Những bạn trẻ ở độ tuổi ngoài 20 thường không có nhiều kinh nghiệm quản lý tài chính của họ, điều đó có nghĩa là rất dễ mắc sai lầm, chẳng hạn như lạm dụng thẻ tín dụng hoặc rơi vào nợ nần vì “lối sống leo thang”. Những sai lầm này cũng thường khá phổ biến, Michela Allocca, 28 tuổi, một nhà phân tích tài chính người Mỹ cho biết.
Michela Allocca là tác giả của cuốn sách “Break Your Budget”, đã vượt qua thành công “khoảng thời gian sau khi tốt nghiệp Đại Học, thời điểm nhiều người vẫn đang loay hoay tìm cách quản lý tiền lương”. Ở tuổi 28, cô đã tích lũy được tài sản ròng trị giá 500.000 USD (khoảng 12 tỷ đồng). Với kinh nghiệm của bản thân, Michela Allocca đã chỉ ra 5 SAI LẦM phổ biến về tiền bạc có thể dẫn đến việc bạn sẽ mắc phải những khoản nợ không cần thiết hoặc bỏ lỡ cơ hội làm giàu.
1. Bị cuốn theo “lối sống leo thang”
Lối sống leo thang là một hiện tượng mà chi tiêu trong cuộc sống của bạn có xu hướng tăng lên khi bạn kiếm được nhiều tiền hơn. Allocca nói rằng, việc chi tiêu nhiều hơn khả năng thực tế của bản thân là điều rất phổ biến và hấp dẫn. Lối sống leo thang ngày càng tăng sẽ ảnh hưởng không tốt khi nó liên quan đến những chi phí định kỳ lớn hàng tháng, như là mua một chiếc xe ô tô mới hay thuê cho chính mình một căn hộ cao cấp. Những chi phí đó có thể tăng lên nhanh hơn bạn mong đợi.
“Bạn cần cân đối hợp lý khoản tiền này với thu nhập của bạn và các chi phí phải trả khác,” Allocca nói. “Nếu bạn cần phải từ bỏ các chi phí khác phục vụ cho cuộc sống và hi sinh 1 số mục tiêu tài chính để thanh toán tiền thuê hàng tháng cho một căn hộ sang trọng, bạn cũng sẽ không đủ khả năng chi trả”.
Chính Allocca đã chọn sống với những người bạn cùng phòng trước khi cô ấy có một nơi ở của riêng mình vào năm 2023. Cô ấy đã có thể dùng số tiền đó để đầu tư, điều này góp phần gia tăng tài sản mà cô có.
2. Không gửi tiết kiệm với lãi suất cao
Allocca sử dụng các gói gửi tiết kiệm lãi suất cao hơn. Bạn có thể mất thời gian lâu hơn để xử lý việc rút tiền từ tài khoản tiết kiệm có lãi suất cao. Tuy nhiên, Allocca nói rằng sự chậm trễ này là một điểm cộng, vì điều này buộc bạn phải “chậm lại” và “suy nghĩ kỹ xem liệu việc rút tiền tiết kiệm này ra để mua hàng có đáng hay không”.
3. Không theo dõi chi tiêu
Để lập ngân sách hợp lý, bạn cần theo dõi chi tiêu của mình, dù đó là thông qua một ứng dụng, bảng tính hay chỉ là viết nó lên giấy, Allocca nói. Cô đề nghị phân loại và ghi lại những nhu cầu thiết yếu hàng ngày như tiền thuê nhà, hóa đơn phải trả và các chi phí không thiết yếu như giải trí và du lịch. “Nếu bạn không theo dõi chi tiêu của mình, có 99,9% khả năng bạn đang đánh giá thấp số tiền bạn thực sự chi tiêu”, cô nói.
Allocca đề xuất việc “quản lý tài chính hàng tuần”, dành ra 10 phút để xem xét lại việc chi tiêu. Bằng cách này, bạn có thể quyết định được cách bạn sẽ tiêu tiền cho tuần tiếp theo.
“Điều này cũng có thể giúp ích rất nhiều trong việc giảm bớt lo lắng về tài chính của bạn”, Allocca nói.
4. Sử dụng thẻ tín dụng không hợp lý
Allocca đưa ra lời khuyên, bạn chỉ nên sử dụng các loại thẻ tín dụng để thanh toán cho những gì mà bạn có đủ khả năng thanh toán nhanh chóng. “Nếu bạn không đủ khả năng để chi trả, tốt nhất bạn không nên mua nó”, cô nói.
5. Không đầu tư
Việc đầu tư năm bạn 20 tuổi có thể giúp bạn có sự độc lập tài chính sau này trong cuộc sống. Bạn cũng cần trau dồi nền tảng vững chắc về kiến thức trong lĩnh vực bạn muốn đầu tư. Thời gian bắt đầu đầu tư càng được rút ngắn thì tiền càng có nhiều cơ hội để sinh sôi.
Thậm chí nếu bạn chỉ đang dành 5 USD (khoảng 127.000 đồng) một tháng vào việc đầu tư, bạn cũng đã làm một điều gì đó rồi, Allocca nói. Việc này sẽ không giúp bạn giàu lên ngay lập tức nhưng góp phần giúp bạn đẩy nhanh tiến trình tạo ra một sự thay đổi trong tương lai.
Theo: CNBC
Theo Đời sống Pháp luật