Trong gia đình có 2 con trở lên, họ thường nói rằng mình sẽ không bao giờ thiên vị các con nhưng trên thực tế lại có những hành vi khiến trẻ cảm thấy bị thiên vị. Điều này có thể bắt nguồn từ sự thiên vị ẩn chứa trong vô thức của cha mẹ.
Kiểu thiên vị này không phải cha mẹ nói thẳng kiểu “con là anh lớn phải biết bảo vệ em“, cũng không phải “con trai phải bảo vệ con gái“, mà là sự vô tình họ thể hiện trong cuộc sống hằng ngày.
Trong vô thức của cha mẹ, một đứa trẻ được chú ý nhiều hơn, được khen ngợi hay kỳ vọng nhiều hơn đứa còn lại. Đây là điều không công bằng giữa các con với nhau.
Tại sao cha mẹ tỏ ra thiên vị nhưng lại không hề hay biết?
Việc cha mẹ tỏ ra thiên vị giữa 2 con mà họ không hề hay biết là điều bình thường. Nó có thể bắt nguồn từ 3 lý do dưới đây:
1. Nhiều bậc cha mẹ tỏ ra thiên vị vì ảnh hưởng của quan niệm truyền thống gia đình. Họ quá quan tâm tới đứa con lớn hoặc quá nuông chiều đứa con nhỏ. Lý do có thể là họ sợ đứa con lớn thiếu thốn tình cảm, sợ chúng cảm thấy không được yêu thương. Khi có đứa con thứ 2, họ cảm thấy con còn quá nhỏ không thể làm được gì, họ muốn chiều chuộng làm thay con nhiều thứ.
2. Vì thời gian và năng lượng của cha mẹ có hạn nên trong vô thức họ dành thời gian cho đứa này nhiều hơn đứa kia.
Những bậc cha mẹ vừa có một ngày bận rộn và cần phải chăm sóc 2 đứa con cùng một lúc chắc chắn sẽ cảm thấy cạn kiệt năng lượng. Trong trường hợp này, có vẻ như sự chú ý đặc biệt sẽ được dành cho đứa trẻ nhạy cảm hơn hoặc sức lực sẽ tập trung vào đứa trẻ có nhu cầu cao hơn.
3. Ngoài ra, cảm xúc của cha mẹ cũng ảnh hưởng tới thái độ của họ với con cái. Cha mẹ cũng có những sở thích và kỳ vọng của riêng mình, nếu thấy một đứa con phù hợp với những gì mình thích, tất yếu đứa trẻ đó sẽ được ưu ái. Và sự ưu tiên này là sự ưu tiên từ trái tim.
Sự thiên vị của cha mẹ có tác động gì đến con cái?
Thực tế đã chứng minh, trong những gia đình có 2 con, sự thiên vị của cha mẹ đối với con cái sẽ gây ra nhiều hệ lụy.
Những đứa trẻ được ưu ái sẽ cảm thấy mình là trung tâm của cả nhà, dần dần chúng trở nên kiêu ngạo, tự mãn, ỷ lại vào cha mẹ quá mức. Sự phụ thuộc này sẽ dần hủy hoại tương lai tươi sáng của trẻ, khiến chúng thiếu khả năng suy nghĩ độc lập, tự chăm sóc bản thân và tự mình giải quyết vấn đề. Trong tương lai, khi gặp thử thách, trẻ sẽ không thể giải quyết được.
Một đứa trẻ không được cha mẹ yêu thương sẽ cảm thấy mình luôn là người “thừa thãi” trong gia đình. Tâm trí của trẻ sẽ trở nên nhạy cảm, tự ti, khó đạt được những thành tựu trong tương lai.
Ngoài ra, trẻ cảm thấy mình không được coi trọng, phải sống dưới ánh hào quang của anh chị em mình. Điều này sẽ tác động lớn tới sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ. Cái bóng tâm lý này sẽ đi theo cả suốt cuộc đời. Khi bước vào xã hội và làm việc, trẻ sẽ cảm thấy mình thừa thãi, thua kém người khác.
Trong gia đình có 2 con, làm thế nào cha mẹ có thể tránh sự thiên vị?
Cha mẹ thông minh phải luôn cảnh giác và chú ý đến hành vi của mình. Đặc biệt khi thấy con mình có tâm trạng không tốt, trước tiên họ phải tự nhìn nhận lại bản thân, liệu mình có đối xử bình đẳng giữa các con với nhau không? Nếu đó là lỗi của cha mẹ, họ cần thừa nhận lỗi lầm của bản thân và thay đổi.
Trong cuộc sống, cha mẹ cũng cần phải học cách tôn trọng tính cách và nhu cầu của mỗi đứa con. Trong hầu hết các gia đình có 2 con, trẻ có những tính cách, sở thích và thói quen khác nhau. Cha mẹ nên hiểu rõ đặc điểm của con mình và có cách dạy con tương ứng.
Bằng cách này, mọi đứa trẻ đều có thể cảm thấy mình được tôn trọng và được yêu thương ngang nhau. Trẻ sẽ không còn lo lắng về sự thiên vị của cha mẹ và cảm thấy bị đối xử bất công nữa.
Tất nhiên, điều quan trọng nhất là cha mẹ phải học cách cân bằng thời gian và sức lực của mình. Việc chăm sóc 2 con chắc chắn sẽ rất mệt mỏi và vất vả, vì vậy cha mẹ nên sắp xếp thời gian hợp lý để đảm bảo mỗi đứa trẻ đều được dành thời gian và sự quan tâm như nhau.
Theo PNS
https://phunuso.baophunuthudo.vn/trong-gia-dinh-co-2-con-su-thien-vi-cua-cha-me-an-chua-trong-3-hanh-vi-vo-thuc-nay-ma-ho-khong-biet-193240426150714089.htm