Theo nhiều nghiên cứu, việc ăn các thực phẩm như rau xanh, hạt và ngũ cốc nguyên cám có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Thậm chí, việc tăng lượng trái cây tiêu thụ hàng ngày cũng có thể mang lại lại ích tương tự. Tuy nhiên, một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Diabetologia cho biết, uống trà đen mỗi ngày cũng giúp kiểm soát lượng đường trong máu và có thể giúp giảm nguy cơ phát triển tiền tiểu đường cũng như tiểu đường loại 2.
Trà đen giúp phòng ngừa tiểu đường thế nào?
Nghiên cứu trên có sự tham gia của 1.923 người từ 20 – 80 tuổi. 59% số người tham gia có mức đường huyết bình thường, trong khi 23% số người tham gia mắc bệnh tiểu đường loại 2 và 18% mắc tiền tiểu đường. Những người tham gia bao gồm cả những người không thường xuyên uống trà và những người chỉ uống một loại trà duy nhất. Họ được hỏi về tần suất uống trà (không bao giờ, thỉnh thoảng và hàng ngày) cũng như loại trà họ uống (trà xanh, trà đen hoặc các loại khác).
Sau đó, các nhà khoa học đã kiểm tra mối liên hệ giữa tần suất uống trà và loại trà được tiêu thụ với việc bài tiết glucose qua nước tiểu. Thông thường, ở những người mắc bệnh tiểu đường, thận sẽ giữ lại glucose trong nước tiểu nhiều hơn thay vì bài tiết ra ngoài. Điều này làm tăng lượng đường trong máu. Thế nhưng, ở những người uống trà đen mỗi ngày, các nhà khoa học phát hiện lượng glucose được bài tiết qua nước tiểu nhiều hơn. Đây là dấu hiệu cho thấy cơ thể của những người uống trà đen thường xuyên có thể loại bỏ glucose hiệu quả hơn.
Do đó, những người uống trà đen mỗi ngày có nguy cơ mắc tiền tiểu đường thấp hơn 53% và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 thấp hơn 47% so với những người không bao giờ uống loại trà này.
Nhóm tác giả của nghiên cứu giải thích quá trình lên men để tạo ra trà đen có thể đã tạo ra các hợp chất độc đáo có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm mạnh, từ đó cải thiện độ nhạy insulin, tăng cường chức năng tuyến tụy và tăng cường sức khỏe cho hệ lợi khuẩn đường ruột. Cùng với tác dụng tăng bài tiết glucose qua nước tiểu, uống trà đen là cách hiệu quả giúp điều hòa lượng đường trong máu tốt hơn.
Không những vậy, nghiên cứu còn chỉ ra rằng, trà đen thậm chí còn có thể có lợi ích tương tự như một loại thuốc trị tiểu đường nhờ cơ chế tăng bài tiết glucose qua nước tiểu.
Các lợi ích khác của trà đen
Cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa
Một nghiên cứu đăng tải trên British Medical Journal vào năm 2018 cho thấy một số thành phần trong trà đen có thể hỗ trợ sự phát triển của lợi khuẩn đường ruột, từ đó giúp cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa.
Chống oxy hóa và chống ung thư
Giống như các loại trà khác, trà đen có chứa các polyphenol như catechin, flavonoid và các sản phẩm oxy hóa của polyphenol có nguồn gốc từ lá trà. Các hợp chất này có tính chất chống oxy hóa mạnh mẽ, có thể chống lại các gốc tự do trong cơ thể, đồng thời làm chậm quá trình lão hóa, phòng ngừa ung thư.
Hạ huyết áp
Trà đen có chứa theanine – một axít amin có thể giúp điều hòa huyết áp. Ngoài ra, các hợp chất khác như polyphenol trong trà đen cũng đã được một số nghiên cứu chứng minh có khả năng hạ huyết áp.
Giảm cân
Một số nghiên cứu sơ bộ cho thấy bổ sung trà đen vào chế độ ăn uống hàng ngày có thể giúp bạn giảm cân. Nguyên nhân là do trà đen giúp tăng cường quá trình trao đổi chất, giảm lượng calo nạp vào, cải thiện độ nhạy insulin và hỗ trợ đốt cháy mỡ.
Hạ mỡ máu
Trà đen chứa một lượng lớn polysaccharides. Hoạt chất này có thể giảm nồng độ chất béo trung tính và cholesterol “xấu” – LDL trong máu.
Theo ĐSPL
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tim-ra-loai-o-uong-giup-phong-ngua-tieu-uong-cuc-tot-rat-than-quen-voi-nguoi-viet-lai-re-tien-a415377.html