MC Khánh Vy (SN 1999, Nghệ An) được biết đến là MC tài năng, với nhiều thành tích ấn tượng, được nhiều bạn trẻ yêu mến. Trên các nền tảng MXH của mình, Khánh Vy thường chia sẻ những nội dung mang năng lượng tích cực, truyền cảm hứng, chia sẻ về cách học tập và làm việc hiệu quả.
Mới đây, trên kênh Youtube hơn 2 triệu người đăng ký của mình, Khánh Vy có chia sẻ video về cuộc trò chuyện với GS. Phan Văn Trường với tựa đề “Cách để Trở Thành Phiên Bản Tốt Nhất và Phi Thường Nhất của Chính Mình”.
GS. Phan Văn Trường từng là cố vấn thương mại của Chính phủ Pháp, được Tổng thống Pháp trao tặng Bắc đẩu bội tinh năm 2007, nhiều năm làm lãnh đạo doanh nghiệp quy mô toàn cầu, tham gia giảng dạy ở các trường đại học danh tiếng. GS từng đi qua 80 quốc gia, đàm phán các hợp đồng lên tới 60 tỷ USD. Ở tuổi 78, giáo sư vẫn luôn giữ nhiệt huyết với các hoạt động khuyến học, truyền “lửa” cho các bạn trẻ. Năm 2019, GS. Phan Văn Trường còn thành lập hệ sinh thái “Cấy nền”, một hệ sinh thái với chuỗi các khoá học hoàn toàn miễn phí, hướng thanh niên khởi nghiệp và giải quyết những khó khăn nghề nghiệp và đời sống.
Trong cuộc trò chuyện với MC Khánh Vy, GS. Phan Văn Trường đã chia sẻ những câu chuyện, bài học giá trị về đàm phán, thương thuyết, quản trị và truyền cảm hứng tích cực đến mọi người.
Đàm phán, thương thuyết và chiếc chìa khóa “THÀNH THẬT”
Cả một hành trình thành công trong lĩnh vực đàm phán và thương thuyết, GS. Phan Văn Trường chia sẻ thương vụ thương thuyết khó khăn nhất là gặp những người giấu, nói ngược, nói xuôi, mình không hiểu nổi họ muốn nói cái gì. Quyền lợi, mong muốn phải được thành thật, rõ ràng trong một cuộc thương thuyết.
GS. Phan Văn Trường cũng giải thích một cách dễ hiểu về đàm phán. Giáo sư chia sẻ: “Đàm phán là trước nhất nhận định người trước mặt mình họ muốn đi tới một cái thỏa hiệp với mình, tại vì nếu trong lòng họ không muốn thỏa hiệp với mình, không muốn xây dựng gì với mình thì họ ngồi vào cái ghế trước mặt mình làm cái gì, mất một phút với mình để làm gì? Người ta ngồi trước mặt mình là người ta muốn cầu khẩn đi đến một cái kết quả để xây dựng với nhau một cái gì… Nếu chỗ nào khác nhau thì trao đổi với nhau để làm cho nó với nhau. Và khi nào dự án mà tôi đề nghị cho bạn và dự án bạn đề nghị cho tôi mà nó giống nhau thì chúng ta có thể ký được hợp đồng”.
“Tất nhiên trong cuộc trao đổi đó, mình nhìn nhận một cách rất thành thật quyền lợi của phe đối mặt. Thương thuyết có đó là phần nội dung, còn phần hình thức còn đơn giản hơn nữa. Suốt cả cuộc thương thuyết, mình chỉ chiều chuộng. Tôi đến đây để chiều chuộng bạn, tôi không tới đây để nhìn bạn như là kẻ thù. Tôi tới đây để bạn có ý muốn gì, tôi xin ghi nhận ngay, tôi sẽ cố gắng hết sức để chiều chuộng bạn. Và cố gắng hết sức giải thích với bạn cái gì là thực tế, cái gì là không thực tế. Hiểu như thế là hiểu một cách rất mặn mà thế nào là cuộc thương thuyết”, GS. Phan Văn Trường lý giải thêm về thương thuyết.
Theo Khánh Vy, trong kỹ năng đàm phán và thương thuyết, vấn đề nắm bắt, kiểm soát cảm xúc của mình và đối phương là một điểm mà nhiều người gặp khó khăn. Trước vấn đề mà Khánh Vy đưa ra, GS. Phan Văn Trường có lời khuyên: “Khi quyền lợi của mình được thể hiện khi mình rất là thành thật trong cuộc thương thuyết. Mình phải nói rõ những điều mình muốn, nói nhanh lên để đỡ mất thời gian, chứ đừng giấu”.
Khi MC Khánh Vy hỏi về việc thương thuyết trong tình yêu, tìm người bạn đời phù hợp, GS. Phan Văn Trường cũng đưa ra một lời khuyên: “Lại một lần thầy nói, không phải tìm”.
GS chia sẻ: “Thầy lại quay trở lại một đề tài mà các bạn đánh giá rất thấp đó là đề tài về tuổi. Người Việt Nam chúng ta cứ vội vàng, 22 chưa làm cái gì là muộn rồi, cả nghề nghiệp lẫn tình yêu, lập gia đình, muộn rồi, không, không phải… Thầy xin kể lại câu chuyện của một người bạn Pháp, 2 người quen nhau từ 18 tuổi là bạn học của nhau và sống với nhau đến 28 tuổi. 10 năm sống như vợ chồng, ở cùng nhà. Bất thình lình, buổi sáng hôm 28 tuổi, anh đó nói một câu với cô ấy “anh muốn sống với em trọn đời, xin em nhận làm vợ anh”.
