Có một phụ huynh lên mạng hỏi rằng: “Tôi nên làm gì nếu con mắc lỗi?“.
Một người mẹ trả lời rằng: “Mỗi lần con tôi mắc lỗi, tôi sẽ phạt nó ngồi trong phòng tối suy nghĩ về lỗi lầm của mình. Tùy thuộc vào mức độ lỗi lầm mà thời gian bị phạt sẽ khác nhau. Chưa kể mỗi khi con rời khỏi phòng, con có thái độ hối lỗi rất tốt, lỗi lầm tương tự hiếm khi xảy ra nữa“.
Phạt con vào phòng tối có thực sự là điều nên làm?
Cha mẹ cần phải hiểu rõ một điều, việc trẻ mắc lỗi là điều rất bình thường trong quá trình lớn lên.
Khi còn nhỏ, trẻ phải không ngừng khám phá thế giới, học hỏi những kiến thức mới và việc mắc sai lầm là điều không thể tránh khỏi. Những sai lầm này cũng là cách duy nhất để trẻ tích lũy kinh nghiệm, trưởng thành và tiến bộ.
Vì vậy, sau khi trẻ mắc lỗi, trước hết cha mẹ nên bình tĩnh, thấu hiểu. Sau đó, hãy cân nhắc cách giáo dục của mình, đó mới là điều quan trọng nhất.
Việc nhốt trẻ trong căn phòng nhỏ tối tăm tưởng chừng như là một hình phạt nghiêm khắc nhưng thực chất nó chẳng có mục đích gì nhiều ngoài việc khiến trẻ sợ hãi. Hình phạt này sẽ dẫn tới 3 tác hại như sau:
– Tước đi quyền tự do của trẻ
Trẻ bị nhốt trong không gian khép kín, tối tăm, không thể giao tiếp với thế giới bên ngoài, cảm giác cô đơn, bất lực này có thể gây ra những tổn thương tâm lý cho trẻ.
– Khiến trẻ sợ hãi, lo lắng
Môi trường tối tăm và khép kín có thể dễ dàng gây ra sự bất an ở trẻ, khiến chúng cảm thấy sợ hãi, lo lắng. Cảm xúc này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của trẻ về lâu dài.
– Tổn hại tới mối quan hệ cha mẹ và con cái
Khi trẻ bị cha mẹ nhốt trong phòng tối, trẻ có thể có cảm giác bị bỏ rơi, không được thấu hiểu, dẫn đến sự ghẻ lạnh và oán ghét cha mẹ.
Việc phạt trẻ trong phòng tối không phải là phương pháp nuôi dạy con đáng được ủng hộ. Tác hại đối với trẻ còn lớn hơn nhiều so với ý nghĩa giáo dục, cha mẹ không nên làm điều đó!
Khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ nên xử lý thế nào?
Hiểu nguyên nhân việc con mình mắc lỗi, nhu cầu và tâm lý của con đằng sau đó là điều mà cha mẹ nào cũng cần phải biết. Hành vi của trẻ phản ánh những suy nghĩ nội tâm và nhu cầu tình cảm chân thật nhất của chúng. Chỉ bằng cách thấu hiểu, cha mẹ mới có thể tìm ra giải pháp chính xác hơn cho vấn đề và giúp con nhận ra lỗi lầm.
Tiếp theo, cha mẹ cần lắng nghe những suy nghĩ của trẻ thay vì nhanh chóng nghĩ ra một hình phạt thích đáng. Trong quá trình nuôi dạy con cái, giao tiếp là công cụ tốt nhất, không chỉ có thể giải quyết vấn đề mà còn đưa mối quan hệ cha mẹ và con cái xích lại gần nhau hơn.
Ngoài giao tiếp, cha mẹ cũng có thể lựa chọn những phương pháp giáo dục tích cực và hiệu quả khác dựa trên tính cách của con mình. Suy cho cùng, mỗi đứa trẻ là duy nhất và chỉ có phương pháp giáo dục phù hợp mới có thể giúp chúng tiến bộ.
Khi xử lý hành vi sai trái của trẻ, cha mẹ cần bình tĩnh, tránh trừng phạt quá mức hoặc phản ứng cảm tính. Bởi những cảm xúc tồi tệ của cha mẹ còn nghiêm trọng hơn hậu quả lỗi lầm của con cái, nó sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nhân cách của trẻ.
Những cách phạt con cái khi chúng mắc lỗi
1. Đặt thời gian
Đối với những trẻ bị kích động hoặc mất kiểm soát, cha mẹ hãy đặt ra “thời gian bình tĩnh”. Hãy để trẻ ở một mình nơi yên tĩnh, để chúng có thể bình tĩnh và suy ngẫm về hành vi của mình.
Cha mẹ hãy nhớ rằng, đó không phải là một không gian chật hẹp hay căn phòng nhỏ tối tăm. Thời gian này có thể tăng dần để trẻ nhận thức được hậu quả của hành vi không phù hợp.
2. Làm việc nhà
Khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ cũng nên phạt trẻ làm thêm một số việc nhà. Bằng cách này, nó không chỉ cho phép trẻ nhận trách nhiệm về lỗi lầm của mình mà còn nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm và khả năng tự lập.
3. Viết nhật ký
Đối với trẻ lớn hơn, cha mẹ có thể yêu cầu trẻ viết ra những lỗi sai và suy nghĩ của mình. Nó có thể là sự mô tả về hành vi của chính mình hoặc có thể là sự phân tích nguyên nhân gây ra sai sót và đề xuất các biện pháp khắc phục.
Cách phạt này giúp trẻ suy nghĩ sâu sắc về lỗi lầm của mình và học hỏi từ đó.
4. Tịch thu đặc quyền
Cách tốt nhất để khiến trẻ nhớ lỗi lầm của mình là tước đi một số đặc quyền như hạn chế sử dụng các sản phẩm điện tử, không được tham gia một số hoạt động nhất định, tạm thời không được mua đồ chơi yêu thích… Những hình phạt như vậy, sẽ khiến trẻ nhận ra rằng việc mắc lỗi lầm thực sự rất nghiêm trọng.
Theo PNS
https://phunuso.baophunuthudo.vn/tre-mac-loi-co-nen-bi-phat-nhot-trong-phong-toi-de-chung-tu-hoi-loi-193240420080530615.htm