Mới đây, Cơ quan Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus cho biết nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 12 tháng gần nhất đã cao hơn 1,63 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là mức tăng cao nhất từng được ghi nhận trong lịch sử khí hậu thế giới.
Tuy nhiên, mức nhiệt trung bình 12 tháng gần nhất chưa phản ánh toàn diện các vấn đề khí hậu của thế giới. Bởi lẽ, theo CNA, ngưỡng nóng lên toàn cầu vẫn chưa vượt mốc 1,5 độ C – đơn vị đo lường đòi hỏi sự thống kê nhiệt độ trong nhiều thập kỷ.
Dù vậy, các nhà khoa học cảnh báo Trái Đất “đã đến rất gần” ngưỡng này.
Trong một báo cáo riêng, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên hợp quốc cho biết hiện có 80% khả năng ít nhất 1 – 5 năm tới sẽ đánh dấu thời điểm mức nhiệt trung bình tạm thời vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Phát biểu về những phát hiện này, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres nhấn mạnh rằng: “Thế giới đang đi lệch hướng ngày càng nhanh và không thể trở lại giai đoạn khí hậu ổn định như trước đây”.
Ông Guterres kêu gọi cắt giảm 30% sản lượng cũng như việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch toàn cầu vào năm 2030 để tìm ra lối thoát cho toàn cầu.
“Chúng ta cần một lối thoát khỏi đường cao tốc dẫn đến địa ngục khí hậu. Cuộc chiến vì 1,5 độ sẽ thắng hoặc thua vào những năm 2020”, ông nói.
Được biết, lượng khí thải CO2 từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch – nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu – đã đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái bất chấp các thỏa thuận toàn cầu nhằm hạn chế lượng khí thải này và sự mở rộng nhanh chóng năng lượng tái tạo.
Than, dầu và khí đốt vẫn cung cấp hơn 3/4 năng lượng cho thế giới, trong khi nhu cầu dầu mỏ toàn cầu vẫn ở mức cao. Phó Tổng thư ký WMO Ko Barrett cho biết, dữ liệu khí hậu mới nhất cho thấy thế giới đang “lạc lối” khỏi mục tiêu hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5 độ C, mục tiêu chính của Hiệp định Paris 2015 trên thế giới.
“Chúng ta phải khẩn trương làm nhiều hơn nữa để cắt giảm lượng khí thải nhà kính, nếu không chúng ta sẽ phải trả một cái giá ngày càng nặng nề về chi phí kinh tế hàng nghìn tỷ USD, hàng triệu sinh mạng bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt hơn và thiệt hại nghiêm trọng đối với môi trường và đa dạng sinh học”, bà Barrett nói.
Dữ liệu của WMO cho thấy, mặc dù năm ngoái được ghi nhận là năm dương lịch nóng nhất với nhiệt độ cao hơn nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp là 1,45 C, nhưng ít nhất 1 – 5 năm tới có thể sẽ còn nóng hơn năm 2023.
Cơ quan theo dõi Khí hậu Copernicus là một sáng kiến chung của Trung tâm Dự báo Thời tiết Trung hạn châu Âu (ECMWF) và Trung tâm Nghiên cứu Chung của Liên minh châu Âu (JRC). Tổ chức này cung cấp dữ liệu và phân tích về hệ thống khí hậu của trái đất, bao gồm các bản ghi nhiệt độ toàn cầu và khu vực.
Theo CNA, Reuters
Theo Đời sống Pháp luật