Gần đây, có một video tạo ra được ảnh hưởng khá lớn trên mạng xã hội.
Khi được hỏi: “Bác có quan điểm ra sao về việc dưỡng lão?”, một giảng viên Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc, 88 tuổi, đã trả lời rằng:
“Không phẫu thuật, không đặt nội khí quản, không hồi sức. Đặc biệt là không nhập viện hồi sức tích cực”.
Khi được hỏi tại sao, ông nói:
“Tôi già rồi, cái chết là điều khó tránh khỏi. Cố gắng cứu chữa, một mặt là khổ mình, mặt khác là lãng phí tài nguyên quốc gia. Thay vào đó, những nguồn lực này có thể dùng cho việc cứu những người trẻ tuổi.”
Người cao tuổi nghĩ thoáng là điều tốt, nhưng con cái họ liệu có chúng quan điểm hay không?
“Tôi luôn nói với các con của mình rằng thay vì buộc mình phải giữ cơ thể xác thịt của cha mẹ, chi bằng nghĩ đến những ảnh hưởng mà cha mẹ để lại cho mình. Giữ được những điều đó, vậy là đủ.”
Cuộc trò chuyện này đã nhận được gần 3 triệu lượt yêu thích từ cư dân mạng.
“Sống thêm được phút nào hay phút đó” dường như đã trở thành quan niệm đã ăn sâu vào tâm trí của vô số người.
“Sống lâu trăm tuổi” luôn được coi là lời chúc tốt đẹp nhất dành cho người lớn tuổi.
Tuy nhiên, ngày càng nhiều người lớn tuổi bắt đầu đưa ra những câu trả lời “khác với số đông”.
01
Có một câu chuyện như sau.
Một quan chức cấp cao lớn tuổi được đưa vào Bệnh viện Ruijin Thượng Hải, Trung Quốc, do bị nhồi máu não đột ngột.
Sau nỗ lực giải cứu của các bác sĩ, mạng sống của ông đã được cứu.
Vậy nhưng, trong suốt quãng đời còn lại, ông sẽ cần được nhân viên y tế chăm sóc 24/24 để duy trì sự sống.
Đối mặt với tình huống này, người con gái cương quyết:
“Tôi không thể từ bỏ mạng sống của cha tôi.”
Cứ như vậy, người cha nằm ICU 4 năm.
Cuối cùng, ông ra đi vì suy đa tạng.
Dù người con gái có lòng hiếu thảo nhưng các bác sĩ lại có quan điểm khác:
“Mặc dù có thể kéo dài tuổi thọ nhưng nó không cải thiện được chất lượng cuộc sống của người già”.
“Các thành viên trong gia đình có thể đến thăm một giờ mỗi ngày.
Điều cô ấy thấy là sự vui vẻ của cha mình trong một tiếng đồng hồ đó, vậy nên cố nghĩ mỗi ngày ông đều có khoảng thời gian vui vẻ.
Nhưng điều chúng tôi thấy những gì bệnh nhân phải chịu đựng trong 23 giờ còn lại.”
Khi được hỏi:
“Có bao giờ bạn chợt nghĩ rằng có lẽ ba mình ước ông có thể ra đi một cách dễ dàng hơn không?”
Người con gái nói:
“Tôi không dám nghĩ đến điều đó và cũng không muốn nghĩ đến điều đó. Ít nhất hiện tại tôi có thể cho ông ấy sự điều trị tốt nhất, và điều đó khiến tôi cảm thấy tốt hơn.”
Tất nhiên là tôi hiểu và có lẽ rất nhiều người trong chúng ta đều hiểu.
Là những đứa con, thật khó để chủ động từ bỏ mạng sống của cha mẹ!
Chỉ cần có đủ khả năng để cứu họ, ai trong chúng ta lại không muốn giữ cha mẹ nhiều thêm một ngày.
Nhưng nếu bạn thay đổi góc độ nhìn nhận.
Nếu người già vẫn có thể bày tỏ ý kiến của mình, họ sẽ khen ngợi con cái hiếu thảo, hay sẽ mắng chúng vì đã khiến họ phải chịu đựng những cơn đau về cả thể chất và tinh thần?
Những người lớn tuổi có lẽ không nhẫn tâm đưa ra câu trả lời.
Nhưng mỗi người đều phải có câu trả lời cho riêng mình.
Thực tế, người già nhìn mọi việc rõ ràng hơn người trẻ.
