Sáng nay 19/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát động phong trào “Đăng ký hiến tặng mô, tạng – Cho đi là còn mãi”, cùng các đại biểu đăng ký hiến mô tạng, tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội.
Chương trình do Bộ Y tế, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam thực hiện nhằm chuyển tải sâu rộng hơn ý nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả của việc hiến tặng mô, tạng cứu người.
“Hiến mô, tạng là một trong những món quà quý giá nhất mà một người có thể trao tặng cho người khác. Ở Việt Nam, đã có hàng nghìn người đã được ghép tạng thành công, được cứu sống nhờ sự sẻ chia, nhân ái của những tấm lòng cao đẹp”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong bài phát biểu tại buổi lễ.
Ghép tạng là một trong những thành tựu quan trọng nhất của nền y học thế giới từ thế kỷ 20. Trong bài phát biểu, Thủ tướng chia sẻ, mặc dù Việt Nam đi sau thế giới 50 năm và sau các nước trong khu vực khoảng 20 năm, nhưng đến nay trình độ ghép tạng của Việt Nam đã ngang bằng nhiều nước và tỉ lệ sống sau ghép tạng ở Việt Nam còn cao hơn so với một số quốc gia phát triển, trong khi chi phí rẻ hơn rất nhiều.
Từ ca ghép tạng thành công đầu tiên cách đây 30 năm, Việt Nam ngày nay đã làm chủ được kỹ thuật ghép các loại tạng, liên tiếp thực hiện nhiều ca ghép đa tạng thời gian qua. Thành công này đang tăng dần qua hằng năm; trong 2 năm gần đây, các bệnh viện đã thực hiện thành công hơn 1.000 ca ghép tạng/năm.
Tính từ ca ghép thận đầu tiên năm 1992 đến nay, cả nước ghi nhận có 8.607 ca ghép tạng được thực hiện; trong đó ghép thận 7.914 ca; ghép gan 593 ca; ghép tim 82 ca; ghép phổi 10 ca; ghép tụy 01 ca; còn lại 8 ca là ghép ruột, ghép đa tạng khác.
Thủ tướng nhấn mạnh, những thành tựu quan trọng ghép tạng thời gian qua là minh chứng rõ nét của tình thương và lòng nhân ái – “Một bàn tay không làm nên tiếng vỗ!”. Để có được những thành tựu quan trọng đó, chúng ta không bao giờ quên những tấm lòng vàng, những nghĩa cử cao đẹp của những con người, những gia đình với tấm lòng hy sinh cao cả đã tình nguyện hiến mô, tạng – một phần vô giá của cơ thể mình, người thân của mình – để “Thắp sáng niềm tin – Tiếp nối hy vọng”, “Cho đi là còn mãi”, – mở ra cơ hội sống cho nhiều người khác.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng bày tỏ sự xúc động: “Chúng ta rất xúc động được biết, hiện nay Việt Nam đã có hàng nghìn người hiến mô, tạng và khoảng hơn 86.000 người đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời. Đây là minh chứng sống động cho sự nhận thức, tình thương và lòng nhân ái ngày càng được lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trong xã hội về hiến tạng cứu người – một nghĩa cử cao đẹp.
Nhân dịp này, tôi trân trọng cảm ơn và tri ân những tấm lòng nhân ái, hành động cao đẹp của những người, những gia đình đã và sẽ hiến tạng. Đây thực sự là những tấm gương sáng về người tốt, việc thiện, nêu cao tinh thần “cho đi là còn mãi”, vượt qua nỗi đau thương, mất mát, định kiến để gieo mầm sự sống, hạnh phúc cho nhiều gia đình, bệnh nhân khác. Chúng ta cần nhân lên những ý tưởng, hành động cao đẹp, nhân đạo này, tạo thành phong trào, xu thế trên cả nước”.
Phát huy truyền thống “tương thân tương ái” tốt đẹp của dân tộc ta; với mong muốn nhận thức và tinh thần hiến tạng cứu người tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa trong xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi mọi người dân Việt Nam trưởng thành, không phân biệt giới tính, dân tộc, tôn giáo, tuổi tác, vùng miền: Hãy tình nguyện đăng ký hiến tạng trên tinh thần “Mở lòng nhân ái – Lan tỏa yêu thương – Thắp sáng niềm tin – Tiếp nối hy vọng – Gieo mầm sự sống”, đó là tình yêu, nghĩa cử cao đẹp nhất vì “cho đi là còn mãi”, một người có thể cứu nhiều người, phát huy sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân.
Thủ tướng cũng đề nghị các đơn vị cần tiếp tục phát triển ngành ghép tạng, mở rộng nguồn mô tạng hiến từ người chết, chết não. Nghiên cứu chính sách ưu tiên, cơ chế đặc thù, khuyến khích cho lĩnh vực hiến, ghép mô tạng.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não. Cùng với đó, nhiều đại biểu tham dự, lãnh đạo các bộ ngành… cũng đăng ký hiến mô, tạng.
Tổng hợp: VGP, Tuổi Trẻ
Theo Đời sống Pháp luật