Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận khoảng 200.000 ca mắc mới ung thư, số tử vong lên đến 82.000 trường hợp. Trong khi tỷ lệ tử vong do ung thư trên thế giới khoảng 59,7%, ở các quốc gia đang phát triển là 67,9% thì tỷ lệ tử vong do ung thư ở Việt Nam là 73,5%, ở mức cao trên thế giới. Đây là thông tin được các chuyên gia đưa ra trong hội thảo khoa học quốc tế chủ đề “Quản lý ung thư trong thời đại mới: Cập nhật những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư ở Việt Nam và trên thế giới” vào ngày 29/7/2023.
Ung thư gia tăng là mối lo của rất nhiều người. Trên thực tế, có không ít gia đình có nhiều người được phát hiện mắc ung thư cùng một lúc. Điều này khiến cho những người còn lại không khỏi lo lắng.
Lo sợ mắc ung thư tới mức bị rối loạn tâm thần
Mới đây, ThS.BS Nguyễn Viết Chung, Trưởng Khoa sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E đã gặp một trường hợp bạn trẻ 19 tuổi đã phải điều trị rối loạn tâm thần khi đi theo tâm lý đám đông. Nam sinh 19 tuổi có một số người thân mắc ung thư rồi qua đời. Chàng trai trẻ đã rất sợ một ngày nào đó mình cũng sẽ mắc bệnh.
Nam sinh đã tìm hiểu cách ăn chay thực dưỡng để tránh căn bệnh ung thư. Nam sinh đã ăn chay trường trong khi đang ở tuổi phát triển. Điều này khiến cho cơ thể cậu cứ yếu dần, sức khỏe đi xuống, không thể đi học đại học được.
Theo bác sĩ Chung, nam sinh suốt ngày chỉ quanh quẩn nghĩ về việc ăn chay thực dưỡng. Sau đó, bệnh nhân còn bị lôi kéo vào các trào lưu và hội nhóm,…
Sau 2 năm ăn chay, nam sinh được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng rối loạn điện giải và suy kiệt (chỉ nằm một chỗ không thể đi lại được). Bệnh nhân không thể ăn uống được nên phải nuôi dưỡng bằng tĩnh mạch và ăn xông để cung cấp lại dinh dưỡng.
Bác sĩ Chung cho hay, cá nhân bác sĩ không phản bác chuyện ăn chay thực dưỡng. Tuy nhiên, khi ăn chay cần phải có kiến thức và cần phải được tư vấn dinh dưỡng về nhóm người nào phù hợp với ăn chay, nhóm người nào không. Với trường hợp của nam sinh trên, do đang trong tuổi phát triển, việc ăn chay trường sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của cơ thể.
Ngoài ra, với tâm lý lo sợ bệnh ung thư, bệnh nhân đã bị lôi kéo vào các hội nhóm ăn chây thực dưỡng và dần mất đi tư duy phản biện, cuối cùng dẫn tới rối loạn tâm thần liên quan tới ăn uống.
Rối loạn tâm thần ở người trẻ, cần lắm sự đồng hành của gia đình
Theo bác sĩ Chung, các bạn trẻ hiện nay rất thông minh, biết cách tiếp cận với nhiều luồng thông tin. Tuy nhiên, việc có quá nhiều thông tin khiến cho người trẻ có thể dễ bị lôi kéo vào các trào lưu, xu hướng trên mạng xã hội hay tâm lý đám đông.
Bác sĩ Chung cũng cho hay, hiện nay, trong cuộc sống hiện đại, con người sống ít cởi mở với nhau hơn, ngay cả những người trong một gia đình. Với người trẻ ở tuổi vị thành niên, mặc dù các con sống cùng gia đình nhưng thực tế có rất nhiều bố mẹ không thể “chạm” được tới cảm xúc, cảm nghĩ của con. Nhiều bố mẹ chỉ lo đi làm, lo cho con được sống trong điều kiện tốt hơn, thỉnh thoảng mới cho con ra ngoài chơi. Họ nghĩ rằng như vậy là tốt. Tuy nhiên, có một điều mà bố mẹ quên đi đó là trẻ cần có người bên cạnh để giải thích, định hướng những điều đúng và sai. Nếu bố mẹ bỏ qua vấn đề này khiến cho trẻ dễ bị dẫn dắt vào các trào lưu và đi theo tâm lý đám đông.
Theo bác sĩ Chung, khi điều trị cho các bạn trẻ có vấn đề rối loạn tâm thần, bác sĩ thường nâng cao tư duy phản biện. Ở giai đoạn điều trị tấn công, bác sĩ sẽ đồng hành cùng bệnh nhân. Tuy nhiên, khi bước sang giai đoạn duy trì, bệnh nhân cần có người thân (bố, mẹ, anh, chị, em) đồng hành để giúp cho các bạn trẻ thoát ra khỏi những rắc rối của bản thân.
Theo ĐSPL
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/thay-gia-inh-co-nhieu-nguoi-mac-ung-thu-nam-sinh-lam-ngay-1-ieu-sau-2-nam-phai-nam-cang-i-cap-cuu-a427606.html