Trên Facebook, bạn bè tôi đùa rằng, netizen Việt đã có 2 cú quay xe lớn chỉ trong một ngày duy nhất. Câu chuyện của Mèo Béo được chia sẻ với tình tiết mới khi người bạn gái không có lỗi và toàn bộ những tình tiết trước đó đều do chị gái của Mèo Béo dựng lên. Với SKIN1004, nhãn hàng đã lên tiếng chính thức khẳng định không đạo nhái ý tưởng.
Hai câu chuyện trên diễn ra trong cùng một ngày khiến nhiều người tự hỏi, liệu chúng ta đang sống trong một thế giới “nửa sự thật”?
Ai cũng có thể nhìn vào câu chuyện trên và dễ dàng chỉ trích những người tin vào câu chuyện Mèo Béo hay designer tố cáo nhãn hàng đạo nhái ý tưởng vì vụ việc đánh đúng vào tâm lý bênh vực người yếu thế. Nhìn hai câu chuyện trên ở khía cạnh tích cực – sự phản kháng của công chúng trước những điều sai trong cuộc sống (ví dụ như đạo ý tưởng) hay tình thương trước sự ra đi của một con người – là điều tích cực cần được lan toả nhưng tích cực cũng cần phải đúng sự thật để bảo vệ đúng người bị hại.
Chúng ta từng có những vụ phanh phui chính xác, nhưng cũng vừa có 2 cú “quay xe” cực gắt. Việc này như một lời nhắc nhở rằng chúng ta cần thúc đẩy những chuẩn mực và hành vi tích cực trên mạng xã hội nhưng cũng phải nhìn nhận vấn đề nên dựa vào 2 mặt của sự việc.
Thông báo chính thức từ SKIN1004 khiến những người “ném đá” brand trước đó phải vội vàng “quay xe”
Câu hỏi quan trọng, liệu chúng ta có thể làm gì khác đi để không có những cú “quay xe” như vậy?
Là một người học truyền thông, tôi hiểu những trở ngại trong câu chuyện tri thức truyền thông (media literacy) nhiều người gặp phải khi đối diện với thông tin trên truyền thông, cụ thể hơn với mạng xã hội – một công cụ phức tạp hơn rất nhiều so với các phương tiện truyền thông đại chúng trước đây.
Nhưng là một người làm sáng tạo nội dung, tôi cũng hiểu tâm lý vội vàng cũng như thành vi của nhiều người dùng mạng xã hội khi muốn lan toả câu chuyện trên đến công chúng.
“Làm khác” đi trong những vụ việc trên đòi hỏi kiến thức từ người dùng mạng xã hội với việc tiếp nhận thông tin. Khi đối diện với bất cứ vụ việc gây tranh cãi, trước khi lựa chọn việc chia sẻ – hãy đặt ra những câu hỏi cơ bản dưới đây.
1. Ai là người chia sẻ thông tin?
2. Thông tin trên có thể kiểm chứng không?
3. Thông tin được chia sẻ với những kỹ thuật như thế nào?
4. Nội dung thông tin có điều gì khiến chúng ta cảm thấy lấn cấn? có gì đi ngược lại với những giá trị đạo đức của bản thân và của xã hội không?
5. Tại sao thông điệp/nội dung này được gửi đi?
6. Ai là người tiếp nhận nội dung?
Trong bất cứ trường hợp nào, nếu thấy một trong những câu hỏi trên không có câu trả lời thỏa đáng, hãy tiếp tục chất vấn trước khi tìm ra được lời giải. Khi nhìn vào các câu chuyện ở trên và thực hành bài tập nhỏ này, bạn sẽ thấy nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ: Một nội dung chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc nhưng chưa có sự kết luận chính thức của nhà chức trách – là một thông tin không có kiểm chứng. Nội dung thông tin đều là tin nhắn được cắt ghép chủ quan và lời cáo buộc không biết đến từ nguồn nào – là điều ngay lập tức có thể khiến ta đặt câu hỏi về tính đa chiều. Một người thiết kế và một thương hiệu có thể có những xung đột, và chỉ với dòng chia sẻ của nhà thiết kế cũng đủ để đặt nghi vấn về tính xác thực của một chiều thông tin. Khi muốn tấn công một người hoặc một tổ chức nào đó, các nội dung thường được sản xuất với những kỹ thuật dễ kích động người đọc có những hành vi nhất thời, và hãy hiểu rằng: Ai cũng là nạn nhân trong câu chuyện của chính mình.
