Tài chính là vấn đề nền tảng để duy trì mối quan hệ hẹn hò, yêu đương giữa các cặp đôi, đặc biệt là sau khi kết hôn. Tuy nhiên đây cũng là một vấn đề nhạy cảm, cần sự chia sẻ khéo léo, tinh tế từ cả 2 người. Không ít cặp đôi tan vỡ do chưa vững kinh tế đã kết hôn, lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau hoặc vợ chồng mâu thuẫn, lạnh nhạt cũng do thiếu chi phí sinh hoạt.
Mới đây, trên nhóm “Vén khéo”, một nữ nhân viên văn phòng ẩn danh đã chia sẻ câu chuyện của mình. Cô cho biết bản thân 32 tuổi, thu nhập mỗi tháng khoảng 35 triệu đồng. Nhà cô ở thành phố của một tỉnh, bố mẹ làm cán bộ nhà nước về hưu, có lương hưu. Cô còn được bố mẹ sang tên cho một căn chung cư ở TP. Hà Nội.
Còn người yêu của cô là shipper (người giao hàng), cô không rõ thu nhập bao nhiêu vì anh không bao giờ nói. Ngoài ra, anh có khoản tiết kiệm 150 triệu đồng, 50 – 70 triệu đồng cho họ hàng vay nhưng chưa đòi lại được. Nhà người yêu của cô ở vùng ven đô ở một tỉnh gần Hà Nội, bố mất sớm, mẹ làm nông nghiệp. Mẹ anh cũng sang tên cho anh một mảnh đất ở quê. Nhà người yêu của cô có 2 anh em trai.
Mặt trái của việc ở chung khi chưa nên vợ nên chồng
Nữ nhân viên tiếp tục chia sẻ câu chuyện của mình, cô và người yêu gắn bó với nhau được 2 năm, thông qua một người bạn giới thiệu. Lúc đầu, anh người yêu cho biết bản thân kinh doanh tự do, nhưng sau này khi quen được 3 – 4 tháng, cô mới biết anh làm shipper. Sau đó, 2 người dọn về sống chung ở căn hộ của cô khoảng 1 năm trở lại đây.
Cô nàng cho biết người yêu rất yêu thương, chăm sóc cô chu đáo. Anh chịu khó làm việc nhà, không nề hà việc gì. Tuy nhiên ở anh cũng tồn tại những nhược điểm khó nói.
Cô tiếp tục trải lòng: “Do hoàn cảnh gia đình khác nhau nên cách tiêu tiền, sinh hoạt của chúng tôi cũng khác nhau. Từ ngày về sống chung, tôi đề nghị chia tiền sinh hoạt phí, anh có đưa cho tôi 3 lần, mỗi lần 2,5 triệu đồng, có lần 3 triệu đồng. Sau đó anh không nói thêm gì, vì ngại nên tôi cũng không nhắc, chỉ để chừa cho anh chi những khoản như mua đồ ăn, các thứ hàng ngày.
Dạo gần đây, tôi ghi lại chi tiêu hàng ngày và thống kê thì thấy phần sinh hoạt chungcủa cả 2 khoảng 10 triệu đồng mà từ lâu anh không tiền đưa cho tôi. Phần anh chi cho tôi cũng ghi lại và thống kê khoảng 2-3 triệu đồng, phần còn lại tôi bù. Tôi không muốn tính toán nhưng thấy nản quá. Mấy lần tôi thử hỏi vay tiền anh xem anh có dôi dư đồng nào không thì anh đều trả lời không có.
Tôi đang mông lung vì muốn lập gia đình nhưng công việc, thu nhập của anh như thế này khiến tôi không dám nghĩ xa hơn. Nếu muốn lấy nhau, chúng tôi cần cam kết gì tư bây giờ ạ, nhờ mọi người tư vấn!”.
Nghe xong câu chuyện, đa số mọi người cho rằng cô gái đang thiếu tỉnh táo, vì yêu nên mất lí trí. Vì thu nhập của cô ở mức cao so với mặt bằng chung, gia cảnh tốt, kinh tế tốt, học vấn ổn thì cần tìm người tương xứng để đảm bảo cuộc sống thuận hòa sau này. Hơn nữa, bạn trai cô là người mập mờ tài chính, không rõ ràng trong kinh tế, và có phần lợi dụng cô.
Phía dưới bình luận, cư dân mạng sôi nổi đưa ra lời khuyên:
– Rõ ràng là bạn đang bị lợi dụng. Bạn nam kia ở chung không mất tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền ăn. Mình chưa nhìn thấy điều gì ở bạn nam sự chân thành hay phấn đấu để có tương lai đi xa hơn.
– Vấn đề ở đây không phải là tiền, mà là khác tầng tư duy. Đây đúng kiểu đàn ông không biết điều, không hiểu chuyện.
– Mình nghĩ giờ bạn nên thử bịa ra 1 tình huống nào đó để thử lòng. Chẳng hạn như bố mẹ cần một khoản tiền gấp cần gì đó, 2 người cùng gom góp cho bố mẹ mượn. Hoặc là lương của bạn phải đưa cho bố mẹ mượn, giờ sinh hoạt phí dùng tiền của bạn trai,… Hãy xem thái độ của bạn trai để đưa ra cách giải quyết phù hợp, tránh đôi co, cãi vã kẻo thiệt thân.
Nguồn: Group Vén khéo
Theo Đời sống Pháp luật