Dạo quanh các diễn đàn mạng xã hội, bạn sẽ không khó bắt gặp các chủ đề như: “Giá nhà tăng quá nhanh so với tốc độ phát triển của thu nhập”, “Mua nhà là ước mơ xa với đồng lương của người trẻ”,… Thực tế, giữa bối cảnh giá bất động sản tăng cao ở các thành phố lớn, nhiều người trẻ phải làm việc chăm chỉ và nỗ lực dành dụm tiền tiết kiệm mới đủ chi phí mua nhà.
Trong số đó, nhiều người đã chấp nhận dành nhiều năm chỉ sống trong phòng thuê nhỏ hẹp, giá chỉ 1 triệu đồng/tháng để nhanh chóng hoàn thành mục tiêu chuyển sang các căn chung cư rộng rãi – nơi họ thực hiện được ước mơ mua được nhà để an cư lạc nghiệp giữa thành phố lớn.
5 năm ở nhà thuê 1 triệu đồng/tháng trước khi dọn vào căn nhà đầu tiên
Vào tháng 3/2024, Nhật Lâm (1997) đã mua căn hộ 65m2 tại quận Gò Vấp, TP.HCM với giá thành 2,15 tỷ đồng. Anh chàng mua đứt căn hộ bằng tiền tự kiếm, kết hợp vay thêm từ người thân 700 triệu. Trong số đó, Nhật Lâm vay 500 triệu không tính lãi và 200 triệu có lãi suất 5%/năm. Lâm mua nhà bằng tiền lương văn phòng làm IT kết hợp thu nhập từ công việc bên ngoài và không có lãi từ đầu tư.
Được biết, trước khi mua được nhà, Lâm duy trì kiểm soát tài chính nghiêm ngặt. Không chỉ nỗ lực tiêu vỏn vẹn 5 triệu đồng/tháng cho chi phí sinh hoạt, anh chàng còn ở ghép cùng bạn trong căn phòng trọ với mức giá thuê chỉ 1,1 triệu đồng suốt 5 năm.
Ảnh minh hoạ
Với những người trẻ dự định mua nhà nhưng không có nền tảng tài chính tốt, Nhật Lâm cho rằng họ có thể bắt đầu từ việc sống tiết kiệm, nhằm gia tăng quỹ tiền dành cho mua bất động sản. Trong số đó, ở nhà thuê giá rẻ là một cách để nhanh chóng hoàn thành ước mơ mua được nhà.
Anh chàng chia sẻ thêm : “Bạn nên sống tiết kiệm và nếu có thể thì chịu khó ở trọ rẻ xíu. Mình biết có những bạn lương 7-8 triệu nhưng sẵn sàng thuê căn trọ 3-4 triệu, nên tiền trọ sẽ chiếm khá nhiều vào tiền lương. Hầu như các bạn đi làm vào giờ hành chính, tối về chỉ ngủ và sinh hoạt không nhiều ở trọ, nên với mình, mức đầu tư cho nhà ở kia còn khá cao”.
6 năm ở nhà thuê 10m2 giúp tiết kiệm 180 triệu mua đất
Một trường hợp khác, Ngọc (28 tuổi) đang làm nhân viên văn phòng tại Hà Nội. Ngọc nhớ lại, từ khi mới ra trường cô đã tính toán chuyện mua nhà, nên đã lên kế hoạch chi tiêu hợp lý và cố gắng tuân thủ chúng. Trong số đó, chỉ dành dưới 2 triệu đồng/tháng cho tiền thuê nhà là một trong những cách để Ngọc tiết kiệm các khoản chi tiêu.
Hiện, Ngọc đang thuê phòng trọ 10m2, sống một mình ở quận Thanh Xuân với mức giá 1,5 triệu đồng/tháng. Đây cũng là nơi mà Ngọc đã gắn bó suốt 6 năm. Trước kia, cô cùng với bạn thuê chung căn phòng này từ năm 2 sinh viên, tuy nhiên khi người bạn đó rời đi cô vẫn chấp nhận ở lại đây.
Để gắn bó với một môi trường sống lâu dài, tất nhiên Ngọc cũng có nhiều điểm ưng ý với phòng trọ của mình. Ngọc chia sẻ: “Điểm mình ưng ý đầu tiên về căn phòng này là có mức giá rẻ nhưng đầy đủ các thiết bị cần thiết như tủ bếp, tủ lạnh, điều hoà và máy giặt (dùng chung). Mình đã ở đây từ thời sinh viên nên đã phần nào quen với cuộc sống nơi đây, do đó sau khi ra trường, mình cũng không muốn chuyển sang chỗ mới.
Thêm nữa bác chủ nhà không chỉ quan tâm người ở mà còn duy trì giá phòng ổn định. Từ thời điểm mình bắt đầu vào ở đến nay, giá nhà từ 1 triệu đồng chỉ tăng lên 1,5 triệu đồng, tức là trong 6 năm chỉ tăng lên 500 ngàn đồng. Cuối cùng, mặc dù khu nhà mình ở có nhiều thành phần như sinh viên, người đi làm, lao động tay chân,… nhưng may mắn là mọi người có ý thức giữ gìn sinh hoạt chung. Phòng mình có ổ khoá và cổng nhà có khoá vân tay nên hiện tượng mất cắp đồ đạc ít khi xảy ra”.
