Vào năm 2022, một nhóm các nhà khảo cổ đến từ Đại học Gent (UGent) và Hiệp hội khảo cổ Địa Trung Hải trong lúc sử dụng từ kế để khảo sát địa lý gần thành phố Dromolaxia Vizatzia tại Hala Sultan Tekke trên bờ biển phía đông nam của Síp thì gặp một chuyện lạ. Họ đã phát hiện ra loại từ trường dị thường từ tính khác lạ. Hoạt động này vốn nằm trong chương trình thám hiểm bắt đầu từ năm 2014 của nhóm chuyên gia trên ngọn đồi lớn nằm gần làng Pyla.
Tại khu vực có từ trường kỳ lạ, họ đã đào bới và tìm thấy nhiều ngôi mộ có niên đại từ khoảng năm 1500 đến 1300 trước Công nguyên. Vào thời kỳ đó, thành phố Dromolaxia Vizatzia là một trung tâm buôn bán đồng. Sau khi kiểm tra, các chuyên gia cho biết đây là những ngôi mộ “giàu có nhất” mà họ từng đào được ở khu vực Địa Trung Hải.
Theo giáo sư Peter Fishcher từ Đại học Gothenburg cho biết: “Chúng tôi cho rằng những ngôi mộ này thuộc về hoàng gia.”
Sau khi mở cụm lăng mộ, bên trong có hai phòng chôn cất với kích thước 4x5m, thông với nhau, có thể đi qua một lối đi hẹp để dẫn lên mặt đất. Họ đã khai quật được hơn 500 món bảo vật gồm vàng, đá quý, ngà voi, gốm sứ cao cấp và một số vũ khí bằng đồng. Nguyên liệu để làm nên các món cổ vật này được nhập khẩu từ các nền văn minh lân cận. Ví dụ như, vàng và ngà voi nhập khẩu từ Ai Cập, đá quý từ Afghanistan, Ấn Độ và Sinai, hổ phách được đem về từ vùng Baltic.
Xung quanh các bộ xương, các nhà khảo cổ còn tìm thấy vương miện, vòng cổ, mặt dây chuyền, gương đồng và hàng chục bình gốm. Những món đồ này có thể được sản xuất ở Ai Cập vào triều đại thứ 18 vào thời của các Pharaoh như Thutmos III và Amenophis IV (Akhenaten) và vợ Nefertiti.
Tư liệu về các triều đại cổ xưa trong khu vực còn hạn chế nên các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định được những ngôi mộ trên có phải của các vị hoàng thân quốc thích hay không.. Các nhà nghiên cứu sẽ tiến hành phân tích ADN và tỷ lệ đồng vị strontium trong xương để tìm hiểu thêm về người chôn cất trong mộ và nguồn gốc của họ.
Trong những lần khảo sát trước đó kể từ năm 2014, nhóm chuyên gia này đã từng tìm thấy nhiều món cổ vật quý giá. Đáng chú ý nhất là một món đồ có hình dáng tựa như một “quả trứng”, sau khi mở ra bên trong là một chiếc đĩa vàng nặng 472 gr. Hiện chiếc đĩa này đang được trưng bày tại Bảo tàng Larnaka.
Trong một lần khác, nhóm khảo cổ đã tìm thấy chiếc bình lớn bằng thạch cao, vẽ hoa sen, chứa đầy đồ trang sức bằng đồng, ngà voi và đá. Chiếc bình này dường như có nguồn gốc từ Ai Cập.
Những phát hiện này đã chứng minh quy mô thương mại ở khu vực Địa Trung Hải trong thời kỳ cuối đồ đồng đã diễn ra rất mạnh mẽ giữa các nền văn hóa trong khu vực.
*Nguồn: Heritagedaily
Theo ĐSPL
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/ang-khao-sat-thi-phat-hien-tu-truong-di-thuong-chuyen-gia-lan-theo-va-phat-lo-kho-bau-ay-vang-a417849.html