Với thiên chức làm vợ, làm mẹ, người phụ nữ trong gia đình luôn phải gánh vác nhiều vai trò khó nhằn trong cuộc sống. Không chỉ vậy, nếu cưới chồng là trưởng của dòng họ, nàng dâu sẽ được gia đình, họ hàng đặt nhiều kỳ vọng, áp lực cũng từ đó mà nhiều lên. Chẳng hạn như nhiều người phải lo toan, vun vén mọi việc lớn nhỏ của dòng họ nhà chồng trong các dịp lễ Tết, giỗ chạp, ma chay, sửa nhà,… Hầu hết, việc lớn, việc nhỏ đều do vợ chồng người con trưởng đứng ra chịu trách nhiệm chính.
Cũng chính vì thế nên ngày nay, không ít cô gái sợ trở thành dâu trưởng, phải gánh vác, lo toan nhiều thứ. Như câu chuyện của một người phụ nữ ẩn danh, tạm gọi là M. mới đây chia sẻ trên nhóm “Vén khéo”.
Chị M. chia sẻ, hai vợ chồng chị đều là con một trong nhà. Hiện tại, chị M. đang làm công việc lễ tân với thu nhập 7 triệu đồng/ tháng. Còn chồng chị làm thợ gỗ với mức lương 12 triệu đồng/ tháng. Bố mẹ ruột và bố mẹ chồng chị đều làm nông và không có lương hưu. Tổng thu nhập mỗi tháng của hai vợ chồng chị M. là 19 triệu đồng.
Với thân phận là con trưởng, không chỉ phải chi tiêu cho các sinh hoạt phí trong gia đình nhỏ, vợ chồng chị còn cần dành dụm một khoản tiền gửi về quê cho bố mẹ chồng.
Chị M. cho biết, mỗi tháng gia đình chị sẽ phải chi 16,7 triệu đồng cho các khoản như sau:
– Phí thuê trọ và tiền điện, nước: 3 triệu đồng.
– Tiền ăn uống: 5 triệu đồng.
– Tiền điện, nước ở quê cho bố mẹ chồng: 700.000 VNĐ
– Tiền gửi về quê cho bố mẹ chồng: 4 triệu đồng
– Tiền học cho bé 2 tuổi: 2 triệu đồng
– Tiền xăng xe, điện thoại, chi tiêu riêng của hai vợ chồng: 2 triệu đồng
Ngoài những khoản phí trên, vợ chồng chị M. còn phải chi thêm các khoản tiền hiếu hỉ của nhà nội và nhà ngoại. Chị M. tâm sự rằng hai vợ chồng chị cố gắng vun vén hết cỡ nhưng tháng nào cũng âm tiền, không dành dụm được một khoản tiền nào.
Nỗi lòng con gái đi lấy chồng không lì xì nổi bố mẹ ruột 100.000 VNĐ
Do điều kiện tài chính hạn hẹp, chị M. trải lòng: “Tôi lấy chồng xa 150km, giỗ chạp hay lễ Tết tôi chẳng dám về quê ngoại vì hai vợ chồng đi làm cả năm mà không dư ra được một khoản nào. Tiền đi lại về quê cũng tốn kém, lấy chồng 3 năm, thậm chí tôi không thể lì xì được bố mẹ 100.000 VNĐ. Nhiều khi nhớ bố mẹ quá, tôi chỉ biết khóc.
Tôi bàn với chồng về việc cắt bớt tiền gửi cho bố mẹ chồng. Chồng chỉ nói rằng anh là con trưởng, nhà cửa phải lo nhiều thứ nên phải chấp nhận chi tiêu đủ. Nhưng vợ chồng tôi còn chưa thể lo nổi gia đình nhỏ, tôi cũng biết ông bà không có lương nhưng chẳng biết nên làm sao để hợp lý”.
Câu chuyện của chị M. đã nhận được sự quan tâm từ cộng đồng mạng, mọi người góp ý ngay dưới phần bình luận. Một số ý kiến cho rằng, chị M. không biết suy nghĩ đến bố mẹ ruột, thậm chí còn sử dụng những câu từ nặng lời để chỉ trích.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người thể hiện sự đồng cảm với chị. Có người cho rằng chị M. nên đi làm thêm kiếm tiền vì không thể thu vén thêm nữa, người thì khuyên chị M. nên tham gia các khóa học quản lý tài chính cá nhân, lập kế hoạch chi tiêu hợp lý,… Nhiều người khuyên chị có thể làm thêm các công việc ngoài giờ hành chính như: Dọn nhà theo giờ, bán hàng online, giao hàng,… để có “đồng ra đồng vào”.
Đặc biệt, đa số mọi người đều đồng nhất quan điểm cho rằng chị M. nên biếu cả nhà nội và nhà ngoại như nhau, không nên quá nghiêng về phía nhà nội vì cả hai vợ chồng đều là con một trong gia đình.
Một số bình luận đáng chú ý của mọi người như sau:
– Chồng tôi cũng không phải người sống thoáng nhưng tôi kệ. Nếu biếu bà nội 500.00 VNĐ thì cũng phải biếu bà ngoại 500.000 VNĐ.
– Trời đất, 3 năm mà không biếu Tết được bố mẹ 100.000 VNĐ, chịu bạn thật. Bạn cam chịu quá, đành rằng trách nhiệm với nhà nội có thể lớn hơn, nhưng không thể như thế này được.
– Sống ở quê còn có ruộng nương nên hai ông bà không cần 4,7 triệu đồng/ tháng đâu bạn. Chồng như vậy thì gia trưởng quá!
– Đọc mà tức quá, biếu bố mẹ chồng 4 triệu đồng mà bố mẹ vợ không biếu nổi 100 nghìn đồng, quá dại, vậy mà cũng chịu.
Nguồn: Group Vén khéo
Theo Đời sống Pháp luật