“Nhiều người già uống thuốc lâu ngày khiến cơ thể bị tổn thương.”
“Có một số người nhà ở bệnh viện chăm sóc người già trong một thời gian dài, ba mẹ thì vẫn còn đó, nhưng người nhà lại đã kiệt sức trước.”
Vì vậy, hiện nay, ngày càng nhiều người cao tuổi có quan niệm hưu trí “bệnh nhẹ thì đi khám, bệnh nặng thì không cứu chữa”.
“Lúc đi, càng nhanh càng tốt. Cố gắng không làm liên lụy con cái, lãng phí tiền bạc của con”.
02
Rõ ràng điều kiện y tế và cả mức sống cũng đã được cải thiện hơn trước, vậy tại sao nhiều người già lại không thích sống lâu hơn?
“Nuôi dạy con cái có thể không còn là để có chỗ dựa khi về già.”
Không phải con cái không muốn hiếu thảo mà đôi khi chúng thực sự bất lực.
Có một tin tức như sau.
Một người cha bị liệt trên giường 16 năm và được cô con gái khoảng 50 tuổi chăm sóc.
Hàng ngày cô bế ông lên xuống giường, dọn dẹp vệ sinh, lau người, cho ông ăn, cho ông uống thuốc, đẩy ông ra ngoài đi dạo…
Mọi chuyện diễn ra như vậy mỗi ngày trong suốt 16 năm.
Đây chắc chắn là minh chứng xuất sắc cho việc “nuôi dạy con cái để có chỗ dựa khi về già”.
Nhưng còn mặt khác của câu chuyện thì sao?
Người cha đó có lương hưu có thể trang trải phần lớn chi phí sinh hoạt của mình.
Người con gái đã nghỉ hưu sớm và hoàn toàn từ bỏ cuộc sống cá nhân để tập trung hết mình cho việc chăm sóc cha.
Người con rể đảm nhận phần lớn công việc kiếm tiền và nuôi con.
Gia đình họ không có áp lực tài chính về việc thế chấp hoặc vay mua ô tô.
Có những người thân khác trong gia đình đôi khi có thể chia sẻ trách nhiệm chăm sóc.
Đằng sau lòng hiếu thảo “hoàn hảo” đó là sự tổng hợp của nhiều điều kiện và vô số sự hy sinh.
Điều này, có lẽ khó có thể nhân rộng ở mọi nhà.
Có rất nhiều cặp vợ chồng là con một, sẽ không thể trang trải cuộc sống nếu không có một người ra ngoài kiếm tiền.
Cha mẹ, con cái, công việc, vay mua nhà, vay mua ô tô… rất nhiều thứ đều là những ngọn núi khổng lồ đè nặng cùng một lúc lên vai những người trung niên.
Những đứa con buộc phải từ bỏ một điều gì đó.
Mặc dù mỗi người có một lựa chọn khác nhau.
Nhưng đối mặt với thực tế phũ phàng, luôn có những bậc cha mẹ “không thể nương tựa” vào con cái.
Hiện tại, những cách chăm sóc người già chủ yếu trong xã hội chúng ta là “chăm sóc tại nhà” hoặc “chăm sóc tại viện dưỡng lão”.
Hầu hết những người cao tuổi có thể tự chăm sóc bản thân đều chọn ở nhà, điều này mang lại cho họ sự tự do.
Những người già được đưa vào viện dưỡng lão về cơ bản đều có bệnh và mất đi một phần khả năng tự chăm sóc bản thân.
Chất lượng cuộc sống giống như việc tung xúc xắc, một số tốt và một số lại không như tưởng tượng.
Một người thân của tôi sống trong viện dưỡng lão.
Lương hàng tháng của nhân viên điều dưỡng chỉ hơn 12 triệu.
Nhưng không có nghỉ phép quanh năm, sẵn sàng 24 giờ một ngày.
Trong khi đó, mỗi người cao tuổi đều có những căn bệnh, điều cấm kỵ trong việc chăm sóc, thói quen sinh hoạt và tính khí khác nhau.
Một số người già có vấn đề về tâm thần, sẽ ném đồ đạc khi không vui.
Một số người cao tuổi có chức năng nuốt kém, khi ăn sẽ bị nghẹn nên cần được đút từng thìa từng thìa chậm rãi.
Đối với những người chăm sóc, chăm sóc người già là một công việc cần tới sự tỉ mỉ hết sức, không có chỗ cho sự sai sót.
