Cách đây vài tháng, con trai gọi điện về, ngỏ ý nhờ tôi lên thành phố trông cháu, vì con dâu sắp hết thời gian nghỉ thai sản, phải đi làm trở lại.
“Mẹ ở nhà một mình, con cũng không yên tâm. Mẹ lên đây giúp đỡ chúng con, gần con gần cháu cho vui, mà con cũng yên tâm hơn mẹ ạ”, con trai tôi nói.
Chồng tôi mất đã lâu, 2 đứa con trai đều đang ở thành phố, 1 đứa đã có gia đình, 1 đứa còn độc thân. Ở quê, tôi có tiệm tạp hóa nhỏ nên cũng có đồng ra đồng vào, hơn nữa, nhà cửa rộng rãi, vườn tược sum suê, có bà con làng xóm rất vui. Nghĩ cảnh lên thành phố, ở chung cư tôi thấy hơi ngột ngạt. Nhưng vì thương con thương cháu, nên suy nghĩ kỹ rồi tôi cũng đồng ý.
Thời gian đầu lên nhà con trai, con dâu, mấy mẹ con rất vui vẻ. Hàng ngày, tôi ở nhà chăm cháu cho bố mẹ nó đi làm. Chiều tối tôi vẫn tranh thủ nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, đỡ đần các con. Tuổi đã cao, giờ giấc sinh hoạt thay đổi, cuộc sống xáo trộn nên cũng khá mệt song tôi thấy vui vì được gần con, gần cháu.
Tuy nhiên, ở được 3-4 tháng, tôi và con dâu bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn, xuất phát từ việc chăm cháu. Mẹ chồng nàng dâu sống chung một nhà không thể tránh được vấn đề va chạm nên tôi cũng nhẫn nhịn cho vui cửa vui nhà. Thế nhưng đỉnh điểm mâu thuẫn là khi con dâu thường xuyên than thở chuyện chi phí sinh hoạt tốn kém.
Cứ gần cuối tháng, con dâu tôi lại ngồi ghi chép, cộng trừ trên máy tính, miệng than thở: “Ôi sao dạo này tiền chợ hết nhiều thế nhỉ?”; “Tháng này tiêu âm cả lương”; “Vừa vào hè tiền điện đã gần 2 triệu”; “Đẻ đứa con cõng thêm bao nhiêu chi phí thế này”; “Chi tiêu thế này thì chuẩn bị bán nhà đi mất”;…
Chẳng biết con dâu có ý gì hay không nhưng tôi nghe những lời đó mà thấy chạnh lòng vô cùng. Tôi lên chăm cháu chưa nửa lời than vất vả, vậy mà con dâu lại kêu ca tốn này tốn nọ, còn nói trước mặt mẹ chồng, không có chút ý tứ nào cả. Hay con dâu muốn ám chỉ rằng từ ngày có thêm tôi, gia đình nó chi tiêu tốn kém hơn?
Không phải một lần mà nhiều lần con dâu có thái độ như vậy nên tôi rất bực mình. Nhiều đêm mất ngủ, tôi vắt tay lên trán suy nghĩ, cuộc sống của mình đang thoải mái, tự do, sao lại phải chịu cảnh “nhìn thái độ con dâu mà sống” như thế này?
Hôm ấy, con dâu tôi lại kể lể chuyện chi tiêu tốn kém. Quá sức chịu đựng, tôi liền nói với nó: “Mỗi tháng nhà con chi tiêu hết bao nhiêu?”.
– “17 triệu đồng mẹ ạ”, con dâu trả lời.
– “Vậy từ tháng sau, con cộng thêm 6 triệu tiền thuê giúp việc vào sổ chi tiêu gia đình nhé! Mẹ về quê, không trông cháu nữa, các con sắp xếp thuê người mà trông bé”, tôi nói, rồi vào trong nhà dọn dẹp đồ đạc, trở về quê.
Lúc này, con dâu ra sức giải thích nhưng tôi không chấp nhận. Ngồi trên xe trở về nhà, con trai, con dâu gọi điện, nhắn tin liên tục.
Nghĩ đến cháu nội, tôi chảy nước mắt, không biết ngày mai cháu ăn, ngủ thế nào? Với điều kiện kinh tế của các con, tôi biết chúng không đủ khả năng thuê giúp việc. Nhưng tôi đã nghĩ kỹ, cần phải để con dâu biết được cái thiếu sót của bản thân và tự suy ngẫm về những hành động, lời nói của mình.
Theo ĐSPL
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/len-thanh-pho-trong-chau-nhung-con-dau-keu-ton-tien-sinh-hoat-phi-toi-noi-ung-mot-cau-roi-don-o-ve-que-a416584.html