Tiến sĩ Matthew Jones – nhà Tâm lý học lâm sàng, người đã bắt đầu tập trung vào việc nghiên cứu nhóm người đồng sáng lập, chủ doanh nghiệp, chủ start-up,… trong 5 năm qua. Ông chia sẻ với Business Insider rằng khách hàng của ông thường phải dùng liệu pháp trị liệu vì “sự phức tạp về tâm lý khi phải trải qua một tình huống căng thẳng, áp lực cao.
Hầu hết khách hàng của Jones đều làm việc trong lĩnh vực công nghệ và thường phải đối mặt với môi trường làm việc có nhịp độ nhanh và sự không bền vững.
Tiến sĩ Jones đã chia sẻ 4 sai lầm lớn nhất trong giao tiếp mà anh từng thấy các lãnh đạo doanh nghiệp và đồng sáng lập mắc phải, từ cách họ giải quyết xung đột đến việc phớt lờ nó cho đến khi quá muộn.
1. Họ chỉ hiểu ngôn ngữ kinh doanh
Tiến sĩ Matthew Jones cho biết có 3 loại ngôn ngữ mà tất cả các nhóm người làm trong lĩnh vực kinh doanh đều sử dụng: vận hành, tâm lý và nguyên mẫu.
Ông nói, ngôn ngữ vận hành là ngôn ngữ mà “hầu hết các nhóm đều làm tương đối tốt”, vì nó gắn chặt với các nhiệm vụ công việ . Ngược lại, ông cho rằng ngôn ngữ tâm lý thì chậm hơn.
Vị Tiến sĩ nói: “Nó có chủ ý hơn, sử dụng nhiều tài nguyên hơn. Nó đòi hỏi một cách tiếp cận khác để lắng nghe”. Cuối cùng, ông cho biết ngôn ngữ nguyên mẫu thiên về cảm xúc tổng thể của bạn khi ở bên người người.
Jones cho biết, những thông tin sai lệch xung quanh các ngôn ngữ này gây ra hầu hết các vấn đề mà khách hàng của ông gặp phải vì chúng ảnh hưởng đến cách các nhà lãnh đạo giải quyết xung đột và đưa ra phản hồi. Có thể nói cả 3 ngôn ngữ đều là kỹ năng mềm quan trọng và là dấu hiệu của trí tuệ cảm xúc.
2. Họ đưa ra các giả định có phần tiêu cực
Vị Tiến sĩ người Mỹ giải thích: “Mỗi chúng ta có ý định chủ quan của riêng mình, có thế giới nội tâm riêng. Điều này ảnh hưởng nhiều đều việc đánh giá lời nói, hành động của người khác”.
Trong môi trường kinh doanh, Tiến sĩ Matthew Jones cho biết, phần cảm xúc này thường xuất hiện trong các tuyên bố, chẳng hạn như “Bạn không quan tâm đến dự án này” hoặc “Bạn chưa hoàn toàn cam kết”. Nhà Tâm lý học cho biết, một số người biến chúng thành những lời buộc tội như: “Tôi cảm thấy như bạn đang thiếu tôn trọng” hoặc “Tôi cảm thấy trái tim bạn không thực sự quan tâm đến điều này”.
Jones nói thêm rằng việc hình dung trong đầu chúng ta về động cơ và giá trị của người khác là điều tự nhiên, chỉ là chúng “cần được cập nhật” để các mối quan hệ phát triển.
3. Họ muốn thỏa thuận chứ không muốn thỏa hiệp
Tiến sĩ Matthew Jones cho rằng thông thường, những người đồng sáng lập bắt đầu yêu thích sự khác biệt của họ. Họ coi một người lấp đầy những khoảng trống cho người kia, coi động lực độc đáo của họ như một sức mạnh.
Không thể tránh khỏi, những khác biệt này sẽ bị áp lực đè nặng. Ông nói thêm, thay vì tìm cách gặp nhau ở giữa, một số người sẽ coi mối quan hệ này là không phù hợp.
Ông cho rằng đây là suy nghĩ sai lầm vì 2 lý do: Về cơ bản, các công ty thành công cần có những cá tính đa dạng để đảm bảo bao quát được nhiều bộ kỹ năng và quan điểm. Thứ hai, “Không có cái gì gọi là sự kết hợp hoàn hảo cả”, ông nói. “Có những khác biệt cần được tôn trọng và kiểm soát theo thời gian”.
Nếu một người sáng lập thận trọng hơn trong khi người kia muốn tiến nhanh và phá vỡ mọi thứ, Jones sẽ cố gắng làm việc với họ để tìm ra kết quả tối ưu cho công ty, thường liên quan đến việc tìm ra điểm chung.
4. Họ bỏ qua những khác biệt lớn về giá trị
Đôi khi, vấn đề bắt nguồn từ những khác biệt không thể dung hòa. Trong một cặp khách hàng của Tiến sĩ Matthew Jones, một người kiên quyết coi sự đa dạng, công bằng và hòa nhập là trọng tâm trong các hoạt động tuyển dụng, trong khi người còn lại cảm thấy điều quan trọng hơn phải là tốc độ trong quá trình tuyển dụng.
Bằng cách lên lịch các buổi gặp với Jones, họ nhận ra rằng tầm nhìn của họ không tương đồng và chấm dứt hợp tác với nhau để không xảy ra mâu thuẫn sau này.
Nguồn: BI
Theo Đời sống Pháp luật