Chiều ngày 1/6/2009, chuyến bay 447 hãng Air France từ Rio de Janeiro (Brazil) đến Paris (Pháp) đã mất tích cùng với 216 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn. Được biết, chiếc Airbus A330-200 đã mất tín hiệu giữa Đại Tây Dương và vượt ra ngoài vùng phủ sóng của radar.
Điều đáng nói, cơ trưởng Marc Dubois (58 tuổi) là người giàu kinh nghiệm và mẫu máy bay được sử dụng cũng là loại tối tân nhất ở thời điểm đó, chưa từng liên quan đến bất kì tai nạn nghiêm trọng nào.
Vụ mất tích của chiếc Airbus A330-200 vào năm 2009 đã gây chấn động dư luận toàn thế giới, đặc biệt là khi hãng bay thừa nhận không biết chiếc máy bay ở vị trí nào. Sau vụ việc, hãng bay Air France cũng như chính phủ Pháp đã đưa ra giả thuyết máy bay rơi xuống biển khiến toàn bộ hành khách cũng như phi hành đoàn thiệt mạng.
Đến ngày 6/6, 2 thi thể đầu tiên đã được tìm thấy và cuộc tìm kiếm sau đó đã kéo dài suốt 2 năm với sự tham gia của nhiều tổ chức. Vào tháng 5/2011, hai hộp đen của máy bay đã được tìm thấy ở độ sâu gần 4.000m dưới đáy biển.
3 năm sau vụ mất tích, một báo cáo điều tra được công bố khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng. Cơ trưởng đã nhường quyền điều khiển cho cơ phó kém kinh nghiệm hơn để đi ngủ. Theo đoạn ghi âm được tiết lộ, cơ trưởng Marc Dubois nói mình chỉ ngủ 1 tiếng vào đêm hôm trước sau cuộc vui cùng bạn gái là một nữ tiếp viên kiêm ca sĩ opera ở Brazil.
Điều tra viên trưởng Alain Bouillard cho biết: “Nếu cơ trưởng giữ nguyên vị trí khi máy bay gặp dải hội tụ nhiệt đới (ITCZ), giấc ngủ của anh ta sẽ chỉ bị trì hoãn trong 15 phút. Và với kinh nghiệm dày dạn, có thể câu chuyện đã kết thúc theo một cách khác.
Nhưng tôi không nghĩ rằng anh ta rời khỏi vị trí là do thực sự mệt mỏi. Việc cơ trưởng rời khỏi vị trí không trái với quy định. Tuy nhiên, nếu là một người có trách nhiệm, chắc chắn anh ta sẽ không đi ngủ khi chuyến bay đang đối mặt với tình huống thời tiết xấu.”
Máy bay bị mất lực nâng – hay còn gọi là chết máy, nhưng thay vì hạ mũi máy bay theo quy định thông thường thì cơ phó lại điều khiển nâng mũi máy bay lên. Cuối cùng, khi Dubois bước vào buồng lái ở thời điểm sau khi ống pitot bị tắc nghẽn và gặp trục trặc, anh ta đã thực sự hoảng loạn. Sau 4 giờ 15 phút bay, một người trong khoang lái đã thốt lên: “Chúng ta chết chắc rồi” và chiếc máy bay lao xuống Đại Tây Dương.
Hàng loạt sự cố kéo dài hơn 10 phút khiến máy bay lao xuống biển, trở thành thảm kịch rúng động toàn cầu. Đêm hôm ấy, chắc chắn các phi công trên chuyến bay 447 hãng Air France đã không làm tròn trách nhiệm của mình.
Về sau, hãng bay Air France và nhà sản xuất Airbus vẫn tranh cãi về nguyên nhân chính yếu của thảm kịch: là do phi công hay lỗi thiết bị? Phía hãng bay phủ nhận việc phi công của họ không đủ năng lực. Nhưng sau đó, hãng đã cải thiện việc tập huấn, tập trung vào cách lái máy bay khi gặp tình trạng chết máy.
Một số nạn nhân trong sự cố máy bay
Cả Air France và Airbus sau đó đều phải đối mặt với cáo buộc ngộ sát và một cuộc điều tra tư pháp do các thẩm phán ở Paris tiến hành. Lòng tin dành cho mẫu máy bay tối tân không còn nguyên vẹn, nỗi thất vọng tràn trề về “văn hóa phục vụ” của Air France cũng vụn vỡ theo nhiều nạn nhân vẫn mãi nằm lại đáy biển sâu…
Nguồn: Daily Mall
Theo PNS
https://phunuso.baophunuthudo.vn/tham-hoa-hang-khong-gay-rung-dong-phap-chiec-may-bay-bien-mat-giua-dai-tay-duong-doan-ghi-am-tim-duoc-gay-phan-no-193240421121204423.htm