Hiện nay, xu hướng tìm về những điểm đến du lịch nghỉ dưỡng đậm chất sinh thái càng ngày càng được nhiều du khách quan tâm. Nắm được tâm lý này, nhiều địa phương sở hữu đặc điểm tự nhiên đa dạng, phù hợp đã kết hợp cùng người dân bản địa, nhân rộng mô hình dịch vụ nhằm phục vụ nhu cầu của du khách.
Trong đó, có thể kể tới như các địa phương khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, đã và đang phát huy rất tốt thế mạnh sở hữu hệ thống rừng ngập mặn của mình. Tuy nhiên, giờ đây, không cần về miền Tây xa xôi, du khách cũng có thể hoà mình vào một không gian tương tự, tại một thành phố vốn nổi tiếng về du lịch biển – Quy Nhơn.
Địa điểm đang được nhắc tới là Cồn Chim – ốc đảo xanh trên đầm Thị Nại, thuộc địa phận thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, Phước Hoà, Phước Thuận, huyện Tuy Phước, Quy Nhơn. Cồn Chim sở hữu gần 60ha rừng ngập mặn, phủ một màu xanh bạt ngàn trên sóng nước mênh mông. Từ đó, nó còn được mệnh danh là một “miền Tây thu nhỏ”.
Làm thế nào để tới Cồn Chim?
Từ trung tâm thành phố Quy Nhơn, du khách cần di chuyển quãng đường khoảng 18km sẽ tới được Cồn Chim. Nằm giữa đầm Thị Nại, nơi đây cũng được thừa hưởng hệ sinh thái động và thực vật vô cùng đa dạng.
Nói qua về đầm Thị Nại, đây là một đầm nước mặn có diện tích rộng lớn, lên tới 5000ha, cũng chính là đầm nước mặn lớn nhất tỉnh Bình Định. Sau khi đến đầm Thị Nại, du khách sẽ đến Cồn Chim bằng đường thuỷ, ví dụ như bằng cano, thuyền máy, xuất phát từ Bến Hàm Tử hoặc đi đò, xuất phát từ bến đò.
Theo chia sẻ từ nhiều du khách đã có trải nghiệm tới Cồn Chim, con đường dưới nước dẫn ra “ốc đảo xanh” này rất đẹp. Từ trên cano, thuyền hay đò, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh Cảng biển Quy Nhơn từ xa, chụp ảnh dưới chân cây cầu Thị Nại hay đi qua khu du lịch Cửa Biển.
Tuy nhiên, mỗi phương tiện để tới Cồn Chim lại có những đặc điểm riêng, bởi vậy du khách cần nắm được để lựa chọn sao cho phù hợp với sở thích và điều kiện cá nhân. Ví dụ di chuyển bằng đò sẽ mất nhiều thời gian hơn, với thuyền máy và ca nô sẽ nhanh hơn nhưng chi phí đương nhiên sẽ cao hơn. Hiện nay còn có dịch vụ thuê ca nô riêng dành cho những nhóm du khách muốn tận hưởng sự riêng tư.
Có gì ở “miền Tây thu nhỏ” Cồn Chim?
Khu du lịch sinh thái Cồn Chim gồm 3 cồn nhỏ: Cồn Trạng, Cồn Chim và Cồn Giá. Gọi là Cồn Chim vì đây là nơi trú ngụ của rất nhiều loài chim khác nhau đến đây trú ngụ, sinh sản và tránh rét. Đây cũng được xem như “lá phổi xanh” của Bình Định do giá trị quan trọng đối với khí hậu của vùng.
Nơi đây có hệ thực vật đa dạng với nhiều loài cây như đưng, đước, sú vẹt… tạo nên môi trường sống đa dạng cho các loài thuỷ sản, thu hút nhiều loài cò, le le, sếu.. từ khắp nơi về cư ngụ. Hệ động vật cũng rất phong phú với khoảng 64 loài phù du, 76 loài cá và hàng trăm loài chim.
