Tuổi trung niên là một thuật ngữ có thời gian kéo dài rất lâu… Những người ở các giai đoạn khác nhau của tuổi trung niên sẽ có tâm trạng khác nhau. Chưa trải qua sẽ khó mà biết được vị bên trong là ngọt hay đắng.
Trên MXH 163.com (Trung Quốc) chia sẻ câu chuyện về một cư dân mạng than thở tuổi trung niên ngày nay phải làm việc quá sức. Nhận định này bắt nguồn từ việc anh ấy đặt một chiếc taxi và nói chuyện với bác tài. Bác tài 50 tuổi, con trai đang học đại học, con gái đang học cấp ba. Hai vợ chồng họ không giúp được gì con cái trong chuyện học tập, vì vậy họ luôn rất nỗ lực chăm chỉ làm việc để kiếm tiền.
Bác tài vốn là công nhân bảo trì trong một nhà máy sản xuất máy móc và đã làm việc được hơn mười năm. Nhiều việc trong nhà máy hiện nay đều do người học nghề hoặc người trẻ hơn đảm nhiệm nên khi có thời gian, bác tài sẽ lái taxi để kiếm thêm tiền.
Một người đàn ông trung niên 50 tuổi làm hai công việc. Cư dân mạng vô cùng ngạc nhiên và tự hỏi liệu ở tuổi trung niên, anh ấy có phải vất vả như vậy không. Nhưng cá nhân tôi, với tư cách là một người đã gần 50 tuổi, cảm thấy bác tài ấy có lẽ không hề cảm thấy cay đắng khi nói về cuộc đời mình. Góc nhìn của người trẻ và góc nhìn của người trung niên có thể sẽ cho ra những cảnh khác nhau.
Sau khi đọc bài viết của cư dân mạng, tôi cảm thấy họ có thể hơi lo lắng quá mức.
Bác tài đang ở độ tuổi 50, là độ tuổi trung niên và là thời kỳ đẹp nhất, đó không phải giai đoạn kéo lê cơ thể cũ kỹ của bạn và vật lộn để vượt qua cuộc sống. Hơn nữa, khi bác tài chia sẻ việc bản thân làm hai công việc, thứ mà anh ấy muốn nghe từ người khác có lẽ không phải là “anh vất vả quá”, mà là “anh thật biết cách kiếm tiền”. Công việc của bác tài là nhân viên bảo trì, nhưng anh ấy không cần làm nhiều thời gian. Công việc đều do người học việc của anh ấy đảm nhiệm nên anh ấy có nhiều thời gian để đi lái taxi.
Mặc dù làm hai công việc, nhưng trên thực tế, anh ấy không phải bỏ ra quá nhiều thời gian cho công việc đầu tiên, thay vào đó, anh ấy sử dụng thời gian lẽ ra phải làm công việc bảo trì để ra ngoài làm việc và tạo ra hai khoản lợi nhuận trên mỗi đơn vị thời gian.
Điều này hoàn toàn khác với việc bạn làm một công việc chính trong ngày và sử dụng thời gian nghỉ ngơi để làm công việc thứ hai. Phương thức này của bác tài được gọi là trí thông minh, còn phương thức sau được gọi là gian khổ.
Vì vậy, tôi đoán rằng khi bác tài nói về mình, chắc hẳn anh ấy đang rất tự hào: anh ấy vẫn là trụ cột, anh ấy đã tìm mọi cách để “tăng thu nhập”, hai đứa con mà anh ấy nuôi đều có tương lai triển vọng và hạnh phúc của một người bình thường chẳng qua cũng chỉ là như vậy.
Tôi muốn thừa nhận rằng “khủng hoảng tuổi trung niên” có tồn tại nhưng không phải do con cái gây ra.
Ở mức độ lớn hơn, giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng tuổi trung niên là ở giai đoạn đầu, khi bản thân chúng ta không thể thích ứng với những thay đổi: thể chất bắt đầu suy giảm, môi trường làm việc ngày càng phức tạp, chi phí gia đình tăng cao…
Điều kiện bên ngoài thay đổi toàn diện, chúng ta chưa nhanh chóng thích ứng với những thay đổi về vai trò xã hội nên sẽ có tâm lý lo lắng.
