*Bài viết có tiết lộ tình tiết của bộ phim. Cân nhắc trước khi đọc!
Từ đầu năm đến nay, có khá nhiều bộ phim về đề tài gia đình đỉnh chóp lấy nước mắt người xem, song, “Gia tài của ngoại” đến từ Thái Lan chạm đến những cảm xúc riêng tư nhất ngay từ những phút đầu tiên. Mà theo như bật mí từ khán giả, trụ được 15 phút không sụt sịt đã được xem là kỳ tích!
Phim hot đến độ đang khiến hội Gen Z tạo trend “biến hình” trên TikTok, cụ thể là lúc vào rạp thì tươm tất, lúc ra rạp thì…không còn nhận ra chính mình vì hai mắt sưng húp.
Câu chuyện được kể chủ yếu dưới góc nhìn của M, một cậu sinh viên bỏ dở việc học để theo nghề streamer. Khi gặp khó khăn về tài chính, cậu nghe theo lời mách của em gái, chăm sóc bà ngoại bị mắc bệnh nặng, mong rằng mình sẽ nhận được khoản thừa kế lớn. Hạt nhân chính của câu chuyện chính là “Amah” – cách gọi bà của M, một cụ bà 79 tuổi sống một mình trong căn nhà riêng, trong khi 3 người con đều đã lập gia đình và hiếm khi về thăm mẹ.
Bỏ qua những rối ren đời sống, chân dung người bà hiện lên đầy cảm xúc khiến ai may mắn được sống bên bà suốt thời thơ ấu hay khi đã trưởng thành, đều nhận ra 1 điều: Đã là bà thì ai cũng giống nhau!
Nhân vật M và Amah.
Mọi người không hề biết tên của ngoại từ đầu (nửa thời lượng phim đạo diễn mới hé lộ thoáng qua trong một chi tiết nhỏ), chúng ta chỉ biết bà với cách gọi thân thương “Amah” – một từ có nghĩa là “bà” trong tiếng Triều Châu.
Người bà trong phim cũng có những nét tính cách hệt như bất kỳ người bà nào: Đằng sau vẻ ngoài tỉ mỉ, khó tính là tình thương con cháu không gì tả được. Chính những chi tiết khắc họa sống động về người bà, “Gia tài của ngoại” đã chạm đến tim nhiều khán giả trẻ. Xem mà nhớ ngoại vô cùng.
Để kể ra đây vài chi tiết bà ngoại trong phim đang hot để xem bà của bạn có như thế này không?
Những điều không ai rảnh quản… thì bà quản!
Thăm mộ tổ tiên dịp Thanh minh mà rải hoa hời hợt. Bị mắng. Mua cá chiên nhiều dầu quá. Bị mắng. Dễ gì khôn lỏi lọt qua mắt quan sát của bà! Bà ngoại kỹ tính đến mức khiến M (nhân vật chính của phim) phải tự nghĩ: Chắc ngoài bà ra, không ai rảnh quản.
Và bà của chúng ta cũng thế thôi. Bà có một siêu năng lực phát hiện những lỗi sai không ai nhìn thấy. Không phải chỉ mỗi lỗi của bạn đâu mà có khi là lỗi của bố mẹ bạn, cô dì chú bác trong nhà – những người tưởng đã lớn nhưng trong mắt bà ngoại chỉ là “những đứa trẻ to xác” mà thôi.
Nhớ lại mà xem, trong những ngày ở cùng bà, ai chẳng một lần trong đời nghe tiếng bà gọi to “Cậu còn ngủ đến bao giờ?” khi định…đón bình minh lúc xế chiều; hay bị bà rầy vài tiếng nếu ăn ở bừa bộn bị bà phát hiện.
Thương bà nhưng chắc chắn sẽ có nhiều lúc những “ông giời con” giận bà vì bà khó quá bà ơi, sống với bà áp lực quá. Nhưng đó chỉ là khi bạn chưa nhìn thấu hết mọi thứ.
