Khi còn trẻ, nhiều người dễ dàng phung phí tiền bạc cho các nhu cầu không cần thiết, thậm chí sẵn sàng vay nợ và quẹt thẻ tín dụng để tiêu dùng. Nhưng khi càng lớn tuổi, họ càng ý thức hơn về sức mạnh của tiết kiệm và tiêu xài tiền có kế hoạch.
Từng chi tiêu bừa bãi, thích gì mua mấy
Lan Anh (SN 1996) nhớ lại, thời điểm mới ra trường, cô kiếm được mức thu nhập 20 triệu đồng/tháng từ công việc đi dạy ở trung tâm tiếng Anh và nhận học sinh dạy thêm bên ngoài. Thời điểm đó, cô coi đây là mức lương “trong mơ”, kết hợp với tuổi trẻ không nghĩ ngợi nhiều nên không quan tâm đến quản lý tài chính.
“Lúc này, mình làm được bao nhiêu thì xài hết bấy nhiêu. Mình không thèm nghe lời khuyên của ba mẹ. Mình còn luôn cho rằng ba mẹ đang lo lắng thái quá mỗi lần họ khuyên mình phải tiết kiệm. Thậm chí, nhiều lúc mình còn vay thẻ tín dụng để mua những món đồ mình thích và đi du lịch nữa.
Việc này khiến mình làm bao nhiêu cũng không đủ tiêu xài. Cứ mỗi tháng có lương là mình phải trích ra 2 khoản tiền là trả nợ và chi tiêu. Rốt cuộc, trong một thời gian, mình chẳng tiết kiệm được đồng nào”, Lan Anh nhớ lại.
Tuy nhiên, một sự kiện đã khiến Lan Anh thay đổi toàn bộ cách quản lý tài chính là khi Covid-19 xuất hiện. Giữa dịch, cô rơi vào thất nghiệp dài hạn vì hàng loạt trung tâm tiếng Anh đóng cửa. Thậm chí, cô còn phải nhờ đến cha mẹ để trang trải chi phí sinh hoạt và đóng nợ thẻ tín dụng.
“Những khoảnh khắc ấy khiến mình nhận ra sai lầm trong quá khứ. Cuộc đời là vô thường, không ai biết ngày mai có chuyện gì xảy ra, nên từ sau đó mình đã học cách quản lý tài chính cá nhân nghiêm ngặt. Kiếm được tiền, mình chỉ xài ⅓ thu nhập, còn lại bắt buộc phải để được ⅔ cho quỹ tiết kiệm”, Lan Anh rút ra bài học.
Một trường hợp khác, Nguyễn Khanh (27 tuổi, Bình Dương) cho biết khi chưa lập gia đình, cô từng chi tiêu rất bừa bãi, thích gì cũng mua. Nhưng hiện tại, sau khi lập gia đình, Khanh mới nhận ra tầm quan trọng của tiền tích lũy.
“Bây giờ, mình rất dè chừng với kiểu chi tiêu rỗng túi, biết trân trọng những người biết tiết kiệm, tự chủ được tài chính của họ. Tương lai phụ thuộc vào việc đầu tư. Mà để có tiền đầu tư, việc đầu tiên là phải học cách tiết kiệm”, cô tâm sự.
Dành 2/3 thu nhập vào quỹ tiết kiệm
Đi qua Covid-19, dù hiện tại công việc và mức thu nhập đều thuận lợi song Lan Anh vẫn giữ thói quen quản lý chi tiêu nghiêm ngặt, tức cố gắng để riêng ⅔ thu nhập hàng tháng cho quỹ tiết kiệm. Điều này giúp cô không làm ảnh hưởng đến tài chính cá nhân và công việc kinh doanh riêng.
Với quỹ tiết kiệm, Lan Anh đã chia làm 3 phần, dùng để gửi tiết kiệm và đầu tư.
– Khoản 1: Cô gửi tiết kiệm ngân hàng trong dài hạn. Vì cô quan điểm, gửi tiết kiệm vẫn là một kênh an toàn để giữ tiền dù lãi suất sinh lời không cao.
