Cách đây 4-5 năm, Thanh Hằng (sinh năm 1996) và Thành Minh (sinh năm 1997) mới chính thức tốt nghiệp Đại học và bước chân vào thị trường lao động. Dù ngành học và tính chất công việc khác nhau nhưng mức lương khởi điểm của họ đều ở mức 7-8 triệu/tháng.
Thanh Hằng làm việc trong lĩnh vực kế toán, còn Thành Minh làm việc trong lĩnh vực truyền thông – marketing. Tính đến nay, hai bạn trẻ này đã đi làm được ngót nghét nửa thập kỷ. Mức lương họ được nhận cũng không còn quanh quẩn ở con số nhỏ hơn 10 nữa mà đã lên tới 18-23 triệu.
“Lương dưới 10 triệu thì không nên đặt mục tiêu tiết kiệm”
Nhớ lại quãng thời gian khoảng 1-2 năm đầu mới đi làm, cả Thành Minh và Thanh Hằng đều thừa nhận bản thân chẳng tiết kiệm được đồng nào, thậm chí… vẫn phải xin bố mẹ tiền hàng tháng. Điều đáng nói hơn cả là họ cũng không đặt mục tiêu tiết kiệm với mức lương 7-8 triệu đồng.
Thanh Hằng cho biết: “Công việc Kế toán của mình, lương khởi điểm 7-8 triệu đã được coi là khá rồi ấy. Muốn tăng được range lương, ngoài kinh nghiệm làm việc còn cần học thêm nhiều thứ nữa, khá tốn kém. 2 năm đầu đi làm, ngoài việc tích lũy kinh nghiệm thì mục tiêu của mình là thi được chứng chỉ CMA và Kế toán thuế.
Thực ra đây không phải là 2 chứng chỉ bắt buộc phải có, nhưng có thì sẽ tốt hơn khi đi xin việc hoặc đề xuất tăng lương nên mình mới đặt mục tiêu như vậy.
Hồi ấy, mình chỉ tự lo được tiền sinh hoạt phí của bản thân (thuê nhà, ăn uống, đi lại); chứ tiền đi học thêm chủ yếu vẫn là xin bố mẹ. Thế nên cũng chẳng đặt mục tiêu tiết kiệm làm gì, lương dư ra bao nhiêu cũng gom để đi học hết” .
Sau 2 năm đi làm, Thanh Hằng đã thành công lấy được chứng chỉ CMA và mới thi xong chứng chỉ Kế toán thuế cách đây hơn 1 năm. Hiện tại, thu nhập hàng háng của cô rơi vào khoảng 21-23 triệu đồng. Trong đó, 16 triệu đồng là lương fulltime vị trí Trợ lý Kế toán trưởng, còn lại là thu nhập từ 2 công việc tay trái cũng liên quan tới chuyên ngành Kế toán.
Ảnh minh họa
Dù làm việc trong lĩnh vực đỡ “khô khan” và cũng không quá quan trọng bằng cấp, chứng chỉ để thăng tiến, tăng lương nhưng Thành Minh cũng có cùng quan điểm với Thanh Hằng.
“Công việc chính của mình là viết lách. Không đi học thêm gì sau khi ra trường cũng chẳng sao, nhưng như vậy thì khó để đa dạng nguồn thu lắm. Thế nên khoảng 1 năm đầu đi làm, mình đã đi học 3 khóa thiết kế đồ họa từ cơ bản đến nâng cao. Đương nhiên là không thể giỏi bằng các bạn tốt nghiệp chuyên ngành này nhưng chí ít là mình có thể “cân” được cả việc viết lách lẫn thiết kế” – Thành Minh chia sẻ.
Hiện tại, thu nhập của Thành Minh rơi vào khoảng 17-18 triệu/tháng. Trong đó, 13 triệu là lương từ công việc full-time, còn lại là từ công việc “content full-stack” bên ngoài.
“Biết cách không hài lòng với bản thân”: Chìa khóa để nhân đôi, nhân ba thu nhập
Xuất phát điểm với mức lương không mấy dư dả, Thành Minh và Thanh Hằng đều cho rằng bí quyết giúp họ thành công nhân đôi, nhân ba thu nhập chính là biết cách không hài lòng với bản thân.
“Mình nghĩ đơn giản là bây giờ người ta cần thuê người làm nội dung cho họ, gọi là nhân sự outsource ấy, thì một người vừa có khả năng viết, vừa có khả năng làm hình ảnh ở mức cơ bản sẽ có ưu thế hơn một người chỉ có 1 trong 2 kỹ năng. Việc deal lương cũng dễ dàng hơn nếu mình làm full-stack được” – Thành Minh phân tích.
Lối tư duy này không chỉ giúp Thành Minh nhân đôi thu nhập mà còn giúp anh “trụ” được qua làn sóng sa thải nhân sự năm 2023, đồng thời duy trì được job ngoài trong suốt gần 3 năm.
Ảnh minh họa
Trong khi đó, Thanh Hằng lại cho rằng việc phải đi học thêm để “sưu tầm chứng chỉ” sau khi tốt nghiệp Đại học là đương nhiên.
“Nếu đã nghiêm túc muốn làm trong lĩnh vực Kế – Kiểm nói riêng hay tài chính nói chung thì bắt buộc phải đi học thêm. Mình chưa thấy ai thăng tiến được trong ngành này chỉ với 1 tấm bằng cử nhân cả. Mỗi ngành có 1 đặc thù riêng, nhưng mình nghĩ nếu cứ hài lòng với khả năng lẫn kỹ năng của bản thân, mà không cố gắng thì làm ngành nào cũng đều dễ bị đào thải cả” – Thanh Hằng chia sẻ.
Theo Nhịp sống thị trường
https://markettimes.vn/nhan-3-thu-nhap-nho-tu-duy-nguoc-noi-khong-voi-tiet-kiem-56348.html