Hiện tượng cây héo, chết trong nhà không hẳn là dấu hiệu của điềm gở. Mà có thể nguyên nhân chính là do sự chăm sóc không cẩn thận của chủ nhân hoặc các tác động của môi trường như thiếu ánh sáng, nước và không khí…
Tuy nhiên, trong phong thủy có câu nói rằng: Hình nào thì khí ấy. Tức là hình thể vật dụng có thể gây tác động đến không gian, nơi cư ngụ. Nếu bạn để cây chết trong phòng, về lâu dài thì nó có thể tạo ra nguồn năng lượng ảm đạm, kém tích cực, từ đó có thể gây ảnh hưởng đến tâm trạng và cuộc sống của chủ nhân. Chưa kể, mùi hương khi cây chết cũng chẳng hề dễ chịu chút nào.
Vậy, làm thế nào để hạn chế tối đa việc “trồng cây nào chết cây đó”? Dưới đây là những nguyên nhân tiềm ẩn dễ bị bỏ qua và cách để bạn “cứu” chúng.
1. Không đủ ánh sáng
Mặc dù đặt cây ở góc phòng có vẻ là một cách hoàn hảo để trang trí không gian nhưng đây thường không phải là vị trí tốt nhất vì nó có thể cách xa nguồn ánh sáng tự nhiên. Một trong những dấu hiệu cho thấy cây của bạn đang “khát” ánh sáng đó là lá cây rủ xuống và có hiện tưởng chuyển màu từ xanh sang ngả vàng.
Thiếu ánh sáng cũng có thể làm giảm kích thước của lá, khiến cây trông kém ấn tượng.
Vì vậy tốt nhất bạn nên di chuyển chúng đến gần cửa sổ hoặc ban công hơn.
2. Nhiệt độ khắc nghiệt
Trừ khi bạn đang trồng một loại xương rồng có khả năng chống chọi tốt thì hãy tránh để cây tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời vào những ngày quá nóng. Ngay cả việc tiếp xúc trong thời gian ngắn cũng có thể làm cháy lá và làm khô trồng cây.
Bạn cũng nên tránh thay chậu hoặc bón phân cho cây trồng trong nhà trong những đợt nắng nóng vì điều này có thể làm cây yếu đi. Thay vào đó, hãy cung cấp đủ độ ẩm và tưới nước thường xuyên hơn nhưng đảm bảo không tưới quá nhiều nước kẻo xảy ra hiện tượng ngập úng, thối rữa.
3. Sưởi ấm và làm mát nhân tạo
Mùa hè mang đến vô số rủi ro cho cây trồng và những luồng không khí lạnh đột ngột từ máy điều hòa đứng đầu danh sách.
Nếu bạn nhận thấy lá cây bị mất màu, đó có thể là một trong những dấu hiệu cho thấy cây của bạn đặt quá gần máy điều hòa. Ngoài ra, gió lùa có thể làm mất đi độ ẩm cần thiết của cây.
Đó là lý do tại sao điều quan trọng là giữ cho cây của bạn tránh xa tác động trực tiếp của gió điều hòa và phải tăng độ ẩm xung quanh chúng. Phun sương và tưới nước thường xuyên, đặt chúng lên khay tạo độ ẩm hoặc bật máy tạo độ ẩm là việc nên làm.
4. Bướm trắng
Những loài côn trùng nhỏ phiền toái này thường khó phát hiện, đặc biệt là trong giai đoạn đầu xâm nhập. Đó là lý do tại sao việc kiểm tra kỹ lưỡng cây mới khi mua là điều quan trọng .
Bướm trắng thường ẩn mình dưới tán lá. Chúng có thể tạo ra một lớp phủ dính, gọi là dịch ngọt, xuất hiện trên lá cây. Mặc dù chúng hiếm khi gây nguy hiểm thực sự nhưng về lâu dài chúng có thể làm giảm hệ miễn dịch của cây. Trong một số trường hợp, chúng có thể làm chậm sự tăng trưởng và gây rụng lá.
5. Chọn sai loại đất
Việc lựa chọn đất trồng rất quan trọng đối với sức khỏe của cây. Nhìn chung, có sự khác biệt lớn giữa đất trồng cây trong vườn và đất trồng cây trong nhà. Tốt hơn là không nên sử dụng loại đất vườn cho cây trồng trong nhà vì yêu cầu về chất dinh dưỡng của chúng có sự khác biệt.
Đất trồng cây ngoài trời có hàm lượng đất sét cao và có xu hướng khô nhanh hơn các loại đất khác. Nó cũng có thể làm cho đất khá cứng, cản trở không khí và độ ẩm trong chậu.
Một vấn đề phổ biến khác với đất là sự tích tụ muối . Thủ phạm thông thường của việc này là việc bón phân quá thường xuyên hoặc sử dụng nước máy có clo để tưới cây trong nhà.
Tham khảo: Brightside
Theo PNS
https://phunuso.baophunuthudo.vn/trong-nha-co-cay-heo-quat-chet-dan-chet-mon-khong-han-la-diem-go-nhung-chu-nhan-kho-tranh-van-xui-193240422173000002.htm