Một câu chuyện xảy ra ở Trung Quốc mới đây đã thu hút nhiều bình luận của cộng đồng mạng. Theo đó, một bé gái khoảng 11 tuổi đã đập heo đất để kiểm tra số tiền lì xì Tết mình dành dụm được. Tuy nhiên khi đập heo đất, cô bé ngỡ ngàng vì những tờ tiền to đã “không cánh mà bay”.
Bé gái hốt hoảng chạy vào hỏi bố mẹ. Người mẹ liền nói một câu khiến con suy sụp, khó thất thanh: “Những tờ tiền đó lâu ngày không được sử dụng nên hết hạn, mất tích rồi”. Thực chất, người mẹ đã lén tịch thu tiền lì xì Tết của con.
Thấy con khóc, người mẹ vừa cười vừa hớn hở quay lại clip đăng lên mạng xã hội. Không chỉ vậy, người mẹ này còn bảo con rằng, vì con thiếu tính toán nên đã tiền hết hạn một cách lãng phí. Câu nói của người mẹ tựa hồ như đang giáo dục tài chính cho con nhưng thực chất không phải.
Rất nhiều cư dân mạng đều chê trách việc người mẹ tịch thu tiền của con một cách trá hình. Các ý kiến đều cho rằng, trẻ 11 tuổi hoàn toàn có thể được giữ tiền dưới sự giám sát, chỉ bảo của bố mẹ, thay vì lén tịch thu tiền và trêu đùa con như vậy. Nhất là khi được trẻ không hề tiêu pha bừa bãi mà đã bỏ lợn đất cẩn thận.
“Tiền lì xì là khoản tiền mong chờ, là niềm hạnh phúc nho nhỏ của trẻ, tại sao lại đối xử với con như vậy? Là một người mẹ, tôi thực sự sẽ rất xót nếu con mình khóc lóc, suy sụp như thế. Đứa trẻ đã thực sự tổn thương”, một cư dân mạng bình luận.
Thực tế, không chỉ bà mẹ trong câu chuyện này mà còn không ít bậc cha mẹ khác quản lý rất chặt chẽ tiền lì xì vì sợ con chưa biết chi tiêu, nhiều người còn tự ý thu giữ, sử dụng tiền lì xì của con.
Tuy nhiên, cha mẹ hoàn toàn có thể cho phép trẻ được sử dụng tiền lì xì. Điều này có thể nuôi dưỡng khả năng tự lập của trẻ em trong việc mua sắm và chi tiêu hàng ngày. Cha mẹ có thể gợi ý trẻ sử dụng tiền lì xì để phục vụ cho việc học.
Nhiều trẻ thường nghĩ rằng tiền học hay tiền mua sách vở là trách nhiệm của cha mẹ. Nhưng bạn có thể nói, nếu trẻ để dành tiền và phục vụ cho nhu cầu học tập thì cha mẹ sẽ thấy rất vui, nhờ đó, trẻ cũng sẽ trưởng thành và sống có trách nhiệm hơn.
Khi con muốn dùng tiền lì xì mua đồ, bạn có thể hỏi một số câu như: “Con có cần món đồ này không?”, “Con sẽ sử dụng món đồ được mua chứ?” hoặc “Tại sao món đồ này lại quan trọng với con?”. Những câu hỏi này có thể đơn giản nhưng kích hoạt não bộ trẻ suy nghĩ, cân nhắc và tìm ra sự khác biệt giữa mong muốn và nhu cầu. Nếu trẻ thích những đồ vật đắt tiền, bạn có thể biến đó thành cơ hội dạy về sự tiết kiệm.
Bố mẹ có thể mua cho trẻ một chiếc ví đựng tiền. Ngoài việc rèn luyện tính trách nhiệm với những món đồ quan trọng của mình, trẻ còn có thể kiểm soát mình còn bao nhiêu tiền. Trẻ cũng sẽ không cảm thấy rằng “tiền chỉ có thể thuộc về cha mẹ”, từ đó học cách chi tiêu phù hợp.
Những đứa trẻ được tạo cơ hội đưa ra các quyết định tài chính từ sớm, phù hợp với lứa tuổi, và trải qua những tình huống khó xử trong chi tiêu có thể hình thành “thói quen tích cực trong tâm trí” khi nói đến tiền. Điều này tác động tới khả năng lập kế hoạch chi tiêu, thúc đẩy hành vi tích cực trong cuộc sống sau này.
Theo PNM
https://phunumoi.net.vn/con-gai-hot-hoang-vi-nhung-to-tien-to-trong-heo-dat-mat-sach-cau-dua-cua-me-bi-nhieu-nguoi-che-trach-khong-nen-noi-nhu-the-d310148.html