Nhưng tôi hiểu không phải lúc nào không gian mạng cũng cho chúng ta thời gian để tỉnh táo và trang bị tri thức truyền thông không phải kỹ năng được phổ biến rộng rãi (dù cần thiết). Chúng ta vẫn sống trong một cuộc đua của tương tác và view để hiểu rằng, nếu chia sẻ sau người khác, hiệu ứng bài viết có thể sẽ không tốt như một “người tiên phong”. Và nhiều người cũng hiểu công chúng không thích những cảm xúc “vừa vừa” – bạn phải thống thiết đầy cảm xúc hoặc bạn phải bức xúc đầy giận dữ để có được sự chú ý. Người dùng nghĩ rằng mình làm chủ mạng xã hội và làm chủ những thông tin mình chia sẻ nhưng nếu có một hình tượng phù hợp, tôi thấy chúng ta giống như những con rối gỗ đang được mạng xã hội giật dây. Hoặc nếu bạn cho rằng “mạng xã hội” không phải thực thể thật, vậy là bạn không biết rằng chúng ta đang bị những người hiểu cách mạng xã hội vận hành giật dây.
Từ “một nửa sử thật”, bài viết “vu vơ” của nhà thiết kế, brand trả lời bằng hình ảnh với timeline cụ thể, brief rõ ràng đến cộng đồng mạng
Không cần yêu cầu quá cao siêu về mặt kiến thức hay kinh nghiệm, có hai điều đơn giản hơn bạn có thể làm khi đứng giữa những cơn bão tranh luận: Không tấn công, “ném đá” cá nhân một cách quá khích và quan trọng hơn, sống “chậm” hơn trên Facebook.
Đừng để mạng xã hội thúc đẩy thứ “công lý ăn liền” khi bạn nghĩ rằng, công lý có thể thực thi ngay chỉ 10 giây sau khi bạn chia sẻ một bài viết hay đăng tải một status mới. Mạng xã hội và công nghệ thay đổi từng ngày không đồng nghĩa với việc con người phải đẩy nhanh tiến trình truy tìm công lý. Sống “chậm” và tỉnh táo trên mạng xã hội quan trọng hơn cả những trào lưu sống chậm ngoài đời thật. Sự vội vàng của mỗi Facebooker có thể gây ảnh hưởng tới người khác và những nút like, share không hề vô hại như chúng ta nghĩ.
Yêu thương một con người, nỗ lực cho một hành trình công lý có thể ít like hơn nhưng giúp bạn chất vấn câu chuyện kỹ lưỡng, nhìn sâu hơn vào những câu hỏi còn bỏ ngỏ, tìm tòi và đọc quan điểm của mọi người.
Đứng trước thông tin chưa chính thức, đôi khi, điều chúng ta có thể làm là im lặng. Im lặng là một lựa chọn, một thông điệp, một hành động để nói lên rằng chúng ta không tiếp tay cho “nửa sự thật”. Hoặc với những người chọn cách lên tiếng, hãy lên tiếng khi biết đầy đủ câu chuyện, hoàn cảnh vì một nửa sự thật không bao giờ là sự thật, và đó không phải thế giới chúng ta muốn lan toả.
“Ai cũng là nạn nhân trong câu chuyện của mình” nhưng cũng cần tỉnh táo, chậm lại khi tiếp nhận thông tin trên MXH
Theo Đời sống Pháp luật
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tu-chuyen-meo-beo-toi-skin1004-ung-song-voi-mot-nua-su-that-a426023.html