Bác sĩ giải phẫu thần kinh Sanjay Gupta (Mỹ) đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về quá trình chống lão hoá và sản xuất phim tài liệu về những người sống thọ nhất thế giới. Theo Sanjay Gupta, có nhiều thói quen đơn giản giúp người sau 50 tuổi khoẻ mạnh và sống lâu đến 100 tuổi như thường xuyên ăn ngũ cốc nguyên hạt, ăn ít muối và đường, thường xuyên kiểm tra sức khoẻ,…
Bên cạnh đó, có 2 thói quen bác sĩ Sanjay Gupta khuyên người trung niên nên bắt đầu ngay bởi chúng sẽ tác động tích cực đến sức khoẻ về lâu dài:
Chăm sóc sức khoẻ xương khớp
“Khi còn trẻ, bạn chưa phải lo lắng quá nhiều về xương khớp nhưng sau 50 tuổi, mọi người bắt đầu có nguy cơ cao mắc bệnh loãng xương”, bác sĩ Sanjay Gupta nói.
Sức khoẻ xương ảnh hưởng đến tuổi thọ, càng nhiều tuổi thì khối lượng và mật độ xương càng dễ mất đi, tăng nguy cơ loãng xương, gãy xương. Các nghiên cứu cho thấy những người có xương khỏe mạnh có tuổi thọ cao hơn so với những người có xương yếu.
Vị bác sĩ này khuyên nên bắt đầu chăm sóc sức khoẻ xương bằng cách đảm bảo chế độ ăn uống giàu vitamin D và canxi bao gồm cá, trứng, sữa chua, sữa, nước cam, đậu phụ, hạnh nhân,…
Canxi đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và duy trì xương, răng đồng thời đảm bảo hiệu quả trong hoạt động của tim, dây thần kinh, cơ bắp. Trong khi đó vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi, giảm nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính và bệnh liên quan đến thần kinh.
Phụ nữ sau 50 tuổi cần 1.200 mg canxi trong khi nam giới cần 1.000 mg. Lưu ý, người trung niên nên hạn chế tiêu tụ thực phẩm mặn, protein từ thịt đỏ và caffeine vì chúng làm giảm khả năng hấp thụ canxi của cơ thể.
Bên cạnh chế độ ăn, người sau 50 tuổi nên tập thể dục, lựa chọn các bài tập phù hợp với thể lực để tăng cường sức khoẻ xương khớp cũng như tăng phản xạ, giữ thăng bằng hiệu quả hơn, tránh nguy cơ té ngã.
Duy trì nhiều mối quan hệ xã hội tích cực
Sức khoẻ tinh thần cũng rất quan trọng bởi sở hữu nhiều mối quan hệ tích cực sẽ giúp con người sống lâu hơn. Điều này đã được chứng minh qua nghiên cứu kéo dài 85 năm của ĐH Harvard.
Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Robert Waldinger cho rằng sự kết nối chặt chẽ giữa con người dẫn đến tăng cảm giác hạnh phúc, hạn chế căng thẳng và các cơn đau nhức do tuổi tác, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh tim, trầm cảm, tăng cường hệ thống miễn dịch. Trong khi đó người có mối quan hệ không hạnh phúc hoặc cô đơn khó kiểm soát tâm trạng của mình, gặp tình trạng đau cơ thường xuyên.
Theo một nghiên cứu tháng 11/2023 của các nhà nghiên cứu tại Đại học Glasgow (Anh), có một số bằng chứng cho thấy việc thường xuyên ở bên gia đình và bạn bè có thể giúp bạn sống lâu hơn.
Tiến sĩ Sofiya Milman, phó giáo sư y khoa và di truyền học tại Viện Nghiên cứu Lão hóa tại Đại học Y khoa Albert Einstein (Mỹ) cho biết rất nhiều người sống trên 100 tuổi nói về tầm quan trọng của các mối quan hệ, gia đình, cộng đồng và bạn bè với tuổi thọ của họ.
Bác sĩ Sanjay Gupta cho rằng việc kết bạn ở độ tuổi trung niên sẽ không dễ dàng như khi bạn còn trẻ. Vậy nên người sau 50 tuổi có thể tìm kiếm CLB theo sở thích để tạo kết nối theo cách đó đồng thời duy trì các mối quan hệ cũ. “Đôi khi chỉ một người bạn là đủ nhưng việc tương tác với nhiều người hàng ngày sẽ có ích cả về thể chất, tinh thần và giúp bạn sống đến 100 tuổi”, vị bác sĩ này nói.
Theo ĐSPL
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/sau-50-tuoi-bac-si-my-khuyen-nen-lam-2-viec-e-keo-dai-tuoi-tho-khoe-manh-toi-gia-khong-lo-benh-tat-a428245.html