Khi tôi và chồng bắt đầu nghiêm túc hơn với các vấn đề tài chính của mình vào những năm của tuổi 20, chúng tôi tự nhiên nghĩ rằng: “Mình đã hiểu rõ mọi thứ”. Chúng tôi tin rằng, từ nay cả hai sẽ sống vô cùng tiết kiệm và nỗ lực trả hết nợ nần. Đó cũng điều mà tôi và chồng đã làm được trong những năm tiếp theo.
Và bây giờ tôi đã 43 tuổi và có thể khẳng định rằng: Vợ chồng tôi đã độc lập tài chính, đang trên đà nghỉ hưu giàu có sau khi các con sẽ rời khỏi nhà chung trong 7 năm nữa.
Nhìn lại quãng đường đi qua, tôi ngẫm lại có những bài học mà tôi ước giá như mình đã học được sớm hơn. Và dưới đây là cái nhìn tổng quan về những điều mà tôi ước mình đã biết khi còn trẻ về tiền và nguyên nhân tại sao.
1/ Kiếm nhiều tiền hơn sẽ thay đổi mọi thứ
Bài học đầu tiên mà tôi ước mình đã học sớm hơn là việc gia tăng thu nhập có tác động như thế nào với cuộc sống và tình cảm cá nhân. Đã có quãng thời gian dài, tôi chật vật sống với mức lương ít ỏi ở công ty cũ, dù làm chăm chỉ từ 9h sáng đến 5h chiều.
Cho dù sẽ luôn có người nói với bạn rằng: “Tiết kiệm là tất cả”, thế nhưng bạn chỉ có thể tiết kiệm được nhiều tiền khi đã có thu nhập ổn định. Thực tế, bạn chỉ có thể tiết kiệm một ít tiền từ các khoản chi tiêu lặt vặt như trả tiền điện nước, mua đồ ăn sáng,… Thế nhưng, bạn sẽ cần món tiền lớn hơn từ việc gia tăng thu nhập nếu muốn sắm bảo hiểm, mua nhà và chuẩn bị tiền học hành cho con cái.
Ảnh minh hoạ
Xét về khía cạnh công việc truyền thống của nhân viên văn phòng, hầu hết chúng ta chỉ nhận được 1 khoản tiền luơng cố định trong một năm, nghĩa là rất khó gia tăng thêm thu nhập. Sau khi rời công việc cũ đã gắn bó với mình hơn 1 thập kỷ, tôi nhận được bài học là: Chúng đã giới hạn tôi rất nhiều trong hành trình làm giàu, vì mức tăng lương chỉ là 3%/năm, cho dù tôi có nỗ lực chăm chỉ đến đâu đi nữa.
Mặt khác, nếu bạn kiếm được nhiều tiền, bạn mới có thể giải quyết vô số vấn đề của cuộc sống, đồng thời có chi phí đầu tư cho tương lai trong thời gian sớm nhất. Nếu tôi có thể quay trở lại những năm của tuổi 20 và thay đổi bất kỳ điều gì, tôi sẽ rời bỏ công việc văn phòng để tự kinh doanh càng sớm càng tốt, thay vì mất nhiều năm tự hỏi bản thân rằng liệu mình có đi đúng hướng hay không?
Đối với những người không quan tâm đến tự kinh doanh, việc tìm ra những cách để kiếm thêm tiền có thể là một vấn đề lớn. Và nếu không tự kinh doanh và muốn gia tăng thu nhập, bạn phải làm thêm giờ tại nơi làm việc, nhận thêm công việc phụ hoặc chuyển đổi ngành để đảm bảo mức lương cao hơn.
2/ Đừng bỏ qua sức mạnh của lãi suất kép
Bài học này gắn liền với bài học đầu tiên. Và tôi thực sự ước sẽ ngày càng nhiều người quan tâm đến đầu tư cho việc nghỉ hưu ở độ tuổi còn trẻ. Trên thực tế, chúng tôi đã tham gia quỹ hưu trí lần đầu tiên vào những năm cuối của tuổi 20. Khi đó, chúng tôi chỉ trích một khoản nhỏ từ thu nhập vào quỹ đó, nhưng đều đặn theo từng tháng. Và đến hiện nay, khi số tiền tăng lên rất nhiều qua thời gian thì tôi đã hiểu và biết được sự kỳ diệu của lãi suất kép.
