‘Đại danh tác’ Thủy Hử của Thi Nại Am chủ yếu viết về hành trình tụ nghĩa của 108 hảo hán trên Lương Sơn Bạc.
108 người là 108 cái tên, biệt danh, ví trị và câu chuyện đến “Bến nước” để thế thiên hành đạo khác nhau. Biệt tài của mỗi người cũng khác nhau; và không phải ai cũng ngang tài, ngang sức như nhau. Đó chính là điểm hấp dẫn trong Thủy Hử của Thi Nại Am.
Sohu (Trung Quốc) đánh giá, trong số 108 anh hùng Lương Sơn Bạc thì “người kém tài nhất” chính là Tống Thanh – em trai của thủ lĩnh Tống Giang.
Khi gia nhập Lương Sơn Bạc, Tống Thanh xếp thứ 76 và có biệt danh là Thiết Phiến Tử (Tay quạt sắt), đảm nhận vị trí tổ chức yến tiệc cho Lương Sơn.
Dù mang thân phận là em trai của thủ lĩnh Tống Giang nhưng trên thực tế Tống Thanh không có tài năng gì nổi bật. Trong toàn bộ cuốn tiểu thuyết, Tống Thanh chưa từng phải xông pha trận mạc lần nào và cũng chưa từng bày mưu tính kế cho huynh đệ Lương Sơn tác chiến.
Việc Tống Thanh kém tài nhưng vẫn được xếp thứ hạng không phải là thấp ở Lương Sơn đều là nhờ vào mối quan hệ ruột thịt với Tống Giang. Hơn nữa, khi tụ nghĩa của các hảo hán, Tống Thanh được anh trai hết mực chăm sóc.
Trong cuộc viễn chinh bình Phương Lạp, khi hầu hết nhiều tướng giỏi của Lương Sơn đều tử trận hoặc bị thương nặng thì Tống Thanh may mắn nguyên vẹn trở về.
Tống Thanh sau cái chết của Tống Giang
Dưới sự chỉ đạo của thủ lĩnh Tống Giang, 108 anh hùng Lương Sơn Bạc cùng nghĩa quân chinh Nam phạt Bắc, đánh Liêu, bình Phương Lạp tất thắng trở về.
Anh em họ Tống là hai trong số ít những đầu lĩnh Lương Sơn sống sót trở về sau nhiều năm chinh chiến. Dẫu vậy, Thi Nại Am vẫn cho nhân vật Tống Giang một kết cục đầy uẩn khúc.
Sau khi cùng các đầu lĩnh quy thuận triều đình, Tống Giang nhận vị trí cai quản Sở Châu. Tuy nhiên, vì bị gian thần hãm hại, Tống Giang cuối cùng chết do uống phải rượu độc.
Để bù đắp cho nhà họ Tống sau cái chết của công thần Tống Giang, hoàng đế khi đó đã ban cho Tống Thanh chức vị mà Tống Giang từng nắm giữ. Tuy nhiên, Tống Thanh một lòng muốn về quê sống cuộc đời thanh tịnh, tránh xa chốn quan trường lắm rối ren.
Hoàng đế đành chấp thuận mong cầu này của Tống Thanh, không quên ban thưởng của người này tiền của và ruộng đất đủ cho cả nhà Tống Thanh sống no đủ, yên ấm cả đời, không phải lo nghĩ.
Sau khi về quê, Tống Thanh đảm nhận việc trông coi miếu tự của những hảo hán Lương Sơn tử trận, ốm chết.
Ẩn ý của Thi Nại Am
Có thể nói, dù Tống Thanh kém tài khi xét dưới góc độ tài năng võ thuật và chinh chiến, nhưng khí tiết của người này không hề thua kém nhiều hảo hán Lương Sơn khác.
Tống Thanh không ham hư danh. Thời còn cùng anh hùng tụ nghĩa ở Lương Sơn, Tống Thanh đảm nhận vị trí tiệc tùng, giúp các hảo hán lấy lại khí thế sau mỗi trận đánh – thì khi Lương Sơn tan rã, Tống Thanh lại một lòng chăm sóc miếu tự của những huynh đệ tử vì đạo.
Vì lẽ đó, hoàng đế phong cho Tống Thanh chức Vũ Dịch Lang.
Thực chất, Thi Nại Am đã có ngụ ý khi đặt biệt danh Thiết Phiến Tử (Tay quạt sắt) cho Tống Thanh. Bởi “Quạt” được mở rộng với nghĩa là nhàn nhã, vô tư, nhàn nhã mà vẫy quạt. “Quạt sắt” hàm ý người này không quá bận rộn.
Hiểu sâu hơn, theo phân tích của Zhihu, “Quạt sắt” chính là cái khiên, hàm ý bảo vệ thủ lĩnh Tống Giang; hoặc để bày tỏ sự ủng hộ đối với thủ lĩnh Tống huynh. Điều này đủ thấy hảo đệ của Tống huynh một lòng trung thành với đại ca của mình như thế nào.
Điều này giống như, trong nhà họ Tống, nếu Tống Giang là tiền tuyến thì Tống Thanh là hậu phương vững chắc vậy.
Một lần nữa, tài năng của Thi Nại Am lại được cảm nhận sâu sắc qua câu chuyện và biệt danh của Tống Thanh. Có lẽ vì thế, không phải ai cũng ngẫu nhiên trở thành một trong 108 anh hùng hảo hán Lương Sơn Bạc trứ danh.
Tham khảo: Sohu, Zhihu
Theo ĐSPL
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/hao-han-nhan-nhat-luong-son-bac-chua-tung-xong-pha-tran-mac-van-uoc-hoang-e-ban-thuong-nui-tien-a423525.html