Vợ chồng tôi đều là nhân viên văn phòng. Năm 2020, nhờ vào khoản tiền tích cóp và vay mượn thêm họ hàng nên chúng tôi đã mua được một căn hộ nơi thành phố.
Song, cũng từ đây, hai vợ chồng gánh một khoản nợ trên vai, cộng với chi phí nuôi con nhỏ nên mỗi tháng phải chi một số tiền lớn.
Để có thêm tiền lo cho gia đình, vợ tôi tăng ca ngày đêm. Sáng ra, cô ấy còn nấu xôi, làm bánh mì bán cho chị em đồng nghiệp. Thương vợ, tôi cũng cố gắng kiếm thêm công việc để làm, khi rảnh rỗi vì lôi xe máy ra đường chạy xe ôm, làm shipper,…
Từ khi kinh tế eo hẹp, tôi thấy vợ ngày càng sống tiết kiệm hơn. Cô ấy gần như không mua quần áo mới, không đi ăn ngoài, không uống cà phê hay trà sữa và tất nhiên là sẽ không đi du lịch.
Có một lần vợ tôi đi họp lớp cấp 3, tôi thấy cô ấy đứng trước gương rất lâu vẫn không chọn được bộ quần áo ưng ý. Vợ tôi nói toàn bộ quần áo đều đã cũ và lỗi mốt, trong khi đó bạn bè của cô ấy đều giàu có nên chẳng biết phải mặc gì cho phù hợp. Cuối cùng, cô ấy mặc bộ đồ đồng phục của công ty: “Nếu có ai thắc mắc thì em sẽ nói rằng vừa mới tan ca ở công ty nên chạy vội đến tham gia cùng lớp”.
Nghe vậy tôi thấy thương vợ vô cùng. Tôi nghĩ mọi vất vả mà cô ấy đang phải chịu đựng đều do lỗi từ tôi. Do đó, tôi càng nỗ lực hơn để gia đình nhỏ này không còn thiếu thốn nữa.
4 năm sau, số tiền nợ đã được trả gần hết, cuộc sống của chúng tôi cũng vì thế mà trở nên tốt hơn rất nhiều. Hàng tháng, vợ chồng tôi đều ngồi lại với nhau để chia thu nhập thành từng khoản riêng biệt, bao gồm: một phần trả nợ, một phần tích cóp và một phần đặc biệt tôi dành riêng cho vợ, để cô ấy được tặng cho bản thân những gì mà cô ấy thích.
Tuần trước, tôi thấy vợ kể lớp cấp 3 của cô ấy chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 20 năm ra trường. Mọi người rủ nhau họp lớp ở Đà Nẵng. Cô ấy muốn đi nhưng lại tiếc tiền nên vẫn đắn đo.
Hình ảnh vợ mặc đồng phục đi họp lớp năm nào bất chợt lại ùa về trong tâm trí của tôi. Tôi muốn lần này cô ấy sẽ được nở mày nở mặt với bạn bè.
Nghĩ là làm, tôi lấy 2 chỉ vàng đem đi bán và đưa cả cho vợ. Tôi thúc giục cô ấy đi làm tóc, mua quần áo, giày dép, mĩ phẩm…Còn lại thì sẽ dùng để nộp vào quỹ lớp phục vụ cho chuyến đi.
Vợ tôi từ bất ngờ chuyển sang cảm động, cô ấy không ngờ tôi lại hào phóng đến như vậy.
Sau chuyến đi, vợ tôi giống như vừa được đi “chữa lành” trở về, tinh thần cô ấy phấn chấn lên rất nhiều.
“Lần trước đám bạn của em tỏ vẻ coi thường em lắm. Bọn nó bảo chắc cuộc sống khó khăn nghèo nàn nên đến cả đi họp lớp vẫn phải mặc quần áo đi làm, gương mặt thì không tô lấy một chút son. Sau đó, em chỉ biết im lặng ngồi ăn cho xong bữa rồi ra về, cũng chẳng ai quan tâm.
Nhưng lần này thì bọn nó phải trầm trồ khi em bước tới. Nhất là bọn con gái, ai cũng xuýt xoa dù đã là mẹ 3 con nhưng em vẫn còn rất trẻ đẹp, phong cách thì thời thượng. Em còn chi một chút tiền đóng góp nhiều hơn một chút, vậy là càng được tôn trọng hơn”, vợ tôi kể.
Nghe vậy, tôi thấy buổi họp lớp có vẻ bất ổn. Dường như mọi người không có tình cảm bạn bè thật sự mà chỉ xoi mói vào vẻ bề ngoài của nhau, ai giàu thì yêu thích, ai nghèo thì bị khinh.
“Đúng là như thế, đây cũng là lý do mà em tham gia du lịch lần này dù trong lòng chẳng thực sự vui vẻ gì. Nhưng nghĩ đến trước đây bị bọn nó dè bỉu nên em đã dùng một chút tiền để dạy cho chúng một bài học”, vợ tôi sảng khoái chia sẻ.
Đúng là mọi thế sự trên đời gần như đều được đo lường bằng tiền, dù đó có là tình cảm bạn bè suốt mấy chục năm trời. Suy cho cùng, tiền vẫn có thể làm ra được, chỉ cần vợ thấy vui vẻ và thoải mái thì tốn kém bao nhiêu tôi cũng đáp ứng.
Theo Đời sống Pháp luật