Bà khắt khe với M là có lý do. Bà mong sau khi mình qua đời, không còn trên thế gian để theo sát nhắc nhở, M vẫn luôn thực hiện chỉn chu việc cúng kiếng tổ tiên. Bà khó tính chẳng phải vì mình đâu, mà vì sự ấm áp trong ngày tiếp theo của gia đình này.
Bà uốn nắn M. để cậu cháu trai có thói quen dậy sớm, chăm làm việc nhà, có thể tự chăm sóc bản thân, đỡ đần mẹ. Sự lo lắng đó đâu phải cho bản thân bà, mà vì tương lai của cháu. Cũng nhờ vậy, M mới ngày càng khéo léo hơn trong việc trông nom cho bà, cho mẹ và cả với bản thân mình.
Khi ra đời đối diện với bao sóng gió mới thấy những điều bà răn dạy không bao giờ là sai.
Một netizen đã để lại bình luận nhận được hàng nghìn like về “ngôn ngữ” tình yêu của bà thế này: “Mình nhận ra rằng, không nói không có nghĩa là không thương. La mắng không phải là ghét. Yêu thương ở trong tim là thứ đáng quý nhưng khó thấy nhất. Ai còn ngoại hãy nhớ nhé”.
Đúng vậy, những câu mắng chói tai của bà đều gói vào trong những yêu thương và hy vọng một ngày con cháu trưởng thành, nhận ra điều gì là thật sự quan trọng trong đời mình, trong đó có 2 thứ: Hiếu kính với tổ tiên và hoàn thiện con người mình. Một thứ thuộc về quá khứ, một thứ là dành cho tương lai.
Sau những lời cộc cằn, “gia tài của ngoại” là cả một “bụng” yêu thương
M ở với bà ngày bé, được bà đưa đón đi học, còn “nổ” thật to sẽ xây nhà cho bà ở. Nhưng đến khi lớn và ra ở riêng cùng bố mẹ, cậu cũng dần xa cách với hình bóng đã gắn liền trong tuổi thơ của mình.
Đến khi cần tiền, M đòi ở với ngoại để “lấy ngoại làm vốn”, mong được nhận món hời thừa kế như cô em Mui.
Khi cậu khăn gói sang nhà bà, thay vì lời chào, bà cụ cằn nhằn: “Bình thường thì mất tăm mất tích, tự nhiên nay bày đặt qua thăm!” Ấy thế mà bà đều làm chuyện ngược lại với lời nói, xua đuổi cậu về nhà đi nhưng lại nuôi cậu ăn từng bữa cơm, để cậu giúp trong những thứ bà đã luôn tự làm được mà chẳng gặp khó khăn.
Có lẽ, lời hờn giận đó sẽ chẳng được thốt ra nếu cậu đã dành nhiều thời gian hơn cho bà. Cụ bà đã luôn ăn mặc tươm tất vào mỗi ngày chủ Nhật, chờ con cháu tề tựu lại để làm sáng bừng lên căn nhà nhỏ của cụ. Ở cùng với bà, M mới nhận ra tất cả những gì người già mong mỏi là sự quan tâm được đổi bằng thời gian, được nhớ đến mà không cần phải gắn liền với một cuộc “trao đổi” nào như cách hành xử của cậu Soei: lắp cho bà tay vịn để khỏi trượt ngã, đổi lại vòi vĩnh trăm baht từ mẹ già.
Những lúc bà cụ thật vui, chẳng phải là nhờ công M mua cho bà cái gì mới lạ, đắt đỏ. Chỉ đơn giản là khi cậu chỉ bà cách sử dụng vài chiếc filter hài hước trên điện thoại, lém lỉnh trêu ghẹo cách bà cài nút áo. Những điều nho nhỏ ấy lại là thứ mà bà Amah không hề quên, kể cả vào lúc sức khỏe đã suy kiệt.