Chỉ một chút bất cẩn, họ sẽ có thể bị gia đình bệnh nhân quy trách nhiệm và bị trừ lương.
“Ai dám đùa giỡn với mạng sống con người!”
Trong trường hợp này, “không mắc sai lầm” đã trở thành nguyên tắc hàng đầu của người chăm sóc khi chăm sóc người cao tuổi.
Vì vậy, “nỗi đau khổ” của các viện dưỡng lão thực chất không nằm ở những tin tức về việc ngược đãi người cao tuổi.
Mà còn bởi vì:
Trong điều kiện nhân lực hạn chế, người ta chỉ có thể cung cấp cho người cao tuổi dịch vụ chăm sóc cơ bản và một phần giá trị tinh thần.
Mặc dù việc điều trị y tế giúp kéo dài tuổi thọ của người cao tuổi, nhưng làm sao mới có thể sống một cách trọn vẹn? Đây vẫn là một câu hỏi khó có được câu trả lời.
03
Một video xuất hiện cách đây không lâu đã để lại cho tôi rất nhiều cảm xúc:
Một ông cụ khoảng 80 tuổi, đi bộ trên đường phố Trùng Khánh, Trung Quốc vào lúc 3 giờ sáng, làm công việc nhặt rác.
Bất cứ ai nhìn vào cũng sẽ cảm thấy ông có lẽ đang sống một cuộc đời “khổ sở”, ông rất có thể là một người vô gia cư và buộc phải ra ngoài kiếm sống ở độ tuổi này.
Nhưng nếu tìm hiểu, bạn sẽ nhận ra một khía cạnh khác.
Ông lão sống ở nông thôn khi còn trẻ và đến thành phố sau khi nghỉ hưu.
Hiện tại ông sống với con gái, người con gái rất hiếu thảo và hoàn toàn có đủ khả năng để nuôi ông.
Nhưng ông lão vẫn muốn giúp đỡ các con chia sẻ phần nào áp lực.
Vì lương hưu ở nông thôn chỉ có 100 nhân dân tệ (khoảng 300 ngàn) mỗi tháng nên ông nảy ra suy nghĩ đi “nhặt rác”.
Nghĩ là làm, mỗi buổi sáng sớm, ông sẽ đi bộ vài giờ để nhặt rác.
Và cuộc hành trình cứ như vậy kéo dài trong 20 năm.
Một số người qua đường cảm thấy xót xa vì thấy ông vất vả, nhưng ông lại mỉm cười nói:
“Tôi rất hạnh phúc.”
“Khó khăn như vậy nhưng ông vẫn cảm thấy hạnh phúc ư?”
“Lao động không vất vả. Khi vận động, cơ thể sẽ khỏe mạnh hơn”.
Có rất nhiều người muốn giúp đỡ muốn xách dùm ông, nhưng chỉ một vài phút sau đã bị ông lão khỏe mạnh bỏ xa.
“Lần đầu tiên tôi cảm thấy xấu hổ vì không thể đi nhanh bằng một ông cụ 80 tuổi”.
Nhưng dù có làm việc chăm chỉ đến vậy, ông cũng chỉ kiếm được hơn chục nhân dân tệ một ngày.
Có người cảm thấy không đáng nhưng ông lão vẫn rất hạnh phúc.
“Không cần thiết phải so sánh bản thân với người khác, sức tới đâu kiếm ngần đó. Tiền, đủ tiêu là được.”
Ông lão ấy cũng bình thường như hầu hết những người già trong cuộc sống, không sở hữu khả năng gì quá phi thường.
Nhưng ông tìm thấy niềm vui và giá trị cuộc sống của mình trong những điều nhỏ nhặt mà bản thân có thể làm.
Ông không có nhiều tiền nhưng vẫn sống một cuộc sống mãn nguyện.
Chăm sóc người cao tuổi chắc chắn là một vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều yếu tố.
Nhưng tôi nghĩ điều quan trọng hơn là: “Những lựa chọn của chúng ta rất có thể sẽ quyết định cuộc sống tuổi già mà chúng ta sẽ trải qua”.
Một số người già không đau ốm vẫn chủ động vào viện dưỡng lão.
Mọi vấn đề như thức ăn, quần áo, nhà ở và phương tiện đi lại… đều có người khác lo, bản thân có thể thảnh thơi tận hưởng cuộc sống.
