Beethoven có cha là nhạc sĩ cung đình, nhưng thân phận lại không khác gì tôi tớ, nên dù được coi là một thần đồng âm nhạc, ông vẫn không hoà nhập được với giới thượng lưu; chưa kể ngoài âm nhạc, ông không nhận được bất kỳ sự giáo dục nào khác.
Để bù lại khiếm khuyết này, ông đã ra sức đọc sách và tìm thấy niềm say mê trong việc đọc. Tuy nhiên điều khiến Beethoven đau khổ nhất, chính là khi sự nghiệp đang bắt đầu nở rộ thì ông phát hiện ra thính giác của mình bị kém đi nhanh chóng. Vì lý do này ông đã rời khỏi thủ đô Vienna, và ẩn cư ở vùng ngoại ô.
Một trong những bản giao hưởng nổi tiếng của ông “Giông tố” được sáng tác trong thời điểm này. Tên bản nhạc bắt nguồn từ giai thoại rằng, khi người thư ký Anton Schildler hỏi Beethoven làm thế nào để hiểu được bản nhạc này, ông đã trả lời rằng “Hãy đọc vở kịch ‘Giông tố’ của Shakespeare”.
Phân tích vở kịch cũng như tác phẩm của Beethoven, tác giả cuốn sách “Thư viện của những thần tượng” Lee Ha-Young đã chỉ ra rõ những nét tương đồng giữa hai tác phẩm; cũng như cho thấy thiên nhiên cùng những tác phẩm văn học đã xoa dịu nỗi đau và sự tuyệt vọng của ông, và chuyển hoá nó thành sức mạnh, giúp ông có những bước nhảy vọt mới trong sự nghiệp của mình.
Bị chia tách khỏi mẹ và phải tự mình kiếm sống khi chưa đủ 10 tuổi, nhưng cậu bé Charlie Chaplin đã biết dành dụm tiền để mua cuốn tiểu thuyết Oliver Twist của Charles Dickens và bắt đầu tập diễn xuất bằng cách bắt chước theo từng nhân vật xuất hiện trong đó. Khi đang say sưa luyện tập trước những đồng nghiệp của mình, ông đã nhanh chóng lọt vào mắt xanh của chủ đoàn kịch và có cơ hội được thử thách với màn độc diễn.
Có thể nói sách đã giúp trui rèn tài năng và thay đổi cuộc đời của nhiều người, trong đó có danh hài thế giới Chaplin. Ông luôn nói rằng ông không có xuất thân bề thế, không có bằng cấp, không có cả mối quan hệ, nhưng ở đầu giường ông lúc nào cũng có sách.
22 chương của cuốn sách “Thư viện của những thần tượng” với tiêu đề chương như những câu tuyên ngôn giàu sức biểu đạt, giúp độc giả có cơ hội khám phá 22 cặp đôi danh nhân đã có ảnh hưởng lớn với nhau thông qua các cuốn sách. Để từ đó mỗi người cũng có thể tìm được một gợi ý cho vấn đề đang tồn tại của bản thân, hoặc đơn giản là một gợi ý đọc hấp dẫn từ các danh nhân có ảnh hưởng trên thế giới.
Nói về thông điệp muốn gửi đến độc giả, tác giả cuốn sách Lee Ha- Young chia sẻ: “Sách không được viết cho ai cả. Sách chỉ là vết tích của cuộc hành trình mà tác giả tự mình vượt qua dãy núi tri thức. Tôi hi vọng rằng cuốn sách này sẽ được những người cần đến nó hay những người có thể tiếp nối nó tìm thấy. Và cả những người không biết nên đọc gì hay không biết sách có thể mang lại điều gì nữa.
Tôi cũng từng không biết nên đọc gì hay sách mang lại lợi ích gì cho mình nên đã tham khảo những cuốn sách của các nghệ sĩ thời trước rồi viết ra những bài viết này. Tôi nghĩ rằng chỉ những người tự tạo dựng được con đường của riêng mình mới có thể đọc như những người nghệ sĩ ở trong cuốn sách này.”
Lee Ha- Young là một tác giả kiêm nhà báo phụ trách chuyên mục sách người Hàn Quốc. Ngay từ nhỏ cô đã dành sự quan tâm đặc biệt đến những cuốn sách và tủ sách của người khác. Cô đã viết những bài báo đăng tải định kỳ về thói quen đọc sách và những cuốn sách yêu thích, có ảnh hưởng lớn tới các doanh nhân, trong đó có những bài viết trong cuốn sách “Thư viện của những thần tượng”.
Theo Đời sống Pháp luật