Xem những khoảnh khắc ấy, bạn có nhìn thấy hình ảnh bà của mình, không ít lần nỗ lực học cách dùng những ứng dụng hiện đại “hại điện” để có thể liên lạc, lưu trữ hình con cháu? Bạn có nhớ đến những giây phút bà vui nhất, là khi có con cháu đầy đủ về ăn bữa cơm chứ không phải là điều xa hoa nào cả? Chân dung người bà hiện lên từ hình ảnh của nhân vật Amah, là sau cả ngày dài bị bà càm ràm – lúc vừa ngồi lên xe chuẩn bị phóng đi, tiếng bà thủ thỉ bên tai: “Thỉnh thoảng có thời gian lại sang chơi với bà nhé!”
Mãi nhớ đến câu hỏi của Mui với M: “Nhà của bà có mùi gì?”. Chừng nào câu trả lời cho câu hỏi đó là “chẳng có mùi gì cả” thay vì “mùi của người già”, vì ta đã ở bên cạnh họ đủ lâu để quen thuộc với nét đặc trưng ấy, thì tức là ta ít nhiều đã dành cho bà phần quan tâm mà bà mong cầu.
Mong đợi bà gửi gắm ở nơi cháu nhỏ, phải tinh ý mới biết!
Mẹ M trách cậu ngày ấy bỏ học đòi theo đuổi nghiệp streamer, đặt áp lực cậu nên sớm thành công. Riêng bà Amah, bà gửi gắm mong mỏi của mình với đứa cháu qua món quà đơn giản: Chiếc áo sơmi để cậu mặc khi có việc làm đầu tiên.
Người ta vẫn thường bảo: “Có cháu là cơ hội để ông bà được làm cha, làm mẹ lần thứ hai”. Có lẽ là vậy nên người bà, dù hay cằn nhằn những chuyện cỏn con như đống quần áo chất đầy cả tuần mới giặt, chê trách thói quen ăn uống không đâu vào đâu, thì luôn rất nhẹ nhàng và thầm kín khi khích lệ cháu theo đuổi những cột mốc quan trọng của cuộc đời, chưa bao giờ đặt thêm một áp lực vô hình nào khác.
Người già là vậy đấy, những điều họ lo nghĩ cho con cái, mong đợi riêng tư, đều luôn giấu kín trong lòng.
Bà Amah trồng và chăm cây lựu trước nhà khi M sinh ra, cầu mong cho cháu “không giàu cũng giỏi.” Bà cụ mong có mồ yên mả đẹp, không phải là để tị nạnh với ai, mà để người đời nhìn vào, còn tấm tắc khen con cháu có cuộc sống thịnh vượng thì mới có thể lo cho bậc tiền bối của mình tươm tất.
Bà của M cũng như mọi người bà khác, đã trải qua nhiều gió sương nên luôn giữ một bầu tâm sự. Không muốn phiền đến thời gian ít ỏi của con, của cháu, bà cũng chẳng mấy khi thổ lộ những mong muốn trong lòng, chỉ tranh thủ căn dặn những điều quan trọng, đôi khi lại hóa thành lời rầy la phiền nhiễu. Mãi đến khi gặng hỏi, hoặc những lúc nhiều cảm xúc, cụ bà mới chịu nói ra.
Có lẽ để yêu và thương bà, để hiểu hết về người phụ nữ ấy, những đứa cháu nhỏ ngoài việc làm bà cười bằng sự lém lỉnh, hài hước, còn cần phải biết lắng nghe, nhìn thấu những sự hy sinh ẩn giấu.
Đi xem “Gia tài của ngoại”, vừa ủng hộ “nam thần” Billkin, vừa lãi thêm một dịp để hiểu hơn về người bà mà có lẽ không ít người trong số chúng ta đã mất kết nối và lâu rồi vì nhiều lý do.
Bà là vậy đấy: Ở gần thì rất áp lực nhưng cứ xa là nhớ bà không chịu được, nhiều lúc bà còn là “cây hài” nữa. Khóc rồi cười, cười rồi lại bật khóc, xem “Gia tài của ngoại”, ta lại mong có được thêm nhiều thời gian để bên bà.
Theo ĐSPL
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/chan-dung-ve-ba-qua-gia-tai-cua-ngoai-la-mang-khong-phai-la-ghet-yeu-thuong-trong-tim-la-thu-kho-thay-a432841.html