Cô gái câm điếc bẩm sinh đột ngột biết nói sau khi cưới chồng
Trần Lãng sinh ra trong một gia đình nông dân bình thường ở huyện Vương Thành, thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Mẹ của Trần Lãng là một người câm điếc, do ảnh hưởng của mẹ nên cô được chẩn đoán cũng bị câm điếc bẩm sinh từ khi sinh ra. Trong nhà cô còn có một chị gái cũng bị khuyết tật tương tự.
Dù lớn lên rất xinh đẹp và tháo vát nhưng vì bị câm điếc, Trần Lãng đến tuổi lấy chồng vẫn không dám yêu đương hẹn hò với ai. Thế nhưng may mắn đã mỉm cười với cô khi một chàng trai cùng làng tên Kim Kiến Quốc tỏ lòng yêu mến, kiên trì theo đuổi.
Sau khi vượt qua nhiều ngăn cản của gia đình, cặp đôi cuối cùng cũng kết hôn. Để giao tiếp được với vợ dễ dàng hơn, Kim Kiến Quốc thậm chí còn dành thời gian để học ngôn ngữ ký hiệu. Anh đối xử rất tốt với vợ, thường xuyên làm hết việc nhà và chăm sóc cô tận tình chu đáo. Cuộc sống hôn nhân của họ vô cùng hạnh phúc.
Một tối sau kết hôn không lâu, người chồng định sang nhà hàng xóm chơi dù đã muộn. Bỗng nhiên anh nghe thấy một tiếng “Không” từ đằng sau. Đó là tiếng của Trần Lãng, người vợ vốn câm điếc bẩm sinh của anh.
Cả hai đều vô cùng chấn động trước sự việc. Ngay cả Trần Lãng cũng không hiểu vì sao mình vừa nói được. Trong lúc tức giận, muốn thuyết phục chồng ở nhà với mình, cô đã bất giác phát ra tiếng nói đầu tiên trong đời.
Kết quả xét nghiệm gây ngỡ ngàng
Tin tức Trần Lãng bỗng nhiên có thể nói được sau khi lấy chồng không lâu nhanh chóng truyền khắp địa phương.
Ở tuổi 22, cô mới lần đầu tiên được đưa đến bệnh viện để kiểm tra khả năng nghe nói. Sau khi nghe kể về trường hợp kỳ lạ của Trần Lãng, bác sĩ đã thực hiện một loạt chụp chiếu và xét nghiệm. Kết quả cho thấy màng nhĩ và dây thanh quản của Trần Lãng hoàn toàn nguyên vẹn như người bình thường và không có vấn đề gì.
Chuyên gia cho rằng thực chất, thính lực của Trần Lãng có kém hơn bình thường nhưng không phải bị điếc. Ngoài ra, cô đã trải qua hơn 20 năm từ khi còn nhỏ cho đến khi trưởng thành sống cùng mẹ và chị gái đều bị câm điếc. Trong tiềm thức, cô cảm thấy mình không thể nói được giống mẹ. Theo thời gian, Trần Lãng vô thức chấp nhận rằng mình câm điếc là sự thật hiển nhiên. Lâu dần, khả năng nghe nói của cô càng bị mai một dù ban đầu vốn chỉ bị trục trặc.
Về nguyên nhân ngày hôm đó Trần Lãng đột nhiên lên tiếng là vì cô bị kích thích. Phản ứng căng thẳng khiến dây thần kinh trong não bộ được “mở khoá” như một phép màu.
Các bác sĩ sau đó đã cho cô gái thực hiện một bài kiểm tra thính lực chính xác hơn. Cuộc kiểm tra cho thấy tai trái của Trần Lãng bị điếc hoàn toàn, trong khi tai phải chỉ giữ được một phần khả năng nhận biết thính giác. Điều này là do tế bào lông tai trong của Trần Lãng có vấn đề.
Tế bào lông tai trong là các tế bào trong hệ thống tai của con người có chức năng cảm nhận âm thanh và dẫn truyền. Việc một người có thể nghe thấy sự dẫn truyền âm thanh bên ngoài hay không hoàn toàn phụ thuộc vào chức năng của tế bào này.
Tế bào lông ở tai trong của Trần Lãng đã bị chặn một phần, khiến cô nghe được âm thanh lớn như tiếng pháo nhưng không nghe được tiếng nói của những người xung quanh.
Trần Lãng sau đó đã được giúp đỡ điều trị để khôi phục lại khả năng nghe nói. Tuy nhiên, do cô đã bỏ lỡ thời kỳ điều trị tốt nhất, hệ thống thính lực đã phải chịu một số thiệt hại không thể khắc phục được.
Cô được đeo tai nghe chuyên dụng để “tập nghe” các bản nhạc, âm thanh một cách dần dần. Theo thời gian, Trần Lãng có thể nói được nhiều hơn và những câu nói của cô cũng dần dài hơn. Cuối cùng, cô gái ngỡ mình bị câm điếc bẩm sinh đã có thể giao tiếp với những người xung quanh không gặp bất kỳ trở ngại nào.
Nguồn: Toutiao
Theo ĐSPL
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/co-gai-bi-cam-iec-bam-sinh-suot-22-nam-vua-lay-chong-ngay-lap-tuc-noi-uoc-bac-si-vao-cuoc-phat-hien-su-that-bat-ngo-a416707.html