Ngày xưa, chúng ta chỉ là chúng ta. Trước khi có con, chúng ta dù ở độ tuổi 20, 30 nhưng về mặt tinh thần, chúng ta vẫn là những đứa trẻ.
Suy nghĩ của chúng ta là chỉ cần chăm sóc tốt cho bản thân tốt là đã xứng đáng với bố mẹ. Đi làm kiếm tiền, về ăn tối với bố mẹ trong những ngày nghỉ, mua cho họ một vài món đồ và thỉnh thoảng đưa họ đi du lịch, đó là tất cả những gì chúng ta cố gắng hết sức.
Khi bạn ở độ tuổi 40 – 50, bạn có thể làm được tất cả những điều này.
Cuộc khủng hoảng là gì? Đó là chúng ta muốn duy trì mức sống tốt nhất có thể cho gia đình mình, đặc biệt là con cái.
Dù bạn có tin hay không, nhưng bác tài dù phải làm hai công việc, nhưng anh ấy vẫn cảm thấy rất có động lực và không cảm thấy khó khăn. Hiện tại anh ấy không gặp khủng hoảng tuổi trung niên.
Điều khiến anh khó chịu hơn là một ngày nào đó, khi con trai và con gái anh cần sự giúp đỡ và hỗ trợ của anh, anh ấy sẽ bất lực. Đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất của một người cha.
Tôi chỉ hiểu được sự thật này sau khi có con. Khi còn trẻ, tôi nghĩ mình là một người đặc biệt nhưng khi có con, tôi phát hiện ra rằng mình có rất nhiều vấn đề và có tầm nhìn hạn hẹp.
Tôi nuôi nấng con cái, tuy chúng quả thực mang lại cho tôi chút rắc rối, nhưng chúng khiến tôi trưởng thành và hoàn thiện bản thân.
Nhìn các con tập bò, tập đi, học nói, tập hát, nhìn cách chúng lớn lên mỗi ngày, những điều đó khiến tôi hài lòng.
Có lẽ nửa đầu cuộc đời tôi thấy tủi thân, nửa sau cuộc đời tôi chỉ muốn sống xứng đáng với gia đình.
Hiện tại tôi đã gần 40 tuổi, bác tài xế cũng đã 50. Đây là quỹ đạo cuộc sống của chúng ta trong cuộc đời này và nó sẽ không thay đổi nhiều.
Những người bình thường sống một cuộc sống bình thường. Bắt đầu kinh doanh ở tuổi trung niên và là người khai màn cho một thế hệ giàu có là tất cả những điều mà chỉ những người giỏi nhất mới có thể làm được. Hầu hết những người bình thường có thể giống tôi và suy nghĩ rất đơn giản.
Người trẻ thấy cuộc sống của bác tài rất vất vả, nhưng những người trung niên như tôi lại thấy được niềm hạnh phúc của anh ấy.
Mọi việc anh ấy làm đều là tự nguyện. Những người trung niên như chúng tôi có lẽ chỉ cảm thấy khó chịu khi không làm được gì, không thể nuôi gia đình, không thể giúp đỡ con cái.
Con trai đang học đại học và bây giờ cần phấn đấu để có việc làm; con gái đang học cấp ba và cô bé cũng cần phấn đấu để vào được một trường đại học tốt. Cả nhà đều đang chạy về phía trước vì hạnh phúc của cả gia đình, đó là những thứ đang dẫn dắt bác tài, thứ sức mạnh ấy đang cháy lên trong lòng, và họ chưa bao giờ chắc chắn tới như vậy.
Mỗi ngày đều tràn đầy năng lượng.
Ở tuổi trung niên, tách cà phê Americano có vị đắng, cay, nhưng cũng có vị thơm. Người đã và đang trải qua rồi, mới thấu hiểu.
Theo Đời sống Pháp luật