Bất ngờ tìm thấy “kim cương thô” 10 triệu năm tuổi
Theo Dailymail, Alex Lundberg, 29 tuổi, một người đàn ông người Mỹ cùng bạn lặn ở gần bãi biển Venice thì bất ngờ đụng phải một vật thể có vẻ ngoài khá giống một khúc gỗ kỳ lạ. Đến khi vớt lên, nhóm người mới phát hiện ra hóa ra đây là một chiếc ngà voi dài tới hơn 1 mét ở độ sâu gần 8 mét dưới mặt nước.
Sau đó, Alex cùng nhóm bạn đem chiếc ngà voi đến Bảo tàng Khoa học và Tự nhiên Bishop của Bradenton. Theo một chuyên gia nhận định chiếc ngà này thuộc về một con voi răng mấu – một loài họ hàng xa của voi ma mút. Người này cũng khuyên Alex nên báo cáo phát hiện của mình cho Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Florida để xác định xem nó có giá trị khoa học nào hay không.
Thông thường, ở khu vực quanh bãi biển Venice, người ta chỉ tìm thấy những mảnh răng của cá mập thời tiền sử hoặc mẩu ngà voi ma mút bị gãy. Bởi vậy, phát hiện này của Alex có thể coi là vô cùng hiếm.
Alex chia sẻ cùng Dailymail, khi anh ta nhấc chiếc ngà voi răng mấu lên khỏi đáy biển nó không hề bị vỡ. Alex nói: “Ban đầu, tôi chỉ thấy một dải nhỏ lộ ra trên cát. Vì thế, tôi bắt đầu xới cát và nhìn thấy mặt cắt ngang của nó và nhận ra đó có vẻ là một chiếc ngà voi. Sau đó, chúng tôi làm một chiếc dây đeo từ khăn tắm biển và treo nó ở mạn thuyền. Thật là kỳ lạ khi nó còn nguyên vẹn, không hề vỡ vụn chút nào.”
Các chuyên gia ước tính, chiếc ngà voi này khoảng 10 triệu năm tuổi. Những chiếc ngà voi răng mấu thường chỉ dài vài inch được bán với giá từ 20 đến 350 USD, nhưng nhiều khả năng chiếc ngà nặng 60 pound (hơn 27kg) của Alex có giá trị khoảng 5.000 USD (hơn 125 triệu đồng).
Voi răng mấu – họ hàng của voi ma mút
Voi răng mấu hay còn gọi là voi Mastodon là các thành viên của chi tuyệt chủng Mammut của bộ Proboscidea và tạo thành họ Mammutidae. Chúng tương tự, nhưng khác biệt với voi ma mút lông xoắn. Không giống như voi ma mút lông xoắn, chúng không thuộc họ Elephantidae.
Chúng sống ở vùng Bắc và Trung Mỹ cách đây khảng 27 đến 30 triệu năm. Dù voi răng mấu trông khá giống voi ma mút lông nhưng thực tế chúng không cùng loài. Sự khác biệt dễ thấy nhất ở hai loài thể hiện ở tai và trán. Các bộ phận này của voi ma mút lông nhỏ hơn Mastodon.
Chúng khác với voi ma mút chủ yếu ở các chỗ lồi ra hình nón và cùn, tương tự như núm vú trên các chỏm răng hàm của chúng, thể hiện sự phù hợp với việc nhai lá hơn là các răng có chỏm cao của voi ma mút thích nghi với việc gặm cỏ.
Hộp sọ của chúng lớn và dẹt hơn so với của voi ma mút, trong khi bộ xương của chúng là chắc nịch và cường tráng hơn. Một số bộ xương được tìm thấy còn dính cả lông mao; kết quả kiểm tra lông gợi ý rằng voi răng mấu thiếu các đặc trưng bộ lông trong của voi ma mút.
