Điểm chung của 3 bệnh nhân bị suy thận
Bác sĩ Thái Từ Đông, phó giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Ninh Ba, Trung Quốc đồng thời là trưởng Khoa Thận của bệnh viện cho biết, cả 3 bệnh nhân nữ trên đều rất trẻ, mới ngoài 30 tuổi nhưng thận đã bị suy hỏng.
Bệnh nhân nữ đầu tiên nhập viện có tên Triệu Hoa (31 tuổi). Bệnh nhân cho biết bản thân xuất hiện tình trạng đau đầu, chóng mặt trong suốt 6 tháng qua nhưng không đi khám vì nghĩ bị căng thẳng quá mức. Gần đây, cơn đau đầu trở nên dữ dội hơn nên bệnh nhân mới đến viện khám. Kết quả khám cho thấy huyết áp của bệnh nhân tăng cao 226/140mmHg, creatinin trong máu ở mức 911μmoI/L.
Bệnh nhân được chẩn đoán huyết áp cao, chức năng thận bị tổn thương nghiêm trọng và tăng urê huyết. Bệnh nhân sau đó phải điều trị bằng phương pháp lọc màng bụng (phương pháp điều trị thay thế thận, được áp dụng phổ biến với người bệnh suy thận).
Bệnh nhân thứ 2 tên Từ Hiểu (36 tuổi) cũng đến bệnh viện khám vì chóng mặt. Khi nhập viện, huyết áp của bệnh nhân tăng cao đạt mức 213/146mmHg và creatinin trong máu cao 1006μmoI/L. Sau khi nhập viện điều trị, huyết áp của bệnh nhân Từ Hiểu đã giảm xuống mức bình thường nhưng chức năng thận không thể phục hồi. Bệnh nhân vẫn phải chạy thận.
Bệnh nhân nữ thứ 3 là Trần Vy (31 tuổi), cũng nhập viện trong tình trạng chóng mặt và huyết áp đo được là 174/98mmHg. Bệnh nhân được chẩn đoán suy thận và phải chạy thận nhân tạo.
Bác sĩ Thái Từ Đông cho biết: “Điểm chung của cả 3 bệnh nhân là đều mắc huyết áp cao. Các bệnh nhân đều có dấu hiệu cảnh báo huyết áp cao như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt,… Tuy nhiên, cả 3 đều không mấy bận tâm, cho rằng bản thân bị mệt mỏi thông thường nên không đi khám. Chỉ khi cơ thể xuất hiện bất thường kéo dài, các bệnh nhân mới tới viện kiểm tra. Lúc này tình trạng huyết áp cao kéo dài đã khiến thận suy hỏng nghiêm trọng, không thể phục hồi”.
Mối liên hệ giữa huyết áp cao và suy thận
Theo Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường, Tiêu hóa và Bệnh thận – NIDDK (thuộc Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ), huyết áp cao là nguyên nhân đứng hàng thứ 2 gây suy thận tại Mỹ, sau bệnh tiểu đường. Huyết áp cao nếu không được điều trị kịp thời có thể làm hỏng các mạch máu ở thận, từ đó khiến thận không còn hoạt động hiệu quả để loại bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể. Chất lỏng bị tích tụ lại tiếp tục làm tăng huyết áp, quá trình này diễn ra liên tục có thể gây suy thận mạn.
Bác sĩ Thái Từ Đông cho biết, huyết áp cao nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng ở thận. Do đó, việc kiểm soát huyết áp đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa suy thận mạn.
Bác sĩ Hình Khiết, làm việc tại Khoa Thận của Bệnh viện Y học cổ truyền Ninh Ba, Trung Quốc chia sẻ: “Thông qua trường hợp của 3 nữ bệnh nhân kể trên, chúng tôi cũng muốn nhắc nhở mọi người, đặc biệt là người trẻ khi thấy các dấu hiệu nghi ngờ mắc huyết áp cao thì cần đi khám ngay để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, từ đó hạn chế nguy cơ gặp biến chứng nặng nề”.
Ngoài việc kiểm soát huyết áp, mọi người cũng nên thay đổi lối sống để chủ động phòng bệnh, chẳng hạn như:
– Tập thể dục thường xuyên, 5 lần mỗi tuần, mỗi lần 30 phút.
– Ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn giảm chất đạm, ăn nhiều rau củ, trái cây.
– Uống đủ nước, ít nhất 8 ly nước mỗi ngày.
– Không hút thuốc lá.
– Không tự ý sử dụng các loại thuốc chống viêm, giảm đau.
– Kiểm tra thường xuyên và kiểm soát tốt đường huyết.
– Kiểm tra tầm soát thường xuyên với những người có yếu tố nguy cơ cao như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, gia đình có người mắc bệnh thận mạn.
Theo ĐSPL
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/lien-tiep-ieu-tri-cho-3-benh-nhan-suy-hong-than-bac-si-thot-len-tat-ca-eu-co-1-iem-chung-a430786.html