Theo GS Phan Văn Trường, việc tìm được một người bạn đời, sẽ cần sự tự nhiên và thời gian. Bởi lẽ, tình yêu hôn nhân là một tình yêu rất thiêng liêng.
Bài học QUẢN TRỊ – KHÔNG KPI, dùng TÌNH NGƯỜI và sự CHÂN TÌNH
Sau những câu chuyện về đàm phán, thương thuyết, GS. Phan Văn Trường và Khánh Vy tiếp tục chia sẻ những bài học về quản trị. Nữ MC có đặt ra câu hỏi, trong cuốn sách “Một đời quản trị”,
GS. Phan Văn Trường chia sẻ, thầy là một kỹ sư cầu đường nhưng thầy chưa bao giờ thật sự xây được một cái cầu hay cái đường. Thầy không học về điện nhưng quản lý nhà máy điện rất lớn. Kỹ năng quản trị luôn là kỹ năng quan trọng trong cuộc sống và những người trẻ nên lĩnh hội kỹ năng này như thế nào?
Trước câu hỏi này, GS. Phan Văn Trường đưa ra câu trả lời rằng, ông chưa bao giờ học những gì mình làm và làm những gì mình học. Những ngày mới làm lãnh đạo, GS luôn tâm niệm theo những điều cha dạy, không gì dễ bằng quản trị và hãy mang “tình người” vào quản trị.
GS. Phan Văn Trường chia sẻ: “Thầy chưa bao giờ học cái gì mà thầy làm và chưa bao giờ làm cái gì mà thầy học. Cái điều đó chứng minh không phải học vô ích đâu bởi vì khi mình học, mình học phương pháp để làm việc chứ không phải học kiến thức để áp dụng”.
Khi thầy bắt đầu đi vào chức vụ lãnh đạo, lúc đó mình cũng hoang mang, lúc đó không biết mình chỉ huy công ty của mình chỉ huy cái tập đoàn của mình ra làm sao. Thế mình mới sực nhớ ra những lời nói của cha. Cha bảo, không có gì dễ bằng quản trị, con mang tình người để con giải thích cho mỗi người một cái việc của họ nó có ích như thế nào, tạo giá trị thế nào cho cộng đồng mà mình phải đón nhận cái giá trị như thế nào, một cách rất chân quý, từng người, từng người, họ sẽ đóng góp. Thầy đã áp dụng cái đó”.
Vị giáo sư kể lại, khi làm lãnh đạo, ông không đặt ra KPI hay kiểm soát nhân viên mà dùng sự chân tình để “quản trị”.
GS chia sẻ: “Thầy không có kiểm soát ai cả, chẳng có KPI gì hết. Thời thầy vào những công ty nhỏ, thầy gặp từng nhân viên và nói “Bạn ạ, tôi muốn bạn nghe là tôi với bạn là bạn đấy, chúng ta là bạn đồng hành, chứ bạn đừng nghĩ rằng tôi ngồi trên, bạn ngồi dưới. Chúng ta là bạn đồng hành vì chúng ta ngồi hết trên cùng cái thuyền mà thuyền mà đắm thì chúng ta chết cả”. Lúc đi ra, bạn ấy nói với đồng nghiệp rằng: “Này, cái ông tổng giám đốc mới này khác với tổng giám đốc khác mày ạ. Ông ấy nói là bạn đồng hành trong khi giám đốc cũ trước đây quan liêu lắm”.
“Sự chân tình, người ta mang cái tinh thần làm thật, việc thật, nói thật với nhau. Lúc đó, công ty tự chạy. Nhưng yêu công ty, công việc sẽ tốt. Nếu không yêu công ty, công việc sẽ không tốt. Khác nhau chỉ đúng ở đó thôi”, GS nói thêm.
Để tạo dựng một văn hóa doanh nghiệp như vậy, GS cho rằng, mọi thứ đều xuất phát từ tình yêu. Và muốn trở thành một người phi thường, cần rất nhiều tình yêu.
“Các bạn làm việc với thầy cũng được nuôi nấng bởi tình yêu. Muốn trở thành người phi thường, cần rất nhiều tình yêu. Mình đừng cho thêm thương vào, cái lương không làm cho một người trở thành phi thường. Lòng tin là một phần để tình yêu nhưng chưa đủ để biến một người trở thành người phi thường. Người phi thường là người nhận được tình yêu để làm cái việc đó”, GS. Phan Văn Trường nói.
Sau khi nghe những chia sẻ từ GS. Phan Văn Trường, MC Khánh Vy cũng đã đúc rút cho mình một thông điệp, nếu muốn lấy trái tim của người khác mình phải đem trái tim trọn vẹn của mình ra để đổi.
“Nói đem trái tim là mình phải đem hết. Lúc mình làm cho họ cái gì, mình đừng nói dối. Mình không giả vờ, không đóng kịch. Mình làm hết sức thật… Mà cái trọn vẹn mới là bằng chứng. Trái tim không là bằng chứng, trái tim là một cuộc bắt tay. Nhưng bằng chứng của tình yêu là sự trọn vẹn”, GS Phan Văn Trường nói thêm.
Cuộc chia sẻ với những bài học về giá trị tinh thần, chọn nghề, đàm phán, thương thuyết và quản trị được mở đầu bằng tình yêu thương và kết thúc bằng tình yêu thương.
Theo Đời sống Pháp luật