Nằm ngay góc đường Nguyễn Trãi và Châu Văn Liêm ở Quận 5, TP.HCM, quán lẩu cù lao Dân Ích luôn là một điểm tấp nập người ra vào. Vào những khung giờ cao điểm, quán lẩu gần như luôn kín bàn cả 3 tầng. Buổi tối, quán Dân Ích bán đến vài trăm nồi lẩu là chuyện bình thường.
Nồi lẩu cù lao giá nửa triệu với hơn chục topping đầy ắp
Khách đến với Dân Ích gần như ai cũng gọi lẩu bởi đây mà món ăn nổi tiếng nhất của quán. Lẩu tại đây có 3 cỡ tương đương với 3 mức giá 360.000 – 440.000 – 540.000VNĐ. Đi theo nhóm 4 người nên chúng tôi quyết định chọn nồi lẩu size to nhất. Nồi lẩu mang ra có kích thước lớn với các topping được xếp đầy đặn bên trong nồi lẩu. Các nguyên liệu bên trong gồm có: đầu cá, tôm, mực, cá viên, chả cá, bánh xếp, nấm rơm, da heo, tim heo, gan heo, bao tử. Sự tinh tế của quán nằm ở chỗ các nguyên liệu nào lâu chín sẽ được xếp ở phía dưới nồi, còn nguyên liệu nào nhanh chính sẽ được đặt lên trên.
Ấn tượng nhất trong nồi lẩu này phải kể đến tôm và mực, tôm ở đây là tôm lớn, ăn có độ giòn, mực được ngâm với tro nên có màu trong suốt lạ mắt, khi ăn thấy sần sật. Phần chả cá chắc thịt, tươi ngon và không hề bị độn bột. Các nguyên liệu khác như tim heo, bao tử… cũng được xử lý tốt nên không bị hôi.
Các nguyên liệu bên trong nồi lẩu được sắp xếp tinh tế, cái nào lâu chín thì xếp dưới, cái nào nhanh chín thì để phía trên.
Những con tôm trong nồi lầu có kích thước khá to.
Ngoài ra, ăn kèm với lẩu thì còn có bún gạo, mì tươi kiểu Phúc Kiến, rau tần ô (rau cải cúc), bánh quẩy. Để chấm các topping trong lẩu thì có nước tương, dấm, sa tế. Nước dùng của nồi lẩu được ninh từ xương heo có vị khá thanh chứ không phải kiểu đậm đà, bên trong còn có cải chua, cải thảo. Khi đã ăn một lượt topping thì bạn có thể cho mì hay bánh quẩy vào nồi lẩu để thưởng thức.
Các nguyên liệu bên trong nồi lẩu khá chất lượng.
Chiếc nồi cù lao với ống đốt than ở giữa khiến nhiều người thích thú
Điểm nhấn tại Dân Ích có lẽ chính là kiểu nồi “cù lao” làm bằng nhôm và có ống đốt than ngay ở chính giữa. Người ta sẽ cho than vào phần “ống khói” ở giữa nồi rồi thổi gió từ dưới lên để than cháy đỏ và nồi lẩu lúc nào cũng nóng hôi hổi.
Những nồi lẩu sau khi được bếp chuẩn bị xong sẽ được đem ra khu vực đốt than phía ngoài tiệm. Các viên than được cho vào phần giữa nồi và quạt gió thổi từ dưới thổi lên, sau đó những tia lửa sẽ bắn ra, tạo nên một khung cảnh rất thú vị.
“Lẩu” là từ có nguồn gốc Hán Việt nghĩa là “bếp lò”, còn gọi là cù lao. Bởi lẽ, hình dạng ban đầu của nồi lẩu ngày xưa là một dụng cụ nấu có cả “lò” và “nồi” đặt chung nhau.
Cụ thể, lửa được đốt ở dưới và thoát sức nóng lên qua một ống hình tròn. Nồi nấu có nước bao quanh ống đó nên còn được gọi là cù lao. Nhiều người cho rằng ống nhôm ở giữa nồi lẩu trông giống như mảnh đất cù lao nổi lên giữa sông nước.
Khung cảnh lửa bùng cháy thú vị ở nồi lẩu.
