“Nhận bằng tốt nghiệp tiến sĩ, tôi và vợ nhẹ nhõm, mãn nguyện sau chặng đường 5 năm”, TS.BS Phạm Thanh Tùng (SN 1991) nói.
Đầu tháng 4 năm nay, Thanh Tùng bảo vệ thành công luận án tiến sĩ “Ảnh hưởng của các yếu tố di truyền và lối sống lên nguy cơ polyp và ung thư đại trực tràng” tại khoa Dịch tễ, trường Y tế công cộng T.H. Chan, Đại học Harvard.
Bùi Phương Linh (SN 1992) bảo vệ luận án tiến sĩ “Thang điểm đánh giá chế độ ăn vừa tốt cho sức khoẻ vừa tốt cho Trái đất” tại khoa Dinh dưỡng, trường Y tế công cộng T.H. Chan, Đại học Harvard.
Mối lương duyên của Thanh Tùng và Phương Linh bắt đầu từ năm 2009 khi cả hai nhập học trường Đại học Y Hà Nội. Ba năm sau, cặp đôi tìm hiểu, xác lập mối quan hệ, cùng giúp đỡ nhau trong học tập.
Năm thứ 5 đại học, sau chuyến trao đổi sinh viên tại Thụy Điển, cả hai quyết định tiếp tục ra nước ngoài học nâng cao. Việc tiếp tục học tập tại môi trường ở các nước phát triển và trở lại hỗ trợ Việt Nam trong tương lai đã trở thành mục tiêu lớn nhất của họ.
Hai người có định hướng khác nhau, Tùng tập trung vào phòng chống ung thư, còn Linh quan tâm nhiều hơn đến dinh dưỡng và hoạt động thể lực.
Năm 2015, cặp đôi cùng tốt nghiệp bác sĩ đa khoa tại trường Đại học Y Hà Nội và nhận học bổng toàn phần từ tổ chức giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation – VEF) cùng Đại học Johns Hopkins.
“Chọn hướng nghiên cứu khác nhau nhưng thật may mắn nơi chúng tôi nhận được học bổng lại cùng một trường. Nhờ vậy, chúng tôi lại có thêm cơ hội, thời gian hỗ trợ nhau tốt hơn”, Linh nói. Cả hai có nhiều chủ đề chung mỗi khi thảo luận, như học tập, nghiên cứu hay code, toán, thống kê.
Sau hai năm miệt mài ở xứ sở cờ hoa, đôi bạn trẻ tốt nghiệp chương trình thạc sĩ y tế công cộng tại Đại học Johns Hopkins.
Khát khao chinh phục y khoa ở các ngôi trường danh tiếng thế giới, Tùng và Linh tiếp tục apply hồ sơ xin học bổng bậc tiến sĩ vào Đại học Harvard.
Có kinh nghiệm hoàn thành bằng thạc sĩ ở Mỹ, vợ chồng 9X người Việt không gặp nhiều khó khăn khi nghiên cứu tiến sĩ. Các yêu cầu của chương trình, các khóa học ở Harvard đều rõ ràng và các giáo sư, trợ giảng luôn sẵn sàng hỗ trợ sinh viên.
Theo Thanh Tùng, điểm khó khăn nhất trong chương trình học là yêu cầu về nghiên cứu của các giáo sư rất cao, luôn đòi hỏi ứng viên phải phân tích, soi rõ từng góc cạnh của vấn đề thay vì chỉ tập trung vào số lượng bài báo. Cùng nhờ những khắt khe ấy, kỹ năng nghiên cứu của Tùng và Linh nâng lên đáng kể chỉ trong thời gian ngắn.
Đặc biệt, vợ chồng trẻ tận dụng thời gian nghiên cứu tiến sĩ để học thêm bằng thạc sĩ liên quan đến y khoa ngay tại Đại học Harvard.
Theo Linh, việc học song bằng không quá khó nếu chương trình có hỗ trợ. Khó khăn chủ yếu nằm ở việc phải học thêm một vài khóa học về thống kê lý thuyết (cho bằng thống kê y sinh) và dịch tễ học nâng cao (cho bằng dịch tễ học).
Linh luôn có chồng và các bạn cùng lớp bên cạnh đồng hành học tập, chia sẻ khó khăn về chuyên môn lẫn cuộc sống. Đó là bí quyết và động lực giúp hai người có thể đảm bảo hoàn thành khối lượng lẫn chất lượng học tập nghiên cứu ngành khó ở ngôi trường hàng đầu thế giới mà không bị “quá tải”.
