Khác với những bạn đồng trang lứa vẫn đang phải vật lộn với việc học và được bố mẹ chăm sóc, cậu thiếu niên 17 tuổi người Đức Lasse Stolley đã quyết định rời nhà và trường học sớm và trở thành một người sống du mục trên tàu hỏa suốt một năm rưỡi.
Hành trình kỳ thú của Stolley bắt đầu vào mùa hè năm 2022, khi cậu mới 16 tuổi và vừa tốt nghiệp trung học.
Cuộc sống ở trường trung học của cậu không hề dễ chịu, cậu có ít bạn bè và có dấu hiệu bị trầm cảm nhẹ. Giống như nhiều bạn trẻ, cậu cảm thấy mịt mù về tương lai.
Một ngày nọ, một bộ phim tài liệu trên YouTube đã truyền cảm cho cậu thiếu niên vạch ra một kế hoạch mới cho bản thân – trở thành một người du mục trên tàu, đi đến các thành phố khác nhau vào ban đêm, xuống tàu để đi du lịch vào ban ngày, và làm một số công việc bán thời gian từ xa để kiếm tiền.
Nghe có vẻ là một cuộc phiêu lưu hấp dẫn, nhưng Stolley rốt cuộc vẫn chỉ là trẻ vị thành niên và kế hoạch này ngay lập tức bị bố mẹ cậu phản đối. Dù vậy Stolley đã vô cùng quyết tâm và dành nhiều công sức để thuyết phục bố mẹ. Sau khi quyết định, cậu nhanh chóng thu dọn hành lý và mua vé tàu Đức “Bahncard 100”. Với tấm vé này, cậu sẽ có thể đi đường sắt không giới hạn số lần ở Đức.
Ngày 7/8/2022, ngày đầu tiên tấm vé tàu của cậu có hiệu lực.
Cậu tạm biệt bố mẹ và lên tàu đi Munich. Khi tàu chậm rãi di chuyển, cậu cảm thấy như được tự do. Nhưng sự tự do phải trả giá. Thực tế luôn tàn khốc hơn tưởng tượng. Không lâu sau khi phấn khích, cậu đã gặp phải vấn đề đầu tiên – Chứng mất ngủ.
Để tiết kiệm tiền, cậu thường xuyên phải ngủ ngồi vì không muốn tốn thêm tiền mua giường. Con tàu đông đúc và ồn ào vốn đã gây khó chịu nhưng cậu còn phải luôn cảnh giác vấn đề an toàn để đề phòng mất trộm hành lý. Trên một số đoạn đường mà lực lượng an ninh không được bố trí đầy đủ, hành khách bạo lực cũng có thể xuất hiện…
Ngủ không ngon giấc là một trong những nguyên nhân khiến Stolley nhiều lần bị lỡ tàu, điều này làm gián đoạn kế hoạch ban đầu của cậu và đôi khi khiến cậu bị mắc kẹt ở một ga tàu xa lạ vào lúc nửa đêm.
May mắn thay, Stolley không dễ dàng bỏ cuộc. Sau khi vượt qua giai đoạn thích nghi trong vài tháng đầu tiên, cậu nhanh chóng có những điều chỉnh và học được kỹ năng sống trên tàu.
Ví dụ, cậu sẽ tính toán số lượng hành khách của các chuyến tàu trước khi khởi hành và chọn những chuyến có ít người đi, để cậu có thể chiếm cả một hàng ghế và nằm thoải mái khi ngủ. Cậu cũng giảm bớt một nửa số hành lý. Chiếc ba lô chỉ đựng vài bộ quần áo, gối kê cổ, chăn, cộng thêm laptop và tai nghe chống ồn để cậu có thể dễ dàng lên đường bất cứ lúc nào.
Khi những yếu tố đáng lo ngại đã được giải quyết, Stolley cuối cùng đã có thể tận hưởng cuộc hành trình. Cậu không có kế hoạch cố định mà chọn địa điểm phụ thuộc vào thời tiết và tâm trạng, cho dù đó là núi, thành phố hay biển. Cậu rất thích thể thao và đi bộ đường dài. Khi thời tiết đẹp, cậu sẽ đi leo núi ở nhiều địa điểm khác nhau.
Vào tháng 8 năm ngoái, cậu đã chinh phục thành công Wendelstein cao 1.838 mét, đỉnh núi cao nhất mà cậu từng leo trong đời và tận hưởng khung cảnh tuyệt đẹp của dãy Alps từ đỉnh núi.