Những năm gần đây, nhiều đoàn du khách trong nước và quốc tế về đây du lịch trải nghiệm, thưởng ngoạn không gian thiên nhiên hoang sơ ở Cồn Chim. Đây là điểm du lịch rất lý tưởng cho hội mê “phượt”, thích khám phá, trải nghiệm các vùng du lịch còn hoang sơ.
Du khách cũng sẽ được tham quan, khám phá cảnh sắc thiên nhiên xanh mát cùng hệ thực vật phong phú tại đây. Du khách có thể đi ca nô hoặc chèo sup để khám phá không gian sinh thái hay đón hoàng hôn, chiêm ngưỡng nhiều loài chim bay về tổ trong rừng đước cổ thụ. Người dân ở Cồn Chim ý thức bảo vệ rừng ngập mặn, không bao giờ săn bắt các loài chim trời. Nhờ vậy, nhiều loài chim chọn rừng ngập mặn nơi đây làm nơi trú ngụ, sinh sống.
Ngoài ra, đến với Cồn Chim hay đầm Thị Nại nói chung, du khách sẽ có cơ hội được trải nghiệm và ngắm nhìn cuộc sống hằng ngày của người dân xóm chài. Làng nhỏ này chỉ có hơn 100 hộ dân sinh sống dựa vào nghề săn bắt và nuôi trồng thuỷ sản. Cuộc sống tuy đơn sơ nhưng bình dị, trong lành và đậm nghĩa tình dân biển.
Du khách được tham gia nhiều hoạt động tìm hiểu về thiên nhiên cũng như cuộc sống bản địa tại Cồn Chim (Ảnh ST)
Khách du lịch đa phần thường đến đây vào buổi chiều để khám phá không gian miền sông nước và chiêm ngưỡng cảnh sắc hoàng hôn với nhiều loài chim bay về kiếm ăn, trú ngụ và ngủ qua đêm trên rừng. Du khách cũng có thể cùng như dân giăng lưới đánh cá, soi cua đêm dưới tán rừng. Đặc biệt, sau khi khám phá rừng ngập mặn, du khách có thể thưởng thức món cá, tôm, cua nướng do ngư dân đánh bắt, tuy dân dã nhưng ngọt bùi và đậm vị miền quê.
Khi hoàng hôn buông, ngắm nhìn hàng ngàn cánh chim bay về tổ sẽ là khung cảnh đẹp như mơ khiến du khách không thể nào quên khi đến với địa danh nổi tiếng này.
Nếu muốn khám phá nhiều hơn, du khách có thể tham quan cả khu đầm Thị Nại theo hướng dẫn của dân chài và một số điểm du lịch nổi tiếng xung quanh như tháp Thầy Bói, cầu Thị Nại hay bán đảo Phương Mai.
Một số lưu ý khi du lịch Cồn Chim:
Đa phần tour đến Cồn Chim sẽ diễn ra trong ngày, không bao gồm lưu trú qua đêm. Nếu du khách muốn ở qua đêm cần liên hệ trước với người dân địa phương hoặc công ty dịch vụ để đảm bảo nơi lưu trú.
Khi tham gia những trò chơi như chèo thuyền kayak hay lướt ván, du khách phải trang bị đầy đủ phụ kiện bảo hộ theo hướng dẫn để tránh tai nạn.
Du khách cần giữ gìn sạch sẽ cảnh quan xung quanh, không vứt rác lung tung và tuân theo các quy tắc bảo vệ môi trường của địa phương.
Tôn trọng văn hóa và phong tục của người dân nơi đây, không gây ồn ào, mất trật tự và không vi phạm các quy định của cộng đồng địa phương.
Trước khi lên đường, nên tìm hiểu kỹ thông tin về đầm Thị Nại và Cồn Chim để có thể lập kế hoạch và chuẩn bị tốt cho chuyến đi của mình.
Theo ĐSPL
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/phat-hien-iem-du-lich-song-nuoc-oc-la-tai-thanh-pho-bien-du-khach-ca-ngoi-nhu-mot-mien-tay-thu-nho-a424354.html