Mỗi một nơi trên đất nước ta đều có những dấu ấn ẩm thực đặc trưng và những món ăn nổi tiếng, Hưng Yên cũng vậy. Người ta biết đến Hưng Yên với nhãn lồng, gà Đông Tảo, tương bần, nhưng nơi đây cũng khắc sâu trong bản đồ ẩm thực của nhiều người với các món từ gạo như bún thang lươn, bánh răng bừa Văn Giang, bánh dày làng Gàu. Trong đó, chắc chắn phải kể đến một thức quà dân dã được nhiều người thương nhớ là bánh cuốn làng Phú Thị, xã Mễ Sở.
Món quà ăn sáng, ăn trưa, ăn xế này rải khắp dải đất hình chữ S nước ta nơi nào chẳng có, nhưng bánh cuốn Mễ Sở có những nét riêng biệt khiến người ta chẳng thể nào quên.
Không hào nhoáng cũng chẳng cầu kỳ, cách làm bánh cuốn của người làng Phú Thị đi xa khỏi đất Mễ Sở. Theo dọc đê sông Hồng khoảng 45 phút, những gánh bánh cuốn Mễ Sở đều được chở đi mỗi sáng về nội thành Hà Nội, trở thành món ăn sáng khiến biết bao người thòm thèm.
Bánh cuốn Mễ Sở – Thức quà ăn sáng dân dã nhưng khó quên
Cũng là gạo, nhưng mỗi nơi làm bánh cuốn lại biến tấu một kiểu khác nhau. Bánh cuốn Mễ Sở có vẻ ngoài rất đặc biệt, không ít người lần đầu tiên nhìn thấy thốt lên gọi đó là “phở cuốn”. Nào có bánh cuốn mà lại “dày” và”đục” như vậy, bánh cuốn phải tráng mỏng và trong mới ngon.
Thế nhưng, người sành ăn lại chậm rãi hiểu được “huyền cơ” nằm sau vẻ ngoài khác lạ của bánh cuốn Mễ Sở.
Thứ gạo dùng để làm bánh cuốn Mễ Sở là gạo tám xoan, ngâm nước trong nhiều giờ rồi xay nhuyễn. Thời gian ngâm này phải tính toán vừa phải sao cho bột vẫn thơm và không bị mùi chua.
Lớp vỏ bánh cuốn nơi đây được tráng 1 hoặc 2 lần, cuộn tròn nhưng không bị cứng và ngán, ngược lại vỏ bánh vẫn rất mềm và ngon. Vỏ bánh không bị rách cũng chẳng bị vỡ, quan trọng là không mỏng tang như nơi khác. Ngoài ra, bánh cuốn ở đây cũng không quét một mỡ mỏng thường thấy. Cho nên, nhìn vào bánh cuốn Mễ Sở, bạn sẽ thấy chúng không bóng loáng mà vẫn có độ lỳ nhất định của bột gạo. Chính nhờ điều đó mà khi ăn bánh cũng không bị cảm giác ngán. Chưa kể mùa đông về, việc thời tiết lạnh sẽ khiến mỡ dễ bị ngấy nên việc bánh cuốn Mễ Sở không quét lớp mỡ này giúp khi ăn bánh dễ “vào” hơn.
Bánh cuốn Mễ Sở đặc biệt chỗ nào?
Ngoài việc bánh được tráng lớp trắng ngần, cuộn tròn lại thì nhân bánh và nước chấm của bánh cuốn Mễ Sở cũng lắm điều thú vị. Nếu như bánh cuốn thông thường, phần nhân được làm từ thịt băm với mộc nhĩ, hành, tôm hay các nguyên liệu khác nữa thì bánh cuốn Mễ Sở phần nhân lại thật đỗi giản dị, mộc mạc hết có thể.
Nhân bánh cuốn Mễ Sở nguyên bản chỉ có thịt lợn được chọn từ loại thịt nạc ngon, băm nhỏ đều tay và xào với hành cùng xíu gia vị. Bây giờ nhân đa dạng, thêm hành phi là chiều theo sở thích của nhiều người mà thôi.
Trong khi có nhiều người cho rằng nhân như vậy quá giản đơn và “nhạt” thì bánh cuốn ở làng Phú Thị lại muốn đề cao độ ngon và ngậy của bánh, cảm nhận rõ được độ thơm của gạo và vị ngọt của thịt.
Đương nhiên, một điều quan trọng không kém để bánh cuốn tròn vị hơn là bát nước chấm. Cũng không khác nhiều so với các công thức nước chấm bánh cuốn thông thường gồm nước mắm, giấm, ớt, mì chính. Ngoài ra, nước mắm chấm bánh cuốn Mễ Sở còn được điểm xuyết ít thịt băm để thêm đậm đà và đẹp mắt.
Để nhận ra bánh cuốn Mễ Sở không hề khó, bánh cuốn ở đây người ta không gói bằng nilong, cũng chẳng dùng giấy báo, mà người dân dùng lá để gói thành những bó vừa ăn hoặc theo yêu cầu. Lá dong, lá chuối tươi, được người làm bánh rửa sạch sẽ, lau khô, khi bánh xong mang xếp lại và bọc lại với lá.
Tuy không nhiều màu sắc rực rỡ nhưng bánh cuốn Mễ Sở lại được tỉ mỉ chuẩn bị trong từng khâu làm bánh. Là một thức quà quê giản dị, và cũng là món ăn sáng dân dã nhưng ai ăn rồi cũng nhớ mãi.
Nếu có dịp muốn thưởng thức vị bánh cuốn Mễ Sở nguyên bản, ghé làng Phú Thị, nơi cảnh sắc thanh bình, thăm thú đất Hưng Yên và một lần chạm vào thức quà đầy tình yêu quê hương ấy.
Theo toquoc.vn
http://toquoc.vn/hung-yen-co-thuc-qua-an-sang-trang-ngan-moc-mac-huong-vi-gay-thuong-nho-nhieu-nguoi-an-mot-lan-mai-chang-quen-duoc-20240520150309763.htm