Theo báo The Paper (Trung Quốc), cách đây không lâu, một người phụ nữ họ Bồ đã mua nhà ở Bắc Kinh và muốn trang hoàng ngôi nhà mới của mình. Để tiết kiệm thời gian và công sức, bà Bồ đã ký hợp đồng với một công ty giải pháp trang trí nội thất. Tuy nhiên, các khoản chi phí bổ sung và tranh chấp trong quá trình thi công đã gây ra nhiều rắc rối cho vị khách hàng này.
Được biết, trước khi bắt đầu thi công, bà Bồ và công ty giải pháp trang trí nội thất đã thống nhất mức giá trọn gói, nhưng sau khi bắt đầu thi công, phía công ty lại liên tục đưa ra nhiều lý do khác nhau để tăng giá, khiến mức “giá trọn gói” không còn mang ý nghĩa như trên mặt chữ mà dường như đã bị biến thành “giá khởi điểm”. Theo thông báo ban đầu, giá trọn gói là 220.000 Nhân dân tệ (khoảng 770 triệu đồng), nhưng sau khi bắt đầu thi công lại phát sinh thêm hơn 80.000 Nhân dân tệ (khoảng 280 triệu đồng) “chi phí bổ sung”.
Hành động của công ty nói trên cho thấy mức “giá trọn gói” đã bị biến thành chiếc bẫy tăng giá để dụ dỗ khách hàng. Các công ty trang trí nội thất lợi dụng “báo giá thấp, hạng mục bổ sung giá cao” trong quá trình thi công nhằm thu lợi lớn.
Theo The Paper, hành vi nói trên không chỉ bị coi là vi phạm luật giá cả mà còn là hành vi lừa dối và thậm chí là lừa đảo, xâm phạm nghiêm trọng quyền được biết thông tin và quyền giao dịch công bằng của người tiêu dùng. Luật Giá cả của Trung Quốc quy định, doanh nghiệp không được tăng giá bán ngoài giá niêm yết và không được thu bất kỳ khoản phí nào chưa được công bố.
Luật Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng Trung Quốc cũng quy định, người tiêu dùng có quyền biết sự thật về hàng hóa hoặc dịch vụ mà họ mua hoặc sử dụng và quyền được giao dịch công bằng. Doanh nghiệp phải cung cấp thông tin chân thực, đầy đủ về chất lượng, hiệu suất, mục đích sử dụng, thời hạn hiệu lực của hàng hóa hoặc dịch vụ, và không được thực hiện các hành vi quảng cáo gian dối hoặc gây hiểu lầm.
Nếu các công ty giải pháp trang trí nội thất sử dụng “giá trọn gói” làm mồi nhử để đặt bẫy, lôi kéo người tiêu dùng ký “hợp đồng đặt cọc”, “hợp đồng ghi nhận”, sau đó cố ý vi phạm hợp đồng để giữ lại tiền cọc hoặc phạt vi phạm cao nhằm trục lợi, thì họ có thể bị coi là lừa đảo hợp đồng.
Đối với các khách hàng, trang trí nhà là bước đầu tiên để xây dựng ngôi nhà mơ ước, mang theo những hy vọng của họ về cuộc sống tương lai tốt đẹp. Do đó, hành vi bẫy khách hàng bằng “giá trọn gói” như trên là điều không thể chấp nhận. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý Trung Quốc tăng cường giám sát, hiệp hội ngành nghề tăng cường tự giác và người tiêu dùng tự nhận thức, loại bỏ chiếc bẫy “giá trọn gói” của các công ty trang trí nội thất.
Sau vụ việc, các cơ quan chức năng phụ trách quản lý thị trường, xây dựng nhà ở tại Trung Quốc được kêu gọi tăng cường giám sát quy phạm ngành trang trí nội thất, làm rõ thêm các tiêu chuẩn và yêu cầu nội dung của hợp đồng, đảm bảo các chi phí cần được minh bạch trước khi thi công, đồng thời mở rộng kênh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Họ cần xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo gian dối, các hạng mục bổ sung gây tổn hại đến quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.
Hiệp hội ngành nghề nước này cũng được yêu cầu tăng cường quản lý, hoàn thiện hệ thống đánh giá uy tín, giám sát và hướng dẫn các công ty trang trí nội thất, nâng cao mức độ phục vụ của ngành trang trí nội thất. Đồng thời, các cơ quan chức trách Trung Quốc kêu gọi người tiêu dùng cần nâng cao khả năng nhận biết, lựa chọn công ty trang trí một cách lý trí, khi đối mặt với yêu cầu tăng giá từ công ty trang trí cần dám chất vấn, bảo vệ quyền lợi hợp lý, nhờ pháp luật hỗ trợ để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chính mình.
Tham khảo The Paper
Theo Nhịp sống thị trường
https://markettimes.vn/lua-dao-bung-len-trong-mang-sua-nha-cua-ky-hop-dong-thi-cong-tron-goi-nhung-hoa-don-gay-choang-vang-nha-chuc-trach-quoc-gia-nay-keu-goi-tang-cuong-giam-sat-chan-gian-thuong-long-hanh-57843.html