Theo Mirror, vào mùa hè năm 2015, một thiếu nữ 16 tuổi người Đức đã tới miền nam nước này để nghỉ hè. Trời quá nóng nên cô gái đã quyết định tới hồ Koenigssee, nằm ở phía Đông Nam cuối huyện Berchtesgadener Land, bang Bayern để bơi lội.
Trong lúc bơi, cô gái bất ngờ phát hiện phía dưới đáy hồ đang phát ra ánh sáng lấp lánh. Người thiếu nữ quyết định lặn xuống để kiểm tra. Sau khi lặn xuống cách mặt nước khoảng 2m, cô đã vớt lên một vật thể vàng. Khi lên tới bờ cô mới biết đó là một thỏi vàng.
Cô gái 16 tuổi đã đem thỏi vàng tới giao nộp cho cảnh sát địa phương. Thỏi vàng dài khoảng 6cm và nặng 500gr. Trên thỏi vàng có nhiều kí tự liên quan tới cân nặng và chất lượng vàng. Ngoài ra còn có dòng chữ Degussa Feingold. Đây là tên công ty vàng danh tiếng chuyên sản xuất kim loại quý từ hơn 150 năm qua.
Vào thời điểm cô tìm thấy thỏi vàng, giá trị của nó khoảng 16.000 Euro (hơn 432 triệu đồng theo tỷ giá Euro hiện tại).
Cảnh sát địa phương đã tìm kiếm kỹ lưỡng quanh khu vực hồ Koenigssee nhưng không phát hiện thêm được gì. Các nhà chức trách đã công bố thông tin và tuyên bố nếu trong vòng 6 tháng không tìm được người sở hữu thỏi vàng này thì cô bé sẽ được giữ nó. Tên tuổi cô gái đã được giữ kín.
Cuối cùng, sau nhiều tháng không có ai tìm tới, phía cảnh sát đã trao quyền sở hữu thỏi vàng cho thiếu nữ 16 tuổi theo đúng luật của quốc gia này.
Câu chuyện cô gái nhặt được vàng khi đi bơi đã lan nhanh và gây xôn xao dư luận. Trước đó, hồ Koenigssee được đồn thổi là nơi cất giữ kho báu của Đức quốc xã vì hồ này nằm không xa khu nghỉ mát của Hitler ở làng Obersalzbergl. Tuy nhiên, các nhà chức trách đã bác bỏ lời đồn này và cho biết thỏi vàng được sản xuất thời điểm khác và không phải do Đức quốc xã đúc.
Đồng thời, họ cũng không tiết lộ cụ thể địa điểm tìm thấy thỏi vàng để người dân không đổ xô đi tìm kiếm vàng ở quanh hồ Koenigssee.
Cũng trong năm 2015, trên các mặt báo Đức liên tục đăng tải các bài viết về việc hai nhà thám hiểm Piotr Koper và Andreas Richter tuyên bố họ tìm thấy một tàu hỏa chở đầy vàng và đá quý của quân Phát xít để lại Ba Lan. Do đó, thời điểm đó tại Đức, từ khoá “vàng” đã trở thành “cơn sốt”. Thế nhưng, tháng 12/2015, các nhà khoa học Ba Lan khẳng định không hề có sự tồn tại của đoàn tàu nói trên.
Theo ĐSPL
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/ang-boi-phat-hien-anh-sang-lap-lanh-duoi-nuoc-co-gai-nhat-uoc-vat-the-bang-vang-nang-nua-can-a421038.html