Các ngà của voi răng mấu đôi khi dài quá 5 mét và gần như nằm ngang, ngược lại với các ngà cong hơn của voi ma mút. Các ngà có lẽ được dùng để bẻ cành cây, mặc dù một số chứng cứ gợi ý rằng con đực có thể đã sử dụng chúng trong các cuộc tranh giành bạn tình; một ngà thường ngắn hơn ngà kia, gợi ý rằng, giống như người và voi ngày nay, voi răng mấu có thể có sự phát triển thuận một bên. KIểm tra ngà hóa thạch phát hiện ra một loạt các hốc lõm nông phân chia đều trên mặt dưới của ngà.
Việc kiểm tra hiển vi chỉ ra tổn hại đối với ngà răng phía dưới các hốc lõm. Người ta giả định rằng tổn hại này là do các con đực đánh nhau để giành quyền giao phối. Hình dạng cong của ngà buộc chúng phải cúi xuống với mỗi cú đánh, gây ra tổn hại cho phần ngà mới hình thành ở phần gốc của ngà voi. Sự đồng đều của tổn hại trong các mô hình phát triển ngà voi chỉ ra rằng nó xảy ra hàng năm, có lẽ diễn ra trong mùa xuân và đầu mùa hè.
Ngoài ra, Livescience cho biết, voi ma mút lông xuất hiện ở châu Phi khoảng 5 triệu năm sau khi loài Mastodon tuyệt chủng. Điều này một lần nữa chứng tỏ chúng không phải cùng một loài.
Voi răng mấu là động vật chủ yếu ăn quả thông và lá cây với cách ăn theo kiểu bứt lá giống với voi ngày nay, trong khi voi ma mút là động vật gặm cỏ.
Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng bệnh lao có thể chịu một phần trách nhiệm trong sự tuyệt chủng của voi răng mấu khoảng 10.000 năm trước.
Một yếu tố có ảnh hưởng khác tới sự tuyệt chủng của chúng tại Bắc Mỹ vào cuối thế Pleistocen có thể là sự hiện diện của người châu Mỹ bản xứ cổ đại, những người đã tới châu Mỹ với số lượng tương đối lớn vào khoảng 13.000 năm trước. Việc săn bắn của họ gây ra sự suy giảm dần dần của các quần thể voi ma mút và voi răng mấu, đủ lớn để theo thời gian cuối cùng đã dẫn tới sự tuyệt chủng của voi răng mấu
Hunter Windham, một chuyên gia tại Bảo tàng Khoa học và Tự nhiên Bishop của Bradenton nói rằng: “Ngà voi răng mấu được ví như “kim cương thô” của giới cổ sinh vật học. Điều tuyệt vời ở Florida là nếu bạn đang tìm kiếm những loài động vật tồn tại trong kỷ băng hà cuối cùng thì đó chính là đường bờ biển mở rộng ra xa hơn ngày nay. Vì những con vật này đã đi bộ trên vùng đất khô cách Vịnh Mexico tới 50 hoặc 60 dặm so với chúng ta ngày nay”.
Hóa thạch của voi răng mấu bao gồm ngà, xương và hộp sọ chỉ phổ biến ở 4 bang trên khắp nước Mỹ: Indiana, Colorado, California và New York – vì thế sự xuất hiện của nó ở Florida trở nên vô cùng bất thường.
Tính đến nay, chỉ có khoảng 10 bộ xương voi răng mấu đầy đủ được tìm thấy ở Florida, so với hơn 140 bộ xương chỉ riêng ở bang New York. Các nhà khoa học cho biết có thể phải mất nhiều thời gian để phát hiện ra hóa thạch vì đường bờ biển Florida đã thay đổi kể từ thời Pleistocene.
*Nguồn: Dailymai, Live Science
Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/lan-ngup-tren-bien-chang-trai-tre-bat-ngo-vot-uoc-kim-cuong-tho-10-trieu-nam-tuoi-a430142.html