Để nuôi dạy một đứa trẻ nên người, cần có sự kết hợp của cả gia đình và nhà trường. Tuy nhiên không phải lúc nào phía phụ huynh và giáo viên cũng có sự hợp tác vui vẻ. Một vụ việc xảy ra ở Trung Quốc từng được truyền thông nước này đăng tải đã khiến nhiều bậc phụ huynh phải suy nghĩ, còn các giáo viên cảm thấy chạnh lòng cho công việc “lái đò” của mình.
Theo đó, một giáo viên dạy môn Tiếng Trung tiểu học đã yêu cầu học sinh đọc thuộc lòng một đoạn văn trong sách giáo khoa và viết lại trong bài kiểm tra vào ngày hôm sau. Tuy nhiên khi cả lớp tập trung làm bài một cách nghiêm túc thì cô giáo này phát hiện có một em học sinh đã lén mở sách trong ngăn bàn và gian lận.
Tất nhiên, cô giáo không thể bỏ qua hành vi gian lận này nên đã bước xuống lớp và tịch thu quyển sách giáo khoa của em này. Sau giờ học, cô giáo gọi em lên gặp và phê bình, đồng thời nhắc em học sinh phải tuân thủ kỷ luật, cố gắng học tập chăm chỉ để vượt qua các bài kiểm tra, thay vì gian lận.
Cứ ngỡ đây chỉ là việc giáo dục học sinh bình thường nhưng không ngờ vào buổi tối muộn, cô giáo bất ngờ nhận được tin nhắn chỉ trích của phụ huynh. Được biết, đứa trẻ khi về nhà đã kể lại mọi chuyện với mẹ và nói rằng: “Xấu hổ quá! Khi cô giáo thu sách của con, cả lớp nhìn thấy, con mất hết mặt mũi”.
Chính vì vậy, người mẹ đã nhắn cho giáo viên như sau: “Con khóc rất buồn khi về nhà. Là cha mẹ, tôi càng thấy buồn hơn. Con còn nhỏ như vậy, hành động lấy sách ra chép cũng không thực sự có ác ý. Nếu lần sau chuyện này còn xảy ra nữa, tôi mong cô có thể hiểu cho mong muốn chiến thắng và cảm giác danh dự nho nhỏ của một đứa trẻ, đừng can thiệp thô bạo như vậy”.
Có thể thấy, bà mẹ này không chỉ ủng hộ hành vi gian lận của con mình, nghi ngờ sự thiếu hiểu biết về giáo dục của giáo viên mà thậm chí còn cho rằng bản thân biết quý trọng việc học hành của con. Lời nói của người mẹ đầy tự phụ, thiên vị và bất lịch sự.
Sau khi nhận được tin nhắn, cô giáo hoàn toàn mất hứng thú làm giáo viên và đã xin nghỉ học vào ngày hôm sau. Các đồng nghiệp đều khuyên cô nên nghỉ phép vài ngày để nghỉ ngơi, thư giãn và không nên từ chức một cách bốc đồng như vậy.
Tuy nhiên cô giáo chỉ cảm ơn lòng tốt của các đồng nghiệp và cho biết, bản thân đã thức cả đêm và suy nghĩ rõ ràng. Khi rời đi, cô để lại lời nhắn: “Dù sau này có làm gì đi chăng nữa, tôi cũng sẽ không bao giờ làm giáo viên nữa”.
Nhiều bậc phụ huynh than thở rằng giáo viên ngày nay không còn trách nhiệm nữa. Thực tế, hiện tượng nào cũng có nguyên nhân. Không phải giáo viên không chịu trách nhiệm với học trò như xưa mà là có rất nhiều điều khiến họ thực sự e ngại và không thể chịu trách nhiệm.
Chẳng hạn, cô giáo trong vụ việc trên hoàn toàn có thể mặc kệ, để học trò gian lận nhưng vì tinh thần trách nhiệm, cô vẫn chỉ ra lỗi lầm của trẻ và giúp trẻ sửa chữa. Tuy nhiên, kết quả là cô lại bị giáo viên chỉ trích, nghi ngờ chuyên môn, hạ thấp danh dự nghề giáo.
Giáo viên nào sẵn sàng chăm sóc một học sinh có phụ huynh như vậy? Dù giáo viên nhiệt huyết đến mấy thì cũng bị sự phũ phàng của phụ huynh làm cho hao mòn mà thôi!
Và những đứa trẻ có phụ huynh như vậy, tương lai sẽ ra sao? E rằng, cũng khó mà thành công…
Theo PNS
https://phunuso.baophunuthudo.vn/nua-dem-nhan-tin-nhan-cua-phu-huynh-co-giao-doc-xong-lap-tuc-xin-nghi-day-sau-nay-toi-khong-lam-giao-vien-nua-193240605192225673.htm