Tuổi trẻ có đặc quyền, đó là bạn có thể tham gia đầu tư và tận dụng lãi suất kép tốt gấp bội lần so với khi tuổi tác dần tăng cao. Đầu tư thường xuyên và càng sớm càng tốt là cách để bạn tận dụng lãi suất kép, từ đó chuẩn bị tài chính để nghỉ hưu khi bạn muốn.
Ảnh minh hoạ
3/ Bạn có thể đưa ra nhiều quyết định tiền nong sai lầm, nhưng rồi mọi thứ sẽ ổn thôi
Bên cạnh những quyết định tài chính thực sự đúng đắn thì tôi và chồng cũng có những lựa chọn khá bi thảm. Chẳng hạn, chúng tôi đã từng trì hoãn việc đầu tư cho quỹ hưu trí từ sớm như tôi đề cập ở trên. Thay vào đó, cả hai lại dồn tiền quá mức để tu sửa ngôi nhà thứ hai, sau đó bán lại chúng thì lỗ vốn.
Chúng tôi cũng đã chi rất nhiều để mua ô tô mới trong vài năm đầu của cuộc hôn nhân, dẫn đến lãng phí tiền nong không cần thiết. Hay chúng tôi từng bỏ rất nhiều tiền cho môi giới khi đi xem căn nhà thứ nhất, nhưng thành quả lại công cốc.
Tuy nhiên, khi tôi già đi, tôi nhận ra dù mình có mắc sai lầm nhưng rồi mọi thứ đều ổn. Hãy nhớ rằng, bạn chỉ cần có một số quyết định tốt xen lẫn những quyết định xấu và bạn phải tập trung vào việc “tiến lên” từ từ theo thời gian. Đừng bận tâm quá nhiều khi bạn thấy rằng mình đang đi chậm và hãy cho bản thân “lùi 2 bước để tiến 3 bước”.
Cuối cùng sau gần 2 thập kỷ, tôi và chồng đã có những quyết định tuyệt vời, bao gồm cả việc mạo hiểm tự kinh doanh, đầu tư rất nhiều khi kiếm được tiền, không nợ nần trong hơn 1 thập kỷ và còn hơn thế nữa. Mặc dù có những sai lầm trong quá khứ đã cản trở chúng tôi ở một mức độ nhất định, nhưng sau cùng những lựa chọn đúng đắn có thể bù đắp lại và tạo nên sự khác biệt.
Ảnh minh hoạ
4/ Bỏ tiền mua hạnh phúc là xứng đáng
Điều này đặc biệt đúng với tôi trong những năm gần đây, tôi đã học được rằng sức khoẻ tinh thần của mình cần được giữ nguyên vẹn, để dành cho những điều quan trọng trong cuộc sống. Nói cách khác, tôi sẵn sàng trả tiền cho những tiện ích mua được thời gian và hạnh phúc của mình, chẳng hạn như thuê người giúp viện dọn nhà, đặt đồ online để không cần tốn công sức đến cửa hàng,
Thật đáng xấu hổ nhưng phải thú nhận, tôi đã từng phải mất rất nhiều thời gian mới học được bài học này, bởi tính cách tằn tiện vốn có của bản thân. Có nhiều năm trong đời, tôi dành hàng giờ chỉ để tiết kiệm một vài đồng bạc, chẳng hạn như săn tìm voucher giảm giá hoặc lái xe từ chợ này đến chợ khác để mua đồ rẻ hơn.
Bây giờ tôi đã lớn tuổi. Tôi chỉ muốn dành thời gian rảnh rỗi để làm việc hoặc thư giãn cùng con cái. Bất cứ điều gì có thể thuê ngoài được, tôi đều hiếm khi lo lắng về chi phí.
Cuối cùng, việc già đi dạy tôi rằng tiền rất quan trọng, nhưng không phải vì những lý do tầm thường mà tôi từng nghĩ khi còn trẻ. Ngày nay, tôi dùng tiền mua 2 thứ quý giá trong cuộc sống, đó là thời gian và sự tự do.
Nguồn: BI
Theo Nhịp sống thị trươnh
https://markettimes.vn/bai-hoc-dat-gia-de-toi-tu-hai-ban-tay-trang-mua-duoc-nha-nghi-huu-trong-giau-co-va-khong-phu-thuoc-tien-nong-vao-con-cai-57662.html