Bài học từ một đời chật vật tiền nong của mẹ tôi
Vào năm 1990, khi tôi còn là cô bé nhỏ tuổi, mẹ tôi vừa hoàn thành chương trình học về Điều dưỡng tại một trường Cao đẳng cộng đồng gần đó. Đó là một khoảnh khắc vui vẻ và bùng nổ cảm xúc với gia đình tôi.
Chỉ trong vòng 2 năm trước, mẹ tôi còn làm việc toàn thời gian tại một tiệm móng vào ban ngày, trong khi nỗ lực theo đuổi chương trình Điều dưỡng khi đêm xuống. Thời điểm đó, dường như chúng tôi không bao giờ có đủ tiền để trả hết cho các chi phí sinh hoạt hàng ngày. Chúng tôi sống trong ngôi nhà nhận được trợ cấp xã hội, mua sắm tại cửa hàng tạp hoá giá rẻ nhất.
Vào thời điểm mẹ tôi hoàn thành chương trình Điều dưỡng và vượt qua bài kiểm tra, điều đó có nghĩa mẹ sẽ trở thành Y tá và nhận được mức lương cao hơn. Chúng tôi đã hy vọng, có rất nhiều thứ tốt đẹp sẽ đến với cuộc sống.
Nhưng hiện thực không phải lúc nào cũng như mong đợi.
Ngay khi mẹ được nhận công việc Y tá tại một viện dưỡng lão, mục tiêu đầu tiên của mẹ là chuyển gia đình đi khỏi căn nhà xuống cấp và mua được căn nhà riêng cho chúng tôi. Vì thế, mẹ đã quyết định sống tiết kiệm để có đủ tiền đặt cọc mua nhà. Để sớm hoàn thành ước mơ, bên cạnh thời gian làm Y tá mẹ tôi còn kiếm 1 công việc toàn thời gian khác, khiến bà luôn phải làm việc 16 tiếng/ngày. Và trong khi mẹ tôi kiếm được nhiều hơn tiền, nỗ lực tăng ca hơn thì chi phí sinh hoạt cũng gia tăng.
Khi đó tôi còn nhỏ để đánh giá trọn vẹn mọi thứ. Nhưng tôi biết chắc chắn, ngay cả khi tăng lương, dường như lúc nào mẹ cũng chật vật về tiền nong. Bởi bà luôn sống hào phóng với gia đình và những người thân yêu, ngay cả khi mẹ không đủ tiền trả cho bản thân. Và bởi vì mẹ luôn muốn chúng tôi có cuộc sống tốt đẹp và không nỡ từ chối bất cứ điều gì khi các con muốn, nên tiền của mẹ lại ngày càng cạn kiệt.
Tôi nhớ có thời điểm mẹ tôi trở nên căng thẳng vì không có đủ tiền để trả hết chi phí sinh hoạt. Dù thấy xấu hổ nhưng mẹ vẫn đi hỏi mọi người, rằng mẹ có thể mượn tiền từ họ hay không. Đó là lúc tôi nhận ra, dù bạn có làm việc chăm chỉ đến đâu và kiếm được nhiều tiền hơn trước, nhưng nếu bạn không để ý đến cách bản thân chi tiêu hoặc luôn chi lớn hơn số tiền kiếm được, bạn sẽ liên tục gặp khó khăn về tiền bạc.
Từ bài học đó, tôi học được cách chi tiêu trong khả năng của mình, luôn để ý xem tiền của mình sẽ đi đâu về đâu để không tiêu hơn mức bản thân có, hoặc ngập đầu trong nợ nần.
Ngày này, tôi có thể tự tin nói rằng: “Mỗi một đồng tiền mà tôi kiếm được đều có nhiệm vụ của chúng”. Cho dù dùng tiền để tiêu xài cho mục đích ngắn hạn (chẳng hạn như đi du lịch, mua thiết bị mới,…) cho đến dài hạn hơn (trả góp mua ô tô, nghỉ hưu,…), tất cả chúng đều được tiêu xài có kế hoạch.
Sau khi trưởng thành, tôi đã quản lý đồng tiền nghiêm ngặt như thế nào?
1- Tôi sớm học cách đặt ra các mục tiêu tiết kiệm cụ thể
Trong quá trình trưởng thành, tôi đã tận mắt chứng kiến nhiều tình huống nếu như không có nền tảng tích luỹ tài chính trước đó thì khi cần dùng tiền, rất có thể tôi sẽ phải tự đào hố chôn mình trong nợ nần.
