Người dùng Trung Quốc ghen tỵ
Giám đốc điều hành Apple Tim Cook đang có chuyến thăm hai ngày tới Việt Nam trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng và tìm kiếm cơ hội tăng doanh số bán hàng tại các thị trường mới nổi. Chuyến đi của ông diễn ra ngay sau chuyến công du tại thị trường trọng điểm Trung Quốc.
Cùng ngày, Apple thông báo trên trang web tại Việt Nam rằng công ty sẽ tiếp tục “gia tăng chi tiêu cho các nhà cung cấp” trong nước, đồng thời cho biết thêm khoản chi này đã lên tới gần 400 nghìn tỷ đồng (16 tỷ USD) kể từ năm 2019.
Cam kết được đưa ra ba tuần sau khi Cook kết thúc chuyến thăm Trung Quốc, nơi vẫn là cơ sở sản xuất lớn nhất của Apple. Tại đó, Cook ca ngợi chuỗi cung ứng của nước này là “quan trọng” nhất thế giới và hứa rằng công ty sẽ tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu và phát triển tại quốc gia tỷ dân.
Bất chấp sự trấn an của Cook, một số người dùng Internet Trung Quốc bày tỏ sự lo lắng về việc Apple chuyển một số hoạt động sản xuất sang các nước như Việt Nam và Ấn Độ.
Theo SCMP, một người dùng Weibo có tên “eddzccy” đã bình luận trên bài đăng về chuyến thăm Việt Nam của Cook với biểu tượng cảm xúc ba quả chanh, tượng trưng cho sự ghen tỵ. Một người dùng khác có tên “Renkongzhineng” mô tả Cook là “bậc thầy marketing”.
Việt Nam trong những năm gần đây nổi lên như một trong những trung tâm sản xuất quan trọng nhất của Apple, với các nhà cung ứng như Luxshare Precision Industry, Goertek và Foxconn Technology Group đều có hoạt động tại đây.
Chuyến thăm của Cook diễn ra vào thời điểm thử thách đối với gã khổng lồ công nghệ Mỹ. Số liệu do Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDC) công bố giữa lúc nhà lãnh đạo Apple có mặt ở Việt Nam cho thấy lô hàng iPhone toàn cầu đã giảm 10% so với cùng kỳ trong quý đầu tiên của năm 2024.
Cùng với đó, Apple đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường smartphone cao cấp, đặc biệt là tại các thị trường trọng điểm như Trung Quốc.
Việt Nam là thị trường tiềm năng
Theo IDC, Apple đã âm thầm phát triển thành nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ ba của Việt Nam về số lượng xuất xưởng, chỉ sau Oppo và Samsung. Và Việt Nam đã trở thành một địa điểm sản xuất quan trọng khi gã khổng lồ Cupertino tìm cách đa dạng hóa hoạt động lắp ráp sản phẩm khỏi Trung Quốc.
Sự phụ thuộc của Apple vào Trung Quốc đã vấp phải những phép thử lớn vào năm 2022 khi các biện pháp ngăn chặn Covid-19 nghiêm ngặt và tình trạng bất ổn của công nhân tại nhà máy sản xuất Foxconn đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất.
Vào tháng 12, tờ Nikkei đưa tin Apple đang chuyển một số nguồn lực kỹ thuật quan trọng của iPad sang Việt Nam, tiếp nối quá trình phát triển và sản xuất MacBook, iPad và Apple Watch.
“Việt Nam quan trọng đối với Apple không chỉ do lượng người hâm mộ ngày càng tăng mà còn vì công ty đang phòng ngừa rủi ro bằng cách đa dạng hóa hoạt động sản xuất ngoài Trung Quốc. Mục tiêu bao gồm các địa điểm quan trọng như Việt Nam, nơi Samsung đã hiện diện từ lâu”, Bryan Ma, phó chủ tịch nghiên cứu thiết bị khách hàng tại IDC, nói với CNBC.
“Những nỗ lực đa dạng hóa của Apple cũng bao gồm các thiết bị như máy tính xách tay, nơi các nhà sản xuất theo hợp đồng của họ như Quanta và Foxconn đã đầu tư”.
Một mặt chuyển hướng sang các thị trường tiềm năng, Apple vẫn tăng thêm các sáng kiến ở Trung Quốc đại lục để giũ vững thị phần tại thị trường điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, nơi doanh số iPhone giảm 24% so với cùng kỳ trong sáu tuần đầu năm, theo công ty tư vấn thị trường Counterpoint.
Apple phải đối mặt với “sự cạnh tranh gay gắt ở phân khúc cao cấp từ Huawei đang hồi sinh, trong khi bị các đối thủ như Oppo, Vivo và Xiaomi bóp nghẹt ở phân khúc tầm trung bằng mức giá quá hấp dẫn “, Counterpoint cho biết.
Apple tuyên bố hồi tháng trước rằng họ có kế hoạch mở rộng trung tâm nghiên cứu ở Thượng Hải và mở một phòng thí nghiệm mới ở Thâm Quyến vào cuối năm nay.
Theo Wall Street Journal, công ty cũng đang tìm cách hợp tác với gã khổng lồ về trí tuệ nhân tạo và tìm kiếm internet Trung Quốc Baidu để cài đặt chatbot Ernie trên iPhone được bán ở nước này.
Theo ĐSPL
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dan-mang-trung-quoc-noi-con-ghen-khi-tim-cook-en-tham-viet-nam-ham-huc-vi-khong-con-uoc-uu-ai-a414132.html