Loại lá làm trắng da, giàu vitamin C gấp 16 lần mận khô, protein gấp 7,7 lần bí đao
Có một loại lá, loại rau thường xuất hiện ở các nương rẫy, ven đường, thậm chí từng bị gọi là “thức ăn cho lợn”, đó là: Rau sam. Tuy nhiên, ngày nay rau sam ngày càng được yêu thích vì chúng vừa ngon, lại rất bổ dưỡng.
Thực tế từ hàng ngàn năm trước, rau sam đã xuất hiện và được tận dụng để điều trị bệnh. Đồng thời nó cũng được mệnh danh là “rau trường thọ”.
Theo thần y Lý Thời Trân (nhà dược học nổi tiếng của Trung Quốc thời nhà Minh): Rau sam có “lá dày hơn răng ngựa, nhẵn và sắc như rau dền”. Bởi vì nó phát triển nhanh chóng và sinh sản dễ dàng nên từ lâu đã được coi là một loại cỏ dại. Loại rau này tính hàn, vị chua, không độc, chứa kháng sinh tự nhiên, có thể giúp tiêu thũng, giải độc…
Với chị em phụ nữ, rau sam càng tốt hơn vì chúng rất có lợi cho làn da. Chúng chứa lượng nước lớn, vì thế sau khi ăn sẽ giúp bổ sung độ ẩm cho da.
Theo The Paper, hàm lượng vitamin C trong rau sam khá nhiều: Cao gấp 16,4 lần mận khô, gấp 7,7 lần táo. Vitamin C, giống như một chất chống oxy hóa mạnh mẽ, có thể bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của gốc tự do và làm trắng da, mịn da hơn.
Ngoài vitamin C, rau sam còn rất giàu chất chống oxy hóa như beta-carotene và vitamin E. Những thành phần này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ thị lực, sức khỏe làn da và chức năng miễn dịch.
Rau sam tốt như thế nào?
Trong những năm gần đây, khi mọi người chú ý hơn đến chế độ ăn uống lành mạnh, giá trị dinh dưỡng của rau sam dần được phát hiện. Dần dần, nó trở thành một trong những loại rau bảo vệ sức khỏe được nhiều người quan tâm.
Là loại rau giàu axit béo omega-3
Rau sam cũng được coi là một trong những nguồn thực vật giàu axit alpha-linolenic nhất.
Axit alpha-linolenic là axit béo omega-3 cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của con người, ngăn ngừa nhiều bệnh tim mạch và duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Đối với những người không ăn cá và không dùng thêm dầu cá thì rau sam là thực phẩm tuyệt vời để bổ sung axit béo omega-3. 100g lá rau sam tươi chứa khoảng 300 đến 400mg axit béo omega-3.
Giàu chất đạm
Trong 100g rau sam có chứa hàm lượng protein cao khoảng 2,3g. Hàm lượng này ở mức tương đối cao trong số các loại thực vật, cao gấp 7,7 lần so với bí đao, gấp 3,3 lần đậu thận tươi và 2,9g cà tím.
Ổn định đường huyết
Ngoài những điểm nổi bật về dinh dưỡng nêu trên, rau sam còn chứa norepinephrine, một chất có thể thúc đẩy quá trình tiết insulin và giúp hạ đường huyết.
Ngoài ra, thành phần tạo nên độ dính của rau sam thực chất là polysaccharide, chất này còn giúp làm chậm quá trình tăng lượng đường trong máu. Một đánh giá có hệ thống và phân tích tổng hợp đã báo cáo rằng rau sam có thể làm giảm đáng kể mức đường huyết lúc đói trong huyết tương.
2 lưu ý quan trọng khi ăn rau sam
1. Rau sam có hàm lượng axit oxalic cao nên phải chần trước khi nấu
Rau sam chứa hàm lượng axit oxalic cao, lên tới 1460mg/100g, chất này dễ dàng kết hợp với canxi trong cơ thể con người tạo thành kết tủa canxi oxalat. Từ đó ảnh hưởng đến việc hấp thu, sử dụng canxi và làm tăng nguy cơ hình thành sỏi.
Để giảm thiểu tình trạng này, rau sam nên được chần qua nước sôi trước khi tiêu thụ để loại bỏ phần lớn axit oxalic.
2. Không nên ăn rau sam một cách bừa bãi, có nguy cơ dư thừa kim loại nặng
Theo dữ liệu của Trường Cao đẳng Nông nghiệp thuộc Đại học Nông nghiệp Nhiệt đới Nam Trung Quốc: Hàm lượng chì, cadmium và đồng trong rau sam lần lượt vượt quá 21 lần, 4 lần và 1,8 lần dư lượng cho phép.
Rau sam mọc hoang ven đường có thể hấp thụ không khí ô nhiễm từ khí thải xe hơi, thuốc trừ sâu và các chất ô nhiễm khác. Đồng thời có thể có nguy cơ tồn dư quá nhiều kim loại nặng hoặc các chất có hại. Những chất độc hại này có thể gây tổn thương cho cơ thể, vì vậy bạn nên tránh ăn rau sam mọc dại.
Theo PNS
https://phunuso.baophunuthudo.vn/loai-rau-giau-vitamin-c-gap-16-lan-man-kho-protein-gap-77-lan-bi-dao-la-mon-truong-tho-giup-lam-trang-da-193240528132534196.htm