Những lời khuyên dưới đây sẽ giúp bạn đối phó với chứng trầm cảm khi nghỉ hưu và tìm thấy mục đích mới trong cuộc sống.
Hiểu hơn về chứng trầm cảm khi nghỉ hưu
Nhiều người mới nghỉ hưu nhận thấy rằng sau một vài tháng, thay vì cảm thấy tự do, thư thái và thỏa mãn, họ lại cảm thấy chán nản, không mục đích và cô lập.
Thậm chí họ có thể đau buồn vì mất đi cuộc sống cũ, cảm thấy căng thẳng về việc sắp xếp thời gian trong ngày của mình hoặc lo lắng về việc việc quanh quẩn ở nhà suốt ngày sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ với vợ hoặc chồng.
Thực tế, một số người mới về hưu còn gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm hoặc lo lắng lâm sàng.
Sự thật là, cho dù bạn có mong chờ sự thảnh thơi đến mức nào thì nghỉ hưu là một thay đổi lớn trong cuộc đời, vừa tích cực vừa tiêu cực.
Một số nghiên cứu đã liên kết việc nghỉ hưu với sự suy giảm sức khỏe. Đặc biệt là những người mới nghỉ hưu trong năm đầu tiên, có nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ cao hơn khoảng 40% so với những người vẫn tiếp tục làm việc.
Những thách thức khi nghỉ hưu
Dù hoàn cảnh của bạn là gì, việc kết thúc chu kỳ làm việc sẽ thay đổi mọi thứ, một số theo chiều hướng tốt hơn, số khác theo những cách không ngờ tới hoặc rất khó khăn.
Ví dụ, nếu công việc của bạn khiến bạn kiệt sức, không thỏa mãn thì nghỉ hưu sẽ khiến bạn cảm thấy như một gánh nặng lớn đã được trút bỏ. Nhưng nếu bạn yêu thích công việc của mình, thấy nó thú vị thì nghỉ hưu có thể mang đến những thách thức.
Mọi thứ trở nên đặc biệt khó khăn nếu bạn bị buộc phải nghỉ hưu trước khi bạn cảm thấy sẵn sàng hoặc gặp vấn đề về sức khỏe dẫn đến mất khả năng làm việc.
Tương tự, quan điểm của bạn về cuộc sống cũng ảnh hưởng đến việc bạn xử lý tốt như thế nào khi chuyển từ công việc sang nghỉ hưu.
Tìm mục đích và ý nghĩa mới
Đối với nhiều người, làm việc không chỉ đơn thuần là kiếm tiền mà còn có nhiều ý nghĩa và mục đích khác trong cuộc sống. Công việc của bạn có thể khiến bạn cảm thấy cần thiết, hiệu quả và hữu ích, mang lại mục tiêu hoặc đơn giản là cho bạn lý do để ra khỏi nhà mỗi ngày.
Có mục đích trong cuộc sống cũng đáp ứng một số nhu cầu sinh học, giúp giữ cho bộ não và hệ thống miễn dịch của bạn khỏe mạnh.
Vậy nên, sau khi nghỉ hưu, điều quan trọng nhất đối với bạn là tìm kiếm những nguồn ý nghĩa mới, những hoạt động mang lại niềm vui và làm phong phú thêm cuộc sống.
Tìm công việc bán thời gian sau khi nghỉ hưu cũng là một gợi ý hay. Ngoài ra, một cách khác để biến việc nghỉ hưu trở thành một quá trình chuyển đổi dần dần là giảm dần số giờ bạn làm việc trong công việc hiện tại, chuyển sang một công việc bán thời gian hoặc làm việc cho chính mình ở một mức độ nào đó.
Ngoài việc cung cấp mục đích sống, việc làm bán thời gian cũng có thể tăng thêm thu nhập và giúp bạn gắn kết với xã hội.
Nếu bạn có một sở thích làm phong phú thêm cuộc sống của mình, bạn có thể coi việc nghỉ hưu là cơ hội để đầu tư nhiều thời gian hơn cho nó.
Nếu bạn từng phải hy sinh sở thích của mình vì sự nghiệp thì đã đến lúc phục hồi những sở thích cũ hoặc nuôi dưỡng những sở thích mới, những điều bạn luôn muốn thử.
Ví dụ, cho dù sở thích của bạn là du lịch, thiên nhiên, thể thao hay nghệ thuật, hãy thử đăng ký vào một câu lạc bộ hoặc tham gia một lớp học.
Tìm hiểu những điều mới lạ, chẳng hạn học chơi một loại nhạc cụ, tập giao tiếp bằng ngôn ngữ thứ hai hay hoàn thành bằng cấp còn dang dở,… đều là những giải pháp tuyệt vời dành cho người về hưu.
Các lớp học dành cho người cao tuổi là cách hữu ích để mở rộng trí óc, phát triển những sở thích mới và đặt ra những mục tiêu cho bản thân.
Ngoài ra, nếu bạn là người yêu động vật, việc chăm sóc thú cưng có thể giúp bạn duy trì cảm giác hữu ích và có mục đích trong cuộc sống.
Thú cưng, đặc biệt là chó và mèo, cũng mang lại tình bạn ấm áp khi bạn già đi, giúp cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng, trầm cảm và lo lắng, đồng thời cải thiện sức khỏe tim mạch của bạn.
Theo GĐTĐ
https://giaoducthoidai.vn/can-chuan-bi-gi-de-buoc-vao-tuoi-huu-thu-thai-post678274.html