– Khoản 2: Cô để riêng và tích lũy dần, chờ thời gian phù hợp để đầu tư vào kênh có lãi suất sinh lời cao hơn, chẳng hạn như bất động sản.
– Khoản 3: Đây là một khoản nhỏ mà cô gửi tiết kiệm ngắn hạn trong ngân hàng, có thể rút ra bất cứ lúc nào cần tiền.
“Đây là một phần mình dùng làm phòng thân, đủ cho mình và gia đình có thể sống trong 6 tháng hoặc khi có những việc không kiểm soát được như là tai nạn hay bệnh tật thì có thể lấy ra. Nhiều khi, mình cũng có thể dùng số tiền này để bù vào trả lương cho nhân viên trong team nếu như doanh thu của tháng đó không ổn”, Lan Anh nói thêm.
Cả hai vợ chồng cố gắng tiết kiệm từng đồng một
Là dân văn phòng đã có gia đình, Nguyễn Khanh cho biết cô đề cao có khoản tiết kiệm và không vay nợ. Trong khi đó, chồng Nguyễn Khanh cũng thích tiết kiệm, thuộc kiểu người “kiếm được tiền nhưng không có nhu cầu xài tiền”. Chẳng hạn nếu mỗi tháng kiếm được 50 triệu đồng, anh cũng chỉ tiêu 2-3 triệu. Số còn lại đưa hết cho vợ giữ, và đầu tư 1 số hạng mục nhỏ về bảo hiểm và góp vốn kinh doanh.
“Tiền lương hàng tháng tụi mình đặt ra mức chi tiêu tối đa là 1/3 tổng thu nhập 2 vợ chồng. Còn lại 2/3 nhét hết vào sổ tiết kiệm để lấy vốn đầu tư. Trong số tiền tiết kiệm đó, lúc nào cũng phải có 1 khoản riêng cố định để phòng trừ rủi ro”, Nguyễn Khanh nói về cách vợ chồng cô phân chia tổng thu nhập hàng tháng.
Mỗi người trẻ lại có quan điểm riêng về đầu tư và quản lý tài chính, tùy thuộc vào thu nhập và hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình. Còn về phía vợ chồng Nguyễn Khanh, cô không ủng hộ lối sống hưởng thụ khi còn quá trẻ, vì càng có nhiều trách nhiệm sẽ càng thấy tiền quan trọng đến mức nào.
“Nhiều người trẻ xung quanh mình bây giờ, thường đang chi tiêu bởi chính những khoản tiền sinh lợi trong tương lai, du lịch, mua sắm khắp nơi mà không cân đo tài chính. Nghĩ thử xem, khi nào bỗng dưng gặp bất trắc về kinh tế hay tự nhiên sếp lại cho thôi việc, thất nghiệp vài tháng cũng chật vật rồi. Chưa kể đến những biến cố trong cuộc sống như ốm đau, bệnh tật, khó mà xoay xở được bởi chẳng có khoản tiết kiệm nào cả.
Cuộc sống thường ngày của tụi mình cũng đơn giản thôi: sáng thì chuẩn bị cơm trưa cho cả 2 vợ chồng, tối nấu ăn ở nhà, lâu lâu mới tụ tập cùng bạn bè một chút. Mình tập trung nhiều hơn cho những mối quan hệ có ích và thân thiết, chứ không chơi bời như hồi trẻ nữa. Quần áo thì chỉ sắm sửa vào mỗi dịp lễ Tết và thêm 1 dịp vào giữa năm, chủ yếu xài chất liệu jeans, kaki, thun,… vừa không lỗi mốt mà mặc được khá lâu. Mình quan niệm, chỉ cần biết sống vừa đủ sẽ chẳng thấy mình thiếu thốn gì đâu!” , cô nàng bày tỏ.
Theo Nhịp sống thị trường
https://markettimes.vn/dan-van-phong-tim-ra-cach-cat-duoc-it-nhat-2-3-luong-noi-khong-voi-song-huong-thu-co-tien-nhet-ngay-vao-so-tiet-kiem-58128.html