Nếu trời mưa, Stolley sẽ chọn những địa điểm trong nhà như ghé thăm Bảo tàng Đường sắt Đức ở Nuremberg, hoặc tận hưởng những toa tàu sang trọng, hoặc làm việc phát triển ứng dụng cho một công ty khởi nghiệp về CNTT để kiếm chi phí đi lại.
Khi có tâm trạng, Stolley sẽ đi đến cùng một nơi nhiều lần, ví dụ như Berlin, Frankfurt và Munich. Cậu đặc biệt thích đi dạo ở Frankfurt vào sáng sớm, cảm nhận những con phố yên tĩnh và vắng vẻ, ngang qua nhiều người khác nhau, từ những chủ ngân hàng giàu có đến những người vô gia cư… Cậu cũng thích chiêm ngưỡng Phố cổ lịch sử của Flensburg. Trong cuộc hành trình, cậu cũng được chứng kiến nhiều cảnh tượng bất ngờ như các cuộc đình công, các nhà hoạt động vì khí hậu tại làng Lützerath…
Đối với một thiếu niên chưa nhiều trải nghiệm sống như Stolley, có rất nhiều cảnh tượng tồi tệ mà cậu đã phải chứng kiến trong đời. Nhưng trong toàn bộ chuyến hành trình, dù tốt hay xấu, những điều đó đều trở thành kinh nghiệm sống quý giá của Stolley.
Nhờ vậy mà thế giới nội tâm khép kín trước đây của cậu cũng trở nên cởi mở hơn, quen biết nhiều người hơn và không còn dễ dàng cảm thấy cô đơn nữa.
Vì đi tàu hàng ngày nên Stolley đã kết bạn với nhiều công nhân đường sắt. Trong chuyến đi, cậu thường trò chuyện với những hành khách trên tàu. Họ có thể là những chuyên gia phá dỡ, một số là giáo viên hoặc quản lý nhân sự… Trong suốt cuộc trò chuyện, Stolley được nghe nhiều câu chuyện thú vị và sâu sắc.
Tất cả những trải nghiệm này đã khiến cậu thiếu niện trở thành một con người hoàn toàn khác so với trước đây. Cuộc sống trên tàu chắc chắn rất khó khăn, nhưng Stolley cảm thấy những điều đó chẳng là gì so với niềm hạnh phúc mà cậu có được.
Vì vậy, khi vé tàu hết hạn tháng 8 năm ngoái, cậu đã ngay thẻ mới để tiếp tục cuộc hành trình. Cậu tiếp tục khám phá mọi ngóc ngách của nước Đức và gặp gỡ nhiều người.
Không dừng lại ở đó, cậu còn mua thêm vé tàu châu Âu và bắt đầu khám phá những cảnh đẹp ở nước ngoài. Cậu đến Istanbul để theo đuổi nền văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ quyến rũ và đến Kiruna để trải nghiệm cực quang tuyệt đẹp…
Từ năm 16 đến 17 tuổi, cuộc sống du mục trên tàu của Stolley kéo dài một năm rưỡi và vẫn đang tiếp tục. Cậu đã hoàn thành hàng ngàn chuyến hành trình và đi gần 500.000 km bằng tàu hỏa, tương đương với việc bay vòng quanh trái đất 12 lần…
Tuy nhiên, ngoài việc vạch kế hoạch trải nghiệm, cậu còn có mục tiêu có thể tự lập về tài chính và không còn phải lo lắng về việc xin tiền bố mẹ.
Mặc dù đã tiết kiệm đủ tiền và chỉ đến bể bơi để tắm nhưng chi phí sinh hoạt hàng năm của cậu vào khoảng 10.000 euro (khoảng 276 triệu VNĐ), số tiền kiếm được từ công việc bán thời gian của cậu không thể trang trải được.
Với kiến thức về các mẫu tàu cậu tích lũy được, Stolley hy vọng được trả tiền để cung cấp phản hồi cho ngành đường sắt về dịch vụ và an toàn. Nếu điều đó có thể thành hiện thực, Stolley sẽ không chỉ tận hưởng cuộc hành trình dài này mà còn khám phá ra con đường sự nghiệp cho tương lai.
Một sự thôi thúc có thể khám phá ra nhiều khả năng hơn trong cuộc sống, có lẽ đây chính là vẻ đẹp của tuổi trẻ.
Theo Nhịp sống thị trường
https://markettimes.vn/tim-ra-cach-du-lich-gia-re-bang-tau-chang-trai-17-tuoi-tu-di-khap-ca-nuoc-gap-ca-nhung-canh-tuong-te-nhat-trong-doi-57525.html#google_vignette