Sau khi nghỉ hưu, một số người cao tuổi học bơi, vẽ, thư pháp và hát.
Dù không có con cái bên cạnh nhưng cuộc sống vẫn trọn vẹn và hạnh phúc.
Những người hạnh phúc luôn giống nhau.
Nhiều người già sống sung túc những năm cuối đời hiểu được một điều:
“Việc dưỡng lão, chỉ có thể dựa vào bản thân.”
Cuộc sống không bao giờ hoàn hảo, bất cứ độ tuổi nào cũng đều như vậy.
An sinh xã hội cũng luôn có những ưu và nhược điểm, khó có thể đáp ứng được nhu cầu của tất cả mọi người.
Nhưng sự tiến bộ của xã hội đã mang đến cho chúng ta nhiều sự lựa chọn hơn như viện dưỡng lão, cộng đồng người cao tuổi, căng tin người cao tuổi, bảo mẫu trực tiếp, v.v.
Chúng ta luôn có thể tìm thấy một cuộc sống phù hợp hơn với bản thân.
04
Có một câu nói trên mạng xã hội đã truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều:
“Dưỡng lão, thực ra là chọn một phương thức để già đi. Con đường đó không có giới hạn, cũng không có đáp án tiêu chuẩn. Nhưng điều quan trọng nhất là: hãy luôn nhớ đặt bản thân lên hàng đầu.”
Để trải qua tuổi già thoải mái hơn, chúng tôi khuyên bạn nên:
Đưa “kế hoạch nghỉ hưu” vào kế hoạch cuộc đời bạn.
Từ nay trở đi, hãy thực hiện “ba tiết kiệm” sau:
1. Tiết kiệm tiền
Sở dĩ tiền quan trọng là vì nó mang lại cho người già “quyền lựa chọn”:
Bạn có thể mua những gì bạn muốn ăn và đi bất cứ nơi nào bạn muốn.
Nếu bị bệnh, bạn có tiền trong túi và không hoảng sợ.
Nhiều người già cả đời chỉ lo nuôi nấng con.
Bạn có thể giúp đỡ con mình trong những trường hợp khẩn cấp, nhưng đừng bao giờ coi đó là điều hiển nhiên.
Hãy giữ tiền cho bản thân, học cách để con cái tự chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình.
Dùng tiền để lo cho bản thân và tự lập, đó chính là sự giúp đỡ lớn nhất cho con cái chúng ta.
2. Tiết kiệm tinh thần
Nhiều người cao tuổi những năm cuối đời có cuộc sống vật chất êm đềm nhưng lại luôn đau khổ về mặt tinh thần.
Bởi lẽ họ đặt niềm hạnh phúc của mình vào việc “có con cái bên cạnh”.
Bạn có thể thay đổi góc độ nhìn nhận vấn đề.
Hãy coi tuổi già như “cuộc đời thứ hai” của bạn.
Hãy lập “danh sách ước mơ” của riêng mình, thử những điều bạn thích và học cách “làm cho bản thân hạnh phúc”.
Chúng ta đã vất vả cả đời, đến tuổi già mới “có tiền nhàn rỗi”.
Hãy chắc chắn tận hưởng nó với tất cả khả năng của bản thân.
3. Tiết kiệm sức khỏe
Không còn nghi ngờ gì nữa, “sức khỏe” là điều kiện quan trọng nhất khi tuổi già tới.
Nhưng tôi đặt nó cuối cùng.
Bởi đó cũng là phần khó kiểm soát nhất của mỗi người cao tuổi.
Không ai có thể ngăn chặn được sự lão hóa và bệnh tật của cơ thể.
Vì vậy, trong khi cơ thể vẫn khỏe mạnh, hãy ăn thực phẩm sạch và tập thể dục thường xuyên.
Hãy chăm sóc cẩn thận sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn.
Một khi bệnh tật tấn công, hãy học cách chấp nhận “sự xuống cấp” của cuộc sống như cách nó diễn ra.
“Bệnh nhẹ thì nghe lời bác sỹ, bệnh nặng thì nghe theo vận mệnh, đừng quá sức”, để cuộc sống có thể kết thúc một cách duyên dáng và nhẹ nhàng.
Chúc tất cả chúng ta có một cuộc sống hưu trí hạnh phúc.
Còn bạn, bạn đã lên kế hoạch cho cuộc sống tuổi già của mình ra sao? Có lo lắng hay mong đợi gì không?
Theo Đời sống Pháp luật