Năm 2016, cảnh sát huyện Thanh Thiên, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc tiến hành kiểm tra thường xuyên các tổ chức tài chính lớn ở địa phương để ngăn chặn tội phạm tài chính xảy ra. Việc kiểm tra này thực sự đã phát hiện ra vấn đề.
Anh nhân viên nghèo với tài khoản chứa 352 tỷ đồng
Trong quá trình kiểm tra, cảnh sát huyện Thanh Thiên nhận thấy có một tài khoản ngân hàng đột nhiên có số lượng giao dịch quỹ rất lớn, có lúc lên tới hơn 100 triệu NDT (hơn 352 tỷ đồng). Tuy nhiên sau một thời gian ngắn, họ lại phát hiện số dư trong tài khoản này chỉ còn lại rất ít.
Phía ngân hàng cho biết chủ tài khoản này tên Dương Bằng, là nhân viên của một nhà máy may mặc ở địa phương. Người này có hoàn cảnh khá khó khăn. Anh ta cũng không kinh doanh hay đứng tên công ty nào cả khiến cảnh sát nảy sinh nghi ngờ.
Họ lập tức điều tra hồ sơ rút tiền mặt trong tài khoản ngân hàng của người đàn ông này và phát hiện chữ ký trên chứng từ không phải là của anh ta mà là của một người đàn ông trung niên tên Diệp Kiến và vợ là Dương Bình.
Sau khi điều tra lý lịch, cảnh sát phát hiện ra người phụ nữ tên Dương Bình kia chính là dì của Dương Bằng. Tài khoản dưới tên Dương Bằng luôn được vợ chồng Diệp Kiến sử dụng. Cũng theo phía cảnh sát, trước đó, 2 người này từng có tiền án mua bán ngoại tệ trái phép vào năm 2013. Nghi ngờ họ “ngựa quen đường cũ”, cảnh sát lập tức chuyển hướng sang điều tra cặp vợ chồng này. Chỉ sau vài ngày, họ đã có những phát hiện mới.
Theo đó, vào một hôm khi đang theo dõi vợ chồng Diệp Kiến, cảnh sát thấy họ lén lút gặp một người phụ nữ trung niên tại một khách sạn trong khu vực. Sau một lúc trò chuyện, người phụ nữ trung niên lấy trong túi xách ra một xấp tiền Euro và đưa cho Dương Bình. Cả hai bên nhanh chóng rời đi khi giao dịch hoàn thành.
Sau khi ra khỏi khách sạn, 2 vợ chồng Diệp Kiến và Dương Bình còn lần lượt gặp gỡ hơn 10 người khác ở các địa điểm sang trọng và thực hiện những giao dịch tương tự. Đối phương đều đưa cho họ những xấp tiền bao gồm đô la Mỹ, Euro và đô la Hong Kong.
Từ những manh mối này, cảnh sát nhận định cặp đôi này vẫn đang tham gia vào hoạt động mua bán ngoại tệ trái phép. Phương thức giao dịch của vợ chồng này là thu ngoại tệ từ các nhà đầu tư bán lẻ rồi chuyển vào tài khoản của người cháu Dương Bằng, cuối cùng rút tiền NDT để giao dịch với các nhà đầu tư khác. Như đã đề cập trước đó, trong tài khoản của Dương Bằng đã có hàng trăm triệu NDT giao dịch vốn. Điều này cho thấy “công việc kinh doanh” của Diệp Kiến và Dương Bình có quy mô rất lớn.
“Trùm cuối” xuất hiện
Sau khi 2 vợ chồng này thu được một lượng lớn ngoại tệ, họ vội vã trở về nơi ở của mình. Chỉ 20 phút sau đó, Diệp Kiến lại đi ra ngoài, trên tay cầm một chiếc vali. Cảnh sát suy đoán, trong vali chứa ngoại tệ nên rất có thể người đàn ông này sẽ đến ngân hàng. Tuy nhiên, không giống với phán đoán của họ, Diệp Kiến lái xe ra khỏi huyện Thanh Thiên và đi thẳng đến sân bay Ôn Châu.
Đỗ xe xong, Diệp Kiếm lấy vali đi thẳng đến cửa sân bay rồi dừng lại ở đây. Hắn nhìn quanh như thể đang đợi ai đó. Cảnh sát cũng lặng lẽ chờ đợi. Chỉ sau vài phút, hai người đàn ông có vẻ ngoài khả nghi bước đến chỗ Diệp Kiến, lấy chiếc vali rồi nhanh chóng rời đi.
Theo quan sát của cảnh sát, 2 đối tượng trên có vẻ là đồng bọn của Diệp Kiến. Vì vậy, họ tiếp tục chia người theo dõi 2 hai người đàn ông này và phát hiện họ đều đi từ Quảng Châu đến Ôn Châu vào ngày hôm đó. Sau khi lấy vali ở sân bay, họ trở về Quảng Châu vào đêm cùng ngày. Sau đó, họ còn lần lượt gặp gỡ hơn 6 người khác để tiếp tục các cuộc giao dịch.
Lúc này, phía cảnh sát phải đổi hướng điều tra vì sau chuỗi ngày theo dõi, họ nhận ra 2 vợ chồng Diệp Kiến và Dương Bình không phải là “trùm cuối” mà có lẽ chỉ đóng vai trò “người trung gian” trong đường dây tội phạm này. Và điểm cuối mà số ngoại tệ này được gửi tới là một phòng khách sạn ở Thâm Quyến.
Theo đó, căn phòng này đã được một công ty thương mại thuê từ lâu. Chủ của công ty thương mại này là Lâm Tuấn, khoảng 40 tuổi, đến từ Quảng Đông. Sau hơn 1 năm điều tra, cảnh sát kết luận người này chính là kẻ chủ mưu của đường dây mua bán trái phép ngoại tệ nói trên. Đồng thời, họ cũng vạch trần âm mưu là vận chuyển ngoại tệ ra nước ngoài cho một số đối tượng ở những quốc gia khác.
Để bắt giữ tất cả những người liên quan đến vụ án, cảnh sát Thanh Thiên của Chiết Giang đã quyết định phối hợp với cảnh sát các tỉnh Quảng Châu, Thâm Quyến, Cam Túc để triệt phá đường dây phạm tội này. Số ngoại tệ thu giữ được bao gồm hơn 6 triệu Euro, hơn 1 triệu đô la Hong Kong và gần 100.000 đô la Mỹ, được quy đổi thành hơn 50 triệu NDT (hơn 175 tỷ đồng). Qua thẩm tra, cảnh sát phát hiện khối lượng giao dịch hàng năm của băng nhóm này lên tới hơn 20 tỷ NDT (hơn 102.000 tỷ đồng).
Vụ việc này đã gây xôn xao dư luận Trung Quốc vào thời điểm đó. Sau cùng, tất cả các nghi phạm hình sự trong đường dây mua bán ngoại tệ trái phép xuyên quốc gia này đã bị bắt bị trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật.
(Theo Toutiao)
Theo Nhịp sống thị trường
https://markettimes.vn/canh-sat-dieu-tra-nam-nhan-vien-ngheo-co-hon-352-ty-dong-trong-tai-khoan-phat-hien-duong-day-toi-pham-xuyen-bien-gioi-lien-quan-den-so-tien-102-000-ty-dong-56080.html