Kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày, thuận lợi cho nhiều gia đình đi du lịch, nghỉ dưỡng, gặp gỡ bạn bè, người thân… Tuy nhiên, theo nhận định từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết thì trong 5 ngày nghỉ lễ dịp 30/4 – 1/5 (từ 27/4 – 1/5), nắng nóng sẽ là thời tiết chủ đạo bao trùm hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Mặc dù thời tiết nắng nóng cao điểm nhưng trong kỳ nghỉ dài này, du lịch vẫn là lựa chọn của nhiều người. Với nhiều người, đây là khoảng thời gian để “chữa lành” sau những ngày làm việc, học tập vất vả. Thế nhưng, du lịch mùa nắng nóng cũng là con dao hai lưỡi, bởi người dân phải đối mặt với nguy cơ cạn kiệt năng lượng, say nắng, say nóng, đặc biệt là ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng hệ tiêu hóa… cao hơn.
Thông tin từ Bộ Y tế, trong tháng 3/2024, cả nước xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm làm 368 người bị ngộ độc. Tính chung quý I/2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm làm 659 người bị ngộ độc (tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 3 người tử vong.
Theo chia sẻ của TS.BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký Tổng Hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng VN, thì quãng thời gian từ tháng 4 tới tháng 8 hàng năm là thời điểm thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ và độ ẩm cao, là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển, dẫn tới ô nhiễm hoặc dễ làm cho thức ăn ôi thiu nếu không được bảo quản cẩn thận. Thêm nữa, vi khuẩn phát triển mạnh nhất trong môi trường có nhiệt độ từ 32 đến 43 độ C, quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm chưa đúng cách cũng góp phần dẫn đến tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Cùng với đó, nhiệt độ tăng cao cũng khiến cho hệ miễn dịch của cơ thể dễ bị suy giảm, nhất là ở trẻ nhỏ, người lớn tuổi. Khi tiếp xúc với các độc tố của vi khuẩn trong thực phẩm, cơ thể sẽ giảm khả năng chống cự hơn.
Phòng tránh ngộ độc thực phẩm và rối loạn tiêu hóa khi đi du lịch
Theo các chuyên gia y tế, khi đi du lịch trong những ngày nắng nóng, người dân cần chú ý một số lưu ý sau để đảm bảo an toàn cho bản thân, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.
– Lựa chọn những nhà hàng và quán ăn có uy tín, nhất là ở nơi mình đến không mấy quen thuộc.
– Tránh ăn những thực phẩm tươi sống, chín không đầy đủ, không rõ nguồn gốc hoặc không được bảo quản đúng cách.
– Không nên ăn quá nhiều thực phẩm mới lạ trong một lần. Uống nước đóng chai hoặc nước sôi sạch. Tránh uống nước đá và nước từ vòi hoặc máy lọc nước không đảm bảo vệ sinh.
– Nên tìm hiểu về thực phẩm địa phương và các món ăn đặc trưng của địa phương, đặc biệt là những thực phẩm có thể gây kích ứng cho dạ dày.
– Tránh mang theo thực phẩm dễ hỏng và dễ bị nhiễm khuẩn như thịt sống, cá sống, sữa và các sản phẩm từ sữa không tiệt trùng.
– Rửa tay sạch sẽ trước khi chuẩn bị và sử dụng thực phẩm.
– Luôn có kế hoạch về việc bảo quản thực phẩm khi lên kế hoạch cho chuyến đi để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bạn và gia đình.
Hãy nhớ rằng việc bảo quản thực phẩm an toàn sẽ giúp bạn tránh được những rủi ro không đáng có trong kỳ nghỉ lễ.
Ngoài ra, ông Nguyễn Hữu Thành, Phó trưởng phòng Dự báo thời tiết Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng khuyến cáo nắng nóng là một trong những loại hình thiên tai nguy hiểm. Vì vậy, trong những ngày nghỉ lễ sắp tới, dù có đi du lịch hay không, người dân cũng cần nhớ rằng, khi tham gia các hoạt động ngoài trời nên chú ý tới điều kiện sức khỏe, mang theo nước uống, ô dù để che chắn nắng, kem chống nắng và mặc quần áo sáng màu. Không nên mặc quần áo quá dày và tối màu vì dễ hấp thụ nhiệt; giảm tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.
Đặc biệt người dân cần đến trung tâm y tế gần nhất nếu cảm thấy các dấu hiệu ảnh hưởng tới sức khỏe như sốc nhiệt.
Theo PNS
https://phunuso.baophunuthudo.vn/cach-an-uong-phong-tranh-ngo-doc-thuc-an-khi-di-du-kich-trong-ky-nghi-le-nang-nong-cuc-diem-193240426174821905.htm