Kiểu lẩu này thú vị ở chỗ là than nóng rất lâu nên người ăn cũng chẳng cần phải gọi nhân viên nhiều như dùng lẩu bếp cồn hay bếp ga, hay cũng chẳng cần tìm chỗ cắm điện như nồi lẩu sử dụng bếp từ. Cứ thế, mọi người cùng nhau nhâm nhi nồi lẩu cả buổi mà nước dùng vẫn luôn nóng hổi.
Những người đến ăn cùng ngồi trên bàn quanh nồi lẩu, gắp chung thức ăn bên trong, ở giữa là lửa đỏ hồng. Vì thế, nhiều người cho rằng lẩu là món ăn sum vầy và quây quần mọi người với nhau, là một món ăn được các gia đình yêu thích là thế.
Kiểu nồi cù lao giúp cho lẩu luôn nóng hổi.
Quán ăn là “chân ái” của nhiều thế hệ gia đình
Lướt qua những thực khách ghé tiệm Dân Ích dễ thấy là có rất nhiều hộ gia đình. Quán Dân Ích có tuổi đời ước chừng gần 50 năm, vì thế mà khách đến đây có những người ăn từ khi còn bé, đến giờ đã lập gia đình và có con.
Ban đầu, cửa tiệm chỉ là một quán ăn gia đình người Hoa. Dần dần, nhờ chất lượng món ăn mà khách hàng biết đến quán nhiều hơn. Từ đó, cửa tiệm được mở rộng cả 3 tầng để có thể đón lượng khách lớn đến ăn mỗi ngày.
Những người dân sống tại khu Chợ Lớn không ai là không biết đến lẩu Dân Ích. Buổi tối khoảng 19 – 20h là khoảng thời gian tiệm đông khách hơn cả, cả 3 tầng của quán gần như lúc nào cũng kín bàn, khách ngồi ăn uống nói chuyện rôm rả.
“Hồi còn nhỏ mình được bố mẹ dắt đi ăn ở đây, giờ mình đã lập gia đình và có con thì mình lại đưa bố mẹ, chồng con qua đây ăn. Không gian ở đây tạo cảm giác rất thân thuộc với mình, mọi thứ sau nhiều năm cũng không thay đổi nhiều. Lần nào đến đây ăn nhà mình cũng gọi một nồi lẩu lớn và thêm vài món ăn kèm. Nước lẩu ở đây theo không cay nên trẻ con cũng có thể ăn được” – Chị Thanh Thảo, khách quen tại quán Dân Ích chia sẻ.
Bánh quẩy là một món ăn kèm với lẩu rất hợp.
Ăn chung với lẩu còn có mì tươi, rau tần ô.
Đến đây, ngoài lẩu thì khách hàng cũng có thể gọi các món ăn khác cũng rất hấp dẫn như cua hấp vị hương, tôm rang muối, nấm đông cô nhồi tôm, chân vịt xào cải chua, mực tươi xào đậu… và ăn kèm với cơm chiên Dương Châu hay cơm chiên cá mặn. Giá các món ăn ở đây khoảng từ 90.000VNĐ trở lên. Một số món như cá hay cua thì sẽ được tính theo thời giá.
Quán lẩu Dân Ích luôn đông khách và kín bàn vào buổi tối.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng lẩu và các món ăn ở Dân Ích có giá khá cao, chất lượng thì không còn được như trước. Mặc dù vậy, quán lẩu này vẫn luôn thu hút mọi người đến ăn, đặc biệt là dịp cuối tuần.
Vào những ngày Sài Gòn bước vào mùa mưa, buổi tối dịu mát, sẽ còn gì hợp hơn là đi ăn một nổi lẩu xì xụp cùng những thành viên trong gia đình hay bạn bè thân thiết. Nếu có dịp, bạn thử ghé Dân Ích và tự có những đánh giá của riêng mình về món lẩu tại đây xem sao.
Theo toquoc.vn
http://toquoc.vn/quan-lau-cu-lao-nguoi-hoa-duoc-nhieu-the-he-gia-dinh-yeu-thich-o-khu-cho-lon-chua-bao-gio-vang-khach-ngay-ban-vai-tram-noi-la-binh-thuong-20240528225025035.htm