Tôi bắt đầu học cách tiết kiệm cho những mục tiêu cụ thể từ năm 8 tuổi. Vào ngày Giáng sinh nọ, tôi nhận được vài con heo đất từ bố mẹ. Tôi muốn tiết kiệm cho dịp lễ hội mùa xuân, do đó mỗi xu kiếm được tôi đều chuyển hết vào heo đất, tích dần từ 5 xu, 25 xu cho đến 1 đồng. Khi lễ hội mùa xuân diễn ra, tôi đã có khoản tiền khá lớn để đi chơi và mua đồ ăn.
Tôi vẫn giữ thói quen tiết kiệm này khi lớn. Tôi luôn tiết kiệm tiền mà biết đích đến cụ thể của chúng, chẳng hạn như đi mua sắm cùng bạn bè, du lịch một mình, mua máy tính mới hoặc trả góp mua ô tô,…
2 – Tôi luôn theo dõi các khoản chi tiêu của mình
Ngay sau khi có tài khoản ngân hàng đầu tiên vào năm 16 tuổi, tôi luôn theo dõi các chi tiêu của mình. Và khi vào đại học, tôi kiểm tra kỹ từng đồng tiền đi ra – đi vào từ tài khoản ngân hàng của mình. Cũng nhờ đó, mặc dù không đi làm thêm nhưng tôi đã tiết kiệm được khá nhiều tiền từ học bổng và công việc vừa học vừa làm tại nhà trường.
Cần nhấn mạnh lại rằng, bất kỳ khoản tiền nào đi ra – đi vào khỏi tài khoản ngân hàng, tôi đều ghi lại. Tôi khá quan tâm đến vấn đề này và đã lập kế hoạch chi tiêu cho mỗi học kỳ trong một bảng tính. Điều này giúp tôi đảm bảo rằng mình có đủ tiền để trang trải mua sách vở, đồ tạp hóa và mọi chi phí khác mà tôi cần để được đi học.
Ngày nay, tôi thanh toán các chi phí sinh hoạt dựa trên sao kê của tài khoản ngân hàng, được ghi chép lại cẩn thận theo từng ngày. Vào cuối tháng, tôi luôn kiểm tra lại tài khoản tiết kiệm, các ghi chép về hoá đơn và số dư còn lại trong ví để đảm bảo rằng, tôi đã hoàn toàn tuân thủ kế hoạch chi tiêu của mình.
3 – Tôi đưa ra mọi quyết định tài chính dựa trên sự đánh đổi giữa thời gian và tiền bạc
Tôi còn nhớ, khi mẹ bắt đầu làm 2 công việc, chúng tôi không thể đến các địa điểm vui chơi vào Chủ nhật hàng tuần – một thói quen tưởng như đã trở thành “truyền thống” trong gia đình. Điều này chứng minh, bạn cần phải trả giá để kiếm được nhiều hơn và đó là thời gian của bạn.
Vì vậy khi mua món đồ nào đó, tôi nghĩ về 2 điều. Đầu tiên, tôi đang từ bỏ điều gì về thời gian để kiếm được số tiền đó. Và thứ hai, về chi phí cơ hội, tức là nếu chấp nhận bỏ qua thời gian đánh mất, tôi có thể làm gì với số tiền kiếm được. Hai câu hỏi này giúp tôi đưa ra các quyết định nhanh hơn và bám sát mục tiêu tiết kiệm của mình.
Sau cùng, những trải nghiệm thời thơ ấu đã dạy tôi về giá trị của đồng tiền, việc kiếm được nó khó như thế nào nhưng đánh mất nó lại dễ dàng ra sao. Tôi cũng nhận ra rằng nếu bạn không nắm rõ được bức tranh tài chính của mình, điều này sẽ dẫn đến rất nhiều căng thẳng. Bằng cách giao nhiệm vụ cho mỗi đồng tiền kiếm được, tôi có thể kiểm soát tốt hơn việc tiền của mình đi đâu và có nhiều lựa chọn hơn.
*Trên đây là chia sẻ của Jackie Lam (Mỹ) – một nhà văn về chủ đề tài chính cá nhân và cố vấn tài sản được AFC công nhận.
Nguồn: BI
Theo Nhịp sống thị trường
https://markettimes.vn/bai-hoc-tu-mot-doi-tiet-kiem-tang-ca-16-tieng-ngay-nhung-khong-du-tien-song-cua-cha-me-56197.html