ với nhau những kỷ niệm xưa, tránh khoe khoang hay so sánh để mọi người không mất lòng.
Về chi phí cho buổi tiệc sẽ được chia đều cho tất cả.
Đến ngày hẹn, chỉ có khoảng 30 người trong nhóm lớp 45 người đến tham dự bữa tiệc, còn những người khác thì từ chối vì nhiều lý do. Đối với những người không thể tham dự thì mọi người đều biết lý do có thể là gì nên cũng không cố tình chỉ ra.
Khi tôi đến khách sạn và bước vào phòng ăn, tôi cảm thấy đặc biệt khó chịu. Tuy nói là họp lớp nhưng có thể cảm nhận rõ ràng rằng, lớp đã chia thành hai phe.
Những người khá giả ngồi vào một chiếc bàn chứa đầy chìa khóa ô tô sang trọng và thuốc lá hàng hiệu.
Còn bên kia, tôi thấy vài người bạn chỉ cúi đầu nghịch điện thoại, thỉnh thoảng nói với nhau vài câu rồi thôi. Các bạn nữ thì túm năm tụm ba để khoe về chồng con, chia sẻ những ngôi trường mà họ bỏ ra hàng chục triệu mỗi tháng để cho con theo học.
Tôi đứng trước cửa phòng riêng rất lâu, không biết nên ngồi ở đâu mới thích hợp. Sau đó, lớp trưởng nhìn thấy tôi thì vội kéo tôi vào bàn của người giàu. Cũng từ lúc này, những cảnh tượng đáng cười xảy ra khiến tôi đau buồn về thực tế.
Bàn này quả thực là nơi tập hợp những người ưu tú, bao gồm quan chức trong các cơ quan nhà nước, lãnh đạo các trường học và giới kinh doanh thành đạt. Tuy rằng có chút không thoải mái nhưng tôi nghĩ bữa ăn sẽ không kéo dài quá lâu, cứ im lặng dùng bữa cho xong.
Một lúc sau, mọi người nâng cốc chúc mừng nhau. A – người ngồi cạnh tôi đang giữ chức vụ hiệu trưởng một trường cấp 2 trọng điểm cũng là người được bạn bè tôn sùng nhất. Trong bữa ăn, rất nhiều người cầm ly rượu sang chào hỏi A, chủ yếu là nhờ A giúp đỡ con cái của họ có thể trót lọt được vào trường học tập.
B – người ngồi đối diện tôi cũng được yêu thích không kém. Tôi nhớ rằng khi còn đi học thì thành tích của cậu bạn này không cao, nhưng sau khi ra trường, B bắt đầu khởi nghiệp và may mắn thành công. Bây giờ B là chủ của một công ty, vô cùng giàu có nên việc mọi người đon đả với anh ta cũng dễ hiểu.
Thế nhưng càng được mọi người tâng bốc thì anh ta càng tỏ vẻ kênh kiệu, thậm chí bắt đầu lên mặt “dạy đời” các bạn. B giống như đang tổ chức một buổi dạy nghề, khoe mẽ cách kinh doanh và kiếm tiền, chê những người đàn ông trong lớp không có chí tiến thủ nên bây giờ vẫn nghèo.
Nghe nhiều nên trong lòng tôi càng bực tức, tôi nghĩ cần phải cho hắn một vố mới được. Tôi liền nịnh hắn vài câu rồi nói: “B à, cậu đúng là tấm gương sáng cho cả lớp noi theo. Mình nghe nói cậu mới kiếm được khoản rất khá nhờ đầu tư cổ phiếu và bất động sản đúng không?”.
B liền vênh mặt đáp: “Cậu đúng là nắm bắt thông tin nhanh đấy”.
“Hay là bữa hôm nay, cậu có thể phát lộc cho cả lớp hưởng ké một chút được không. Tớ thấy nhà hàng này cũng nhiều đặc sản mà mọi người không dám gọi, có khi nhiều bạn ở đây cả đời chưa được nếm thử ấy”, tôi vừa nói vừa nháy mắt với hội bạn ngồi bên phía nhà “nghèo”. Thấy vậy, mọi người đồng loạt lên tiếng cổ vũ B móc hầu bao khao cả lớp.
B rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, không dám từ chối vì sợ mất hình tượng nên đành hắng giọng vui vẻ gật đầu. “Ừ, có đáng là bao so với thu nhập của tớ. Mọi người cứ gọi tự nhiên đi”.
Thế là tôi cùng vài người bạn bắt đầu gọi la liệt các món ngon cùng rượu vang. Từ lúc này, buổi họp lớp là của hội nhà nghèo và cũng chính thức vui vẻ theo đúng nghĩa mà nó cần phải có. Còn B, hắn ta chẳng lên tiếng một lời nào, gương mặt sầm lại vì tiếc tiền.
Đến lúc thanh toán, chúng tôi đồng loạt gửi lời cảm ơn đến B, thậm chí còn tặng anh bạn một tràng pháo tay thật to để cổ vũ.
Tôi liếc nhìn tờ hóa đơn, thấy tổng chi phí lên tới 50 triệu. Có lẽ số tiền không gây tổn thất lớn cho hắn, nhưng chắc chắn đủ để anh ta mua lấy một bài học bớt khoe mẽ và chê bôi bạn bè.
Từ đó, tôi không bao giờ tham gia buổi họp lớp nào nữa. Đơn giản, tôi không chịu nổi thứ tình bạn giả dối mà họ tạo nên. Có lẽ, tôi cứ sống tốt cho bản thân mình thì hơn.
Theo Toutiao
Theo Đời sống Pháp luật