Ngọc đã sống ở phòng trọ 10m2 từ thời sinh viên để tiết kiệm tiền (Ảnh minh hoạ)
Tuy nhiên, thuê phòng với mức giá rẻ thì Ngọc cũng phải chấp nhận nhiều bất tiện. Với cô, căn phòng này chỉ được coi là “nơi dừng chân” tạm thời vào buổi tối sau chuỗi ngày làm việc. Còn nếu để Ngọc phải ở lâu trong nhà thì chính bản thân cô cũng cảm thấy mệt mỏi và dễ sinh bí bách vì không gian sống chật, ít ánh sáng.
Ngọc nói thêm: “Nhược điểm của căn phòng là nhỏ, hẹp, chỉ phù hợp với cuộc sống tạm bợ chứ không phải định cư lâu dài. Nếu một ngày nhà mình mất điện, mình sẽ chấp nhận ngồi ở quán cafe cả ngày thay vì ở lâu trong căn phòng 10m2 dễ tạo cảm giác bí bách.
Một nhược điểm nữa là các phòng cách âm khá kém, do đó các tiếng ồn bên ngoài luôn dễ lọt vào tai bạn, dù bạn có chủ đích muốn nghe chúng hay không. Bên cạnh đó, do chủ nhà sống cùng dãy trọ với mình nên bác có thể thường xuyên kiểm tra người thuê nhà, tuy nhiên đôi khi vẫn có một vài thành phần không tốt sống ở đây, gây ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống người xung quanh”.
Đánh đổi cho 6 năm ở nhà thuê 10m2 của Ngọc là gì? Cô nàng cho biết, nhờ số tiền tích lũy từ việc đi thuê trọ giá rẻ, kết hợp cắt bớt các khoản tiêu dùng dư thừa, cô nàng đã mua được mảnh đất ở quê với giá 300 triệu đồng. Hiện cô đã tích góp được thêm 700 triệu đồng và dự tính sẽ vay mượn ngân hàng để mua thêm căn hộ 45m2 dùng để cho thuê vào cuối năm 2024.
“Tất nhiên, mình sẽ không thể mua được nhà nếu như chỉ dựa vào thuê trọ giá rẻ. Mà việc mua nhà, mua đất là sự tổng hợp của tăng thu nhập, tiết kiệm nhiều khoản chi tiêu khác trong cuộc sống hàng ngày, và thuê nhà 10m2 là một trong số đó.
Tuy nhiên, mình biết có những người muốn sống một mình thì thường bỏ ít nhất 4-5 triệu đồng/tháng thuê nhà. Mình dành trung bình 1,5 triệu đồng/tháng để thuê trọ, thì có thể tiết kiệm được 2,5 triệu đồng/tháng. Sau 6 năm thì con số là 180 triệu đồng, cũng bằng một nửa mảnh đất dưới quê của mình. Do đó, mình nghĩ nếu bạn chịu được cảnh ở nhà thuê chật hẹp thì có thể giảm bớt tiền thuê nhà một xíu, như thế thời gian đi làm văn phòng của bạn cũng đỡ vất vả hơn”.
Ảnh minh hoạ
Sống tiết kiệm để mua nhà thì có khổ không?
Với Nhật Lâm, câu trả lời là “Không”, dù cho anh chàng chỉ tiêu có 5 triệu đồng/tháng khi sống ở TP.HCM đắt đỏ. Những năm đầu mới ra trường, Nhật Lâm thậm chí còn tiêu ít hơn cho chi phí sinh hoạt, còn lại bao nhiêu tiền lương anh chàng để riêng vào quỹ tiết kiệm để mua nhà. Đơn cử như có thời điểm lương văn phòng chỉ 8 triệu/tháng nhưng anh chàng vẫn để dành được 4 triệu. 2-3 năm sau khi ra trường, do tiền lương tăng lên nên anh mới tăng mức tiêu dùng lên đến 5 triệu/tháng.
Còn về phía Ngọc, cô cho biết bản thân thoải mái với cách quản lý tài chính hiện có. Tuy nhiên, cô không cho rằng lối sống tiết kiệm của mình phù hợp với số đông người trẻ hiện nay.
Ngọc bày tỏ: “Với mình, niềm vui gia tăng tài sản tốt hơn nhiều so với việc mua sắm quần áo, mua iPhone, iPax để flex ra bên ngoài. Do đó, mình không thấy stress hay khổ để mà theo đuổi kế hoạch này. Vì mình biết mục tiêu của bản thân là từ từ mua được nhà và đất, sau đó chuẩn bị quỹ riêng để đạt tự do tài chính.
Hiện nay, mình dự tính sẽ dùng tiền tiết kiệm để mua nhà, kết hợp đầu tư để có nhiều tài sản hơn. Kể cả khi hoàn thành việc mua nhà, mình vẫn tiếp tục ở lại phòng trọ 10m2, hoặc tính chuyển đến phòng khác đắt hơn xíu, tầm 3-4 triệu đồng/tháng nếu tình hình tài chính cho phép”.
Theo Nhịp sống thị trường
https://markettimes.vn/co-1-cach-vo-cung-nhanh-de-tiet-kiem-tien-mua-nha-mot-so-nguoi-co-the-ngam-dang-nuot-cay-nhung-ban-thi-khong-chac-56004.html