Kết tinh tình yêu của Tùng và Linh là một bé trai đầu lòng. Trường hỗ trợ nghỉ thai sản 3 tháng có lương cho cả hai vợ chồng cũng như cấp một khoản hỗ trợ cho em bé. Cặp vợ chồng trẻ quyết định đón bà ngoại sang hỗ trợ những tháng cuối của thai kỳ và về nước khi em bé được 7 tuần tuổi.
Tùng nhớ hành trình vừa chinh phục tri thức trời Tây vừa sinh con với không ít sóng gió. Anh cho biết, vợ có biến chứng hậu sản và em bé cũng bị ốm, nhưng may mắn họ đều vượt qua tất cả. Tùng nói bản thân may mắn đã gặp được Linh. Với Tùng, Linh luôn “mạnh mẽ, có chính kiến, luôn bảo vệ cho lẽ phải”.
“Nếu không có sự đồng hành và giúp sức của Linh, tôi khó đạt được những thành quả như hiện tại. Thực sự cảm ơn Linh đã sinh cho tôi một em bé kháu khỉnh và luôn đồng hành cùng nhau trong suốt nhiều năm qua”, Tùng nói.
Còn với Linh, Tùng là người thông minh, linh hoạt, có tầm nhìn và thích tìm tòi về các chủ đề công nghệ, chính trị, khoa học. Linh bộc bạch, nếu không có Tùng, bản thân không thể đạt được những thành tích như hiện tại.
“Chúng tôi thấy may mắn khi có thể đồng hành cùng nhau trong mọi việc trong cuộc sống, từ công việc, học tập, nghiên cứu, nuôi dạy con”, Linh nói.
Cặp vợ chồng 9X đáp chuyến bay về Việt Nam hôm 31/5. Cả hai dự định sẽ tiếp tục các dự án nghiên cứu với giáo sư hướng dẫn ở Mỹ cũng như với các cộng sự ở Việt Nam.
Về nước, TS.BS Phạm Thanh Tùng làm giảng viên của bộ môn Sinh lý học, trường Đại học Y Hà Nội, giảng viên kiêm nhiệm tại trường Đại học VinUni.
TS.BS Bùi Phương Linh tiếp tục làm việc với nhóm nghiên cứu tại trường Y tế công cộng T.H. Chan về chế độ dinh dưỡng bền vững toàn cầu và giảng viên kiêm nhiệm tại trường Đại học VinUni.
Sau khi chinh phục những đỉnh cao tri thức ở nước ngoài, trở về nước ước mơ lớn nhất của Tùng và Linh là tiếp tục phát triển những nghiên cứu có giá trị cho người Việt và xây dựng những chương trình đào tạo để sinh viên Việt có thể học các kiến thức cập nhật nhất ngay trên ghế nhà trường.
Sắp tới cặp đôi này dự định tiếp tục học thêm về giáo dục trong y khoa.
TS Trương Nguyễn Xuân Quỳnh, giảng viên Viện Khoa học Sức khỏe, Đại học VinUni – là người bạn thân thiết, theo sát hành trình làm Linh và Tùng tự hào, nể phục đôi bạn “khiêm tốn, cầu thị, tử tế và chân thành”.
TS Quỳnh nhớ như in hình ảnh Phương Linh lúc bầu 8 tháng vẫn ngồi phân tích dữ liệu như siêu nhân, còn Thanh Tùng vừa chăm vợ, chăm con vừa làm nghiên cứu và viết báo khoa học đều đều. Hành trình vừa nghiên cứu, vừa học, vừa dạy với tư cách là trợ giảng của Tùng và Linh thể hiện đam mê nghiên cứu khoa học, sự nghiêm túc, trách nhiệm.
“Hai bạn còn thức đêm hỗ trợ mentor cho các dự án nghiên cứu trong nước. Tiền tài trợ cho một số nghiên cứu còn do hai bạn tự bỏ ra”, chị Quỳnh thán phục tinh thần làm việc, nghiên cứu của cặp đôi này.
Theo vtcnews.vn
https://vtcnews.vn/moi-luong-duyen-dac-biet-cua-vo-chong-9x-cung-lay-bang-tien-si-dai